Khó khăn và thách thức khi triển khai Thông tư 33 đối với tổ chức tài chính vi mô
Tại tọa đàm "Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ" ngày 29/11, ông Hoàng Văn Thành - Bí Thư Đảng ủy Bộ phận Tổ chức TCVM CEP, Chủ tịch Hội đồng thành viên tổ chức TCVM CEP đã chia sẻ về vai trò quan trọng của tài chính vi mô trong việc hỗ trợ các nhóm yếu thế, đặc biệt là người nghèo và công nhân lao động tại Việt Nam.
Ông Thành cho biết, tài chính vi mô đã và đang trở thành một công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính cho những nhóm đối tượng yếu thế như người nghèo, người có thu nhập thấp và công nhân, nhất là trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế bền vững.
Chương trình này đặc biệt chú trọng đến việc cung cấp dịch vụ tài chính cho những người chưa tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm tài chính chính thống, giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống và nâng cao chất lượng sống.
Tại Việt Nam, tài chính vi mô đã bắt đầu hỗ trợ vốn vay cho những người nghèo và thu nhập thấp từ những năm 1990 thông qua các hoạt động tín dụng nhỏ của Ngân hàng Chính sách xã hội, các quỹ của Hội/Đoàn thể và các tổ chức phi chính phủ (NGOs).
Vào năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2005/NĐ-CP, công nhận tài chính vi mô là một bộ phận trong hệ thống tài chính chính thức của Việt Nam. Đến năm 2010, Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010 chính thức công nhận các tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM) như là một loại hình tổ chức tín dụng, chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước và được cấp phép hoạt động theo các quy định về thuế, quản lý hoạt động.
Mặc dù tài chính vi mô đã được công nhận và phát triển trong một thời gian dài, nhưng chỉ có 4 tài chính vi mô chính thức được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, bao gồm TYM, CEP, M7 và TCTCVM Thanh Hóa.
Để tiếp tục phát triển hệ thống tài chính vi mô, gần đây, Luật các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 và Thông tư 33/2024/TT-NHNN đã được ban hành, quy định rõ hơn về hồ sơ, trình tự cấp phép, tổ chức và hoạt động của các TCTCVM.
Thông tư 33/2024/TT-NHNN đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của các TCTCVM tại Việt Nam. Mặc dù có những bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, các TCTCVM như CEP vẫn gặp phải không ít khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là sau khi Thông tư 33 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Quy định mới về thu nhập: Ai sẽ được vay vốn?
Ông Thành nhấn mạnh, một trong những vấn đề đáng chú ý là quy định mới tại Thông tư 33/2024/TT-NHNN về điều kiện vay vốn tại các TCTCVM, trong đó yêu cầu khách hàng vay vốn phải có thu nhập thấp, giới hạn ở mức tối đa 9 triệu đồng/tháng tại khu vực đô thị và 7 triệu đồng/tháng tại nông thôn.
Cụ thể, tại điểm a, b, Khoản 4, Điều 3 Thông tư 33 quy định khách hàng cá nhân muốn vay vốn CEP phải thỏa các điều kiện: Là cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hoặc cá nhân có thu nhập thấp: (i) bình quân tối đa 09 triệu đồng/tháng tại thành thị; (ii) thu nhập bình quân tối đa 07 triệu đồng/tháng tại nông thôn; (iii) Người lao động tự do làm việc không trên cơ sở thuê mướn theo thỏa thuận lao động có mức thu nhập tương ứng mức thu nhập bình quân của đối tượng khách hàng quy định tại điểm (i) và (ii).
Điều này đã gây khó khăn cho nhiều công nhân lao động tại các khu công nghiệp, đặc biệt là những người có mức thu nhập trên ngưỡng này nhưng đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Họ phải đối mặt với chi phí sinh hoạt cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP.HCM. Nhiều công nhân nhập cư phải thuê nhà trọ và gửi tiền về cho gia đình tại quê, khiến cho mức thu nhập thực tế không đủ để trang trải cuộc sống.
Không chỉ có quy định về thu nhập, một vấn đề khác mà các TCTCVM đang gặp phải là sự hạn chế về đối tượng khách hàng. Các quy định của Thông tư 33 yêu cầu khách hàng phải là "người lao động theo hợp đồng lao động", điều này đã khiến nhiều đoàn viên công đoàn là công chức, viên chức, và lực lượng vũ trang không thể tiếp cận các khoản vay.
Mặc dù họ là những người có nhu cầu hỗ trợ tài chính, nhưng với các quy định hiện hành, họ lại bị loại khỏi đối tượng khách hàng của các tổ chức tài chính vi mô. Điều này đã gây ra sự bất hợp lý trong việc hỗ trợ tài chính cho những người lao động, nhất là khi họ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Chia sẻ thêm về những khó khăn, đại diện CEP cho biết, một vấn đề khác mà các tổ chức TCVM gặp phải là việc xác định khu vực "đô thị" và "nông thôn" để áp dụng quy định về thu nhập trong Thông tư 33.
Các quy định hiện hành chưa rõ ràng, mỗi văn bản, nghị định lại có một cách định nghĩa, phân vùng khác nhau giữa 2 khu vực này. Điều này dẫn đến khó khăn cho các tổ chức trong việc phân loại khách hàng thuộc khu vực nào.
Những khu vực giáp ranh giữa đô thị và nông thôn như các huyện ngoại thành của TP.HCM (Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi) không thể tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính vi mô do họ thuộc khu vực được xếp vào nông thôn và mức thu nhập của họ lại cao hơn mức cho phép. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn mà còn tạo ra sự bất cập trong việc triển khai chính sách tài chính vi mô tại các khu vực này.
“Tín dụng đen” trỗi dậy khi tài chính vi mô gặp khó
Trước những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn hợp pháp đã dẫn đến nguy cơ những người nghèo và các đối tượng yếu thế khó tiếp cận nguồn vốn uy tín từ các TCTCVM nên họ phải tiếp cận “tín dụng đen”.
Khi không thể tiếp cận các dịch vụ tài chính hợp pháp, người nghèo buộc phải tìm đến các đối tượng cho vay lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể làm cho tình trạng tài chính của họ trở nên tồi tệ hơn. Với lãi suất cao ngất ngưởng và những điều kiện không rõ ràng, tín dụng đen tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người vay, nhất là khi người vay không có sự hiểu biết đầy đủ về các quy định pháp lý.
Theo ông Thành, việc tạo ra một hệ thống tài chính vi mô thuận lợi, dễ dàng tiếp cận và phù hợp với thực tế cuộc sống của công nhân là vô cùng quan trọng để giảm thiểu tình trạng này.
Ông Hoàng Văn Thành cũng chia sẻ thêm, các quy định pháp lý hiện hành về tài chính vi mô còn thiếu sự linh hoạt trong một số trường hợp. Những thủ tục vay vốn phức tạp và yêu cầu các chứng từ, giấy tờ từ tổ chức chính trị - xã hội hay các cơ quan chính quyền địa phương khiến cho quá trình tiếp cận tài chính trở nên khó khăn đối với nhiều đối tượng. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến những công nhân và người lao động nghèo, nhất là những người lao động tự do hoặc người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Từ những khó khăn đã đưa ra, đại diện CEP đã bày tỏ mong muốn được các cơ quan chức năng xem xét và điều chỉnh các quy định trong Thông tư 33, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vi mô.
Đồng thời, làm rõ việc xác định lại khu vực đô thị và nông thôn để đảm bảo tính hợp lý trong việc phân loại đối tượng khách hàng.
Hơn nữa, ông Thành cũng mong muốn có thêm cơ chế hỗ trợ từ các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương trong việc đơn giản hóa thủ tục vay vốn cho các hộ gia đình lao động nhập cư. Việc này sẽ giúp công nhân tiếp cận nguồn tín dụng hợp pháp, giảm thiểu rủi ro phải vay từ "tín dụng đen" với lãi suất cao./.
- Tài chính vi mô: Cần một cú hích từ chính sách để vươn xa
- Tài chính vi mô là "đòn bẩy" thay đổi và cơ hội mới cho người nghèo
- Tài chính vi mô cần bước chuyển mình từ khung pháp lý