ISSN-2815-5823
Mộc Trà
Thứ sáu, 07h12 17/05/2024

Bàn về giải pháp hoàn thiện công tác quản lý tuân thủ về thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân

(KDPT) - Cần tăng cường quản lý, hạn chế tình trạng gian lận, trốn thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh đặc biệt đối với doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh, hoàn thiện công tác quản lý tuân thủ về thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân.

I. Sự cần thiết quản lý rủi ro tuân thủ đối với hộ kinh doanh, cá nhân

Khu vực kinh tế cá thể đã và đang phát triển đa dạng, góp phần tạo công văn việc làm cho người lao động, thực hiện xóa đói giảm nghèo và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của khu vực này khá phức tạp, khả năng tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật thuế nói riêng của các hộ kinh doanh, cá nhân chưa cao. Tình trạng trốn thuế, gian lận thuế còn nhiều, tuân thủ tự nguyện và nhận thức về khai, nộp thuế chưa cao ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Theo số liệu quản lý thuế năm 2022 thì cả nước có 3,1 triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trong đó số lượng hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định là 1,9 triệu hộ (trong đó hộ khoán là 1,8 triệu và 90 nghìn hộ kê khai); số lượng cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh là 74,8 nghìn, số lượng cá nhân cho thuê tài sản là 77,7 nghìn; số lượng cá nhân kê khai, nộp thuế qua các tổ chức xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp là 1 triệu. Số lượng cá nhân phát sinh thu nhập là khoảng 29 triệu, trong đó có số thuế thuộc diện khấu trừ là khoảng 7 triệu.

Cần tăng cường quản lý, hạn chế tình trạng gian lận, trốn thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh. (Ảnh minh họa)
Cần tăng cường quản lý, hạn chế tình trạng gian lận, trốn thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh. (Ảnh minh họa)

Vẫn có tình trạng doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh, vẫn có hộ kinh doanh có doanh thu hàng trăm tỉ, sử dụng nhiều hóa đơn, tăng chí phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Trước thực trạng đó, cần tăng cường quản lý, hạn chế tình trạng gian lận, trốn thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh đặc biệt đối với doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh, hoàn thiện công tác quản lý tuân thủ về thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân.

Mục tiêu của quản lý rủi ro tuân thủ là quản lý và nâng cao tuân thủ về các nghĩa vụ chính của NNT (đăng ký thuế, kê khai đúng hạn, khai báo chính xác và nộp thuế đúng hạn). QLRRTT là cách tiếp cận toàn diện, thiết kế biện pháp xử lý theo mức độ tuân thủ.

Nếu QLRR chỉ tiếp cận tập trung vào việc nhận định rủi ro cao để tập trung xử lý thanh tra, kiểm tra thì chương trình QLRRTT cung cấp cách tiếp cận có cấu trúc để nhận diện các rủi ro, đánh giá rủi ro tuân thủ, xây dựng các biện pháp xử lý của cơ quan thuế đối với các hành vi tuân thủ khác nhau, khuyến khích tuân thủ tự nguyện của NNT.

Đặc biệt khi nguồn lực hạn chế, việc vận hành trong một khuôn khổ sẽ hữu ích cho các cơ quan quản lý thuế, cụ thể là: nhanh chóng ứng phó khi tình hình thay đổi; đảm bảo rằng các biện pháp xử lý của CQT đối với các hành vi tuân thủ khác nhau được áp dụng một cách nhất quán theo thứ tự từ ưu tiên cao nhất, nâng cao xác suất thành công của các biện pháp xử lý rủi ro tuân thủ; phát huy tối đa tác động của các can thiệp; đạt được mục đích hoạt động (tối ưu hóa số thu theo quy định pháp luật, đồng thời duy trì được niềm tin của cộng đồng với hệ thống thuế).

II. Công tác triển khai

Với xu hướng số lượng NNT ngày một gia tăng, hoạt động kinh tế phát sinh ngày càng phức tạp, ngành thuế đã đẩy mạnh áp dụng QLRR nhằm nâng cao tính tuân thủ của NNT đồng thời phòng chống gian lận gây thất thoát ngân sách nhà nước, cụ thể:

1. Rà soát danh sách cảnh báo sử dụng hóa đơn vượt ngưỡng an toàn

Thời gian vừa qua Tổng cục Thuế đã xây dựng công cụ quản lý rủi ro hóa đơn điện tử. Ngày 14/6/2023 Tổng cục Thuế ban hành công văn số 2392/TCT-QLRR hướng dẫn các Cục Thuế tổ chức kiểm tra “Danh sách NNT thuộc diện giám sát xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn” theo hệ số K tại ứng dụng HĐĐT.

Qua báo cáo kết quả rà soát của Cơ quan thuế các cấp trong 06 tháng triển khai cuối năm 2023, toàn ngành đã thực hiện rà soát số lượng lớn NNT (bao gồm cả tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh), xác định các trường hợp vượt hệ số K có rủi ro cao (kê khai sai, dừng hoạt động, bỏ trốn, chuyển cơ quan điều tra,...). Với đặc thù tốc độ phát sinh nhanh của dữ liệu HĐĐT, hệ số K là công cụ theo dõi giám sát có độ trễ sát với thời gian xuất hóa đơn của NNT; đồng thời, là giải pháp quản lý cho thấy tính chủ động và trách nhiệm trong thực thi công vụ của công chức thuế.

Theo đó, cảnh báo theo Hệ số K được áp dụng đối với NNT là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng HĐĐT bao gồm cả hoá đơn điện tử từ máy tính tiền.

2. Rà soát đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử và tờ khai

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng ứng dụng đối chiếu tờ khai và hóa đơn đối với NNT là doanh nghiệp và hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai trên phạm vi cả nước. Theo công văn hướng dẫn, từ ngày 15/5/2023 triển khai chức năng ứng dụng hỗ trợ thực hiện đối chiếu dữ liệu HĐĐT và tờ khai thuế GTGT giúp giảm tải công việc cho cán bộ thuế cũng như nâng cao hiệu quả công tác giám sát quá trình sử dụng HĐĐT của NNT.

Tính đến ngày 31/12/2023, theo báo cáo của các Cục Thuế số thuế GTGT mà NNT đã thực hiện kê khai bổ sung là hàng nghìn tỷ đồng.

3. Nghiên cứu phát hiện rủi ro qua chuỗi mua bán hóa đơn

Nghiên cứu áp dụng một số công nghệ mới (công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để phân tích trên dữ liệu HĐĐT thông qua thiết lập chuỗi mua bán tinh bột sắn, dăm gỗ, điện thoại di động và máy tính bảng trên toàn quốc; và chuỗi mua bán (không theo hàng hóa) trên địa bàn Hà Nội, cụ thể: Xử lý ngôn ngữ tự nhiên để nhận diện tên hàng hoá dịch vụ, phục vụ phân loại hoá đơn; Tìm giá bất thường: Phân tích giá bất thường giúp cơ quan thuế phát hiện những giao dịch đáng ngờ của NNT để tiến hành các biện pháp quản lý nghiệp vụ tiếp theo; Xây dựng chuỗi doanh nghiệp có hoạt động mua bán liên quan đến hàng hóa, dịch vụ cụ thể sau khi tiến hành nhận diện tên hàng hóa dịch vụ. Trong quá trình phân tích các chuỗi mua bán thử nghiệm, đối với mặt hàng tinh bột sắn, phát hiện chuỗi doanh nghiệp có rủi ro cao về xuất khống hóa đơn, trong đó có cả nhóm NNT là HKD, CNKD.

4. Xây dựng công cụ hỗ trợ quản lý rủi ro về thuế của cá nhân thông qua tổ chức trả thu nhập

Công cụ hỗ trợ cơ quan thuế rà soát thông tin người phụ thuộc trường hợp rủi ro, rà soát cá nhân có thu nhập chưa được khấu trừ thuế, chưa khai quyết toán thuế... Với công cụ hỗ trợ sẽ tổng hợp thông tin toàn quốc của người nộp thuế để thông báo tổ chức trả thu nhập rà soát lại với cá nhân có thu nhập, kịp thời phát hiện rủi ro, xử lý vi phạm nếu có.

III. Hoàn thiện công tác quản lý tuân thủ về thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân

1. Tăng cường quản lý hóa đơn dựa trên kết quả phân tích rủi ro

- Xây dựng Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro về thuế và hóa đơn đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

- Áp dụng công nghệ mới để phân tích dữ liệu HĐĐT của hộ kinh doanh có liên quan đến doanh nghiệp theo các chuỗi mua bán hàng hóa, dịch vụ.

2. Triển khai kiểm soát HĐĐT, ngăn chặn tình trạng xuất khống hóa đơn

Nâng cấp ứng dụng hỗ trợ “Danh sách NNT thuộc diện giám sát xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn”, đẩy mạnh triển khai rà soát, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn tình trạng xuất khống hóa đơn và có biện pháp quản lý thuế phù hợp.

3. Tăng cường xử lý các trường hợp sai lệch khi đối chiếu dữ liệu hóa đơn và tờ khai thuế

4. Nhận diện và tiếp cận các nguồn thông tin, thiết kế các quy trình báo cáo thông tin và đối chiếu so khớp thông tin với bên thứ ba

5. Phân tích hành vi của NNT để có thể đưa ra các biện pháp quản lý rủi ro tuân thủ phù hợp

Các cơ quan quản lý thuế sẽ không thể kiểm tra, thanh tra để xử lý hết những rủi ro tuân thủ phát sinh. Xây dựng mô hình tuân thủ có thể giúp xây dựng một loạt biện pháp tuân thủ hiệu quả, từ tuyên truyền, giáo dục cho đến truy tố. Các biên pháp xử lý tuân thủ cần cân nhắc những rủi ro mà chúng ta đã thảo luận và tùy thuộc vào khả năng xảy ra và hậu quả sẽ cần đầu tư nguồn lực phù hợp trong các khâu quản lý thuế để đưa ra các giải pháp kiểm soát mang tính phòng ngừa và các biện pháp khắc khục rủi ro. Ví dụ như:

- Tuyên truyền, giáo dục cho những người nộp thuế muốn tuân thủ, giúp người dân, người nộp thuế nâng cao ý thức tuân thủ về nghĩa vụ chấp hành thuế, tạo thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ đối với người mua hàng hóa, dịch vụ.

- Tạo thuận lợi cho việc đăng ký, kê khai, nộp thuế để giúp người nộp thuế không bị thất bại ngay từ những bước đầu tiên.

- Nhắc nhớ để những người nộp thuế đang suy tính về việc không tuân thủ nhớ rằng luôn có các chế tài xử phạt và truy tố hình sự cho hành vi không tuân thủ trốn thuế, sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

- Công khai thông tin người nộp thuế vi phạm pháp luật thuế, người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

6. Xây dựng tờ khai điền trước cho cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan Thuế

7. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân, nhân thân chủ hộ kinh doanh.

Để nâng cao hiệu quả công tác QLTT NNT nói chung trong đó có việc nâng cao hiệu quả QLTT về thuế đối với HKD, CN trong thời tới, CQT cần triển khai tốt các công việc nêu trên. Muốn vậy, CQT cần xây dựng một đơn vị có đủ chức năng, thẩm quyền, địa vị pháp lý để hoàn thiện, thu thập dữ liệu, phân tích rủi ro, nâng cao hiệu quả công tác QLTT đối với NNT./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024