10 hiện vật bao gồm: 1 rìu đá Hậu kỳ đá mới, 4 hiện vật Văn hoá Đông Sơn (3 rìu đồng, 1 nồi gốm), cùng với đó là 3 tượng cá sấu đá thế kỷ I - II sau Công nguyên và 2 tấu đồng thế kỷ XVII - XVIII.

TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, Việt Nam là quốc gia thành viên thực hiện Công ước của UNESCO năm 1970 về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc xuất nhập cảnh, buôn bán trái phép tài sản văn hóa.

Năm 2013, trong cuộc điều tra tại bang Indianna, Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) đã phát hiện công dân Donald Miller (hiện đã qua đời), tự xưng là nhà từ thiện và nhà khảo cổ nghiệp dư đã lưu giữ trái phép bộ sưu tập lớn cổ vật và hài cốt của gần 500 người Mỹ bản địa và của nước ngoài.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận hiện vật quý do ĐSQ Hoa Kỳ trao trả

Các hiện vật được trao trả dịp này.

Năm 2014, FBI đã thu hồi hơn 7.000 đồ vật/hiện vật, Donald Miller sau đó từ bỏ quyền sở hữu với các đồ vật này, hợp tác với FBI, mong muốn các đồ vật được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.

Ngày 27/2/2019, FBI công bố thông cáo báo chí trên website của FBI, tuyên bố mong muốn trao trả các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp về với cộng đồng mà chúng thuộc về, đồng thời kêu gọi các chính phủ nước ngoài liên hệ và cử chuyên gia giám định liên hệ với FBI.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã gửi Bộ VHTTDL thông báo về việc FBI đề nghị trao trả một số cổ vật được xác định là có nguồn gốc Việt Nam. Ngày 6/5/2022, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT-DL) đã gửi văn bản đến Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và các cơ quan liên quan khẳng định việc Bộ VHTT-DL tiếp nhận số cổ vật trên là đúng quy định theo điều 45 Luật Di sản văn hóa và giao Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận số cổ vật trên qua đường ngoại giao và lưu giữ, quản lý theo quy định.

Ngày 5/8/2022, được sự đồng ý và ủy quyền của Bộ VHTTDL, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tiếp nhận số cổ vật từ FBI. Ngày 31/8/2022, tại Washington DC (Hoa Kỳ), đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã bàn giao cho Vụ Châu Mỹ (Bộ Ngoại giao) trực tiếp mang về Việt Nam để bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ngày 4/10/2022, tại Vụ Châu Mỹ (Bộ ngoại giao), đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cùng thành viên Hội đồng Giám định cổ vật của Bộ VHTT-DL đã xem xét, giám định hiện vật và nhận bàn giao tổng số 10 hiện vật trên từ Vụ Châu Mỹ (Bộ ngoại giao)

Cùng ngày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia” nhân kỷ niệm 90 năm ngày khánh thành công trình tòa nhà bảo tàng (1932 - 2022) và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).

Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận hiện vật quý do ĐSQ Hoa Kỳ trao trả
Các đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề “Từ nhà Bác Cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia”.

Trưng bày giới thiệu nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh gắn với lịch sử 90 năm, từ khi khánh thành công trình tòa nhà Bảo tàng Louis Finot của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đến nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia (1932 - 2022). Đây là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương ở Việt Nam thời thuộc địa, một phong cách kiến trúc kết hợp độc đáo giữa phương Đông và phương Tây do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế, xây dựng. Sau đó, các thế hệ người Pháp, người Việt và đặc biệt là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục bảo tồn, phát huy hiệu quả.

Trưng bày gồm 3 chủ đề. Đầu tiên là “Lịch sử hình thành, giới thiệu bối cảnh ra đời, quá trình xây dựng công trình, giai đoạn đầu hoạt động của Bảo tàng dưới sự quản lý của người Pháp (1932 - 1957) và những giá trị kiến trúc tiêu biểu.

Chủ đề 2 “Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia”, giới thiệu mốc lịch sử quan trọng trong bước ngoặt chuyển giao công trình và cơ sở vật chất cùng khối tài liệu, hiện vật cho Chính phủ Việt Nam (1945 - 1946). Cùng với đó là quá trình tiếp nhận, các đợt chỉnh lý chuyển đổi nội dung, cải tạo không gian kiến trúc phục vụ lữu giữ, trưng bày nhưng công trình bảo tàng vẫn giữ đúng chức năng, giá trị kiến trúc, công năng sử dụng. Công trình đã trở thành di sản quý giá, chứa đựng khối di sản giá trị xứng tầm giá trị. Từ đó, cho thấy việc thiết kế, sử dụng, cải tạo công năng công trình kiến trúc chắc chắn là những bài học kinh nghiệm quý.

Chủ đề 3 “Bảo tàng Lịch sử quốc gia - chặng đường mới”. Phần này thể hiện nội dung dù qua 90 năm tồn tại, nhiều lần chỉnh lý, cải tạo, sửa chữa nhưng công trình vẫn giữ được nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu và được sử dụng đúng công năng vốn có. Tuy vậy, Bảo tàng cần được sửa chữa, bảo tồn kiến trúc đảm bảo tồn tại lâu dài, chỉnh lý, nâng cấp hệ thống trưng bày đáp ứng nhu cầu của xã hội…

Trưng bày "Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia" mở cửa đón khách tham quan từ ngày 18/11/2022 đến tháng 3/2023.