Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Thái Nguyên): Hàng quán lấn át không gian tham quan
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý, thực hiện chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục truyền thống lịch sử văn hoá, lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Việt Bắc.
Không chỉ nổi bật với hệ thống trưng bày được xây dựng trên cơ sở các nhóm ngôn ngữ kết hợp với văn hóa vùng, giới thiệu bản sắc văn hoá 54 tộc người gắn với cảnh quan môi sinh từng vùng cư trú, Bảo tàng còn có hệ thống trưng bày ngoài trời với không gian 6 vùng văn hoá mang tính đặc trưng, và tính nguyên gốc làm điểm nhấn giới thiệu các giá trị văn hoá Việt Nam tới du khách.
Chính nhờ cấu trúc, không gian thiết kế đặc trưng, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên đã thu hút lượng lớn khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu và học tập. Bên cạnh việc đem lại giá trị to lớn trong nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền và phát huy vốn di sản văn hoá truyền thống của các dân tộc Việt Nam; lượng du khách ngày một đông đảo chính là điều kiện để phát triển các loại hình dịch vụ như: quán ăn, quán cà phê,… xung quanh bảo tàng.
Tuy nhiên, các cơ sở này lại được dựng tràn lan, lẫn trong khuôn viên văn hóa, gây mất mỹ quan cũng như ảnh hưởng tới giá trị của không gian tham quan tại Bảo tàng. Đặc biệt, tình trạng chèo kéo, mời gọi của các chủ quán khiến du khách đến thăm quan không khỏi bức xúc. Theo quan sát, nhiều khách đến với bảo tàng lúc này không phải là khách tham quan mà là khách của những quán nhậu, quán giải khát vỉa hè nằm rải rác trong khuôn viên không gian văn hóa này.
Điều đáng nói, tên của các quán ăn, nhà hàng luôn đi kèm dòng chữ: “Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam”, thậm chí đi kèm các nội dung như: “Trung tâm kết nối cộng đồng”, “Trung tâm bảo tồn văn hóa các dân tộc Việt Nam, ẩm thực văn hóa Việt”,… Phải chăng, các giá trị về văn hóa, du lịch đang bị lợi dụng để quảng bá cho các quán nhậu, các tụ điểm vui chơi tới đêm muộn ngay trong khuôn viên bảo tàng này. Và liệu, các Trung tâm kết nối cộng đồng, Trung tâm bảo tồn văn hóa các dân tộc Việt Nam có phải đứng ra tổ chức kinh doanh hay cho thuê mặt bằng với các dịch vụ này? Dưới đây là một số hình ảnh theo ghi nhận của phóng viên:
Được biết, trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên đã có quy hoạch chi tiết vị trí được phép kinh doanh buôn bán hàng ăn, uống, cũng như quy định về thời gian mở cửa tại bảo tàng.
Dư luận đang đặt ra nghi vấn rằng, hoạt động chính của Bảo tàng này liệu có phải là nơi trưng bày, tuyên truyền, phát huy vốn di sản văn hoá truyền thống của các dân tộc Việt Nam hay là hoạt động kinh doanh ăn uống? Ai là người đưa ra chủ trương và cấp phép cho những hoạt động trên?
Tòa soạn Kinh doanh và phát triển sẽ tiếp tục thông tin thêm tới bạn đọc về vấn đề này.
Nhóm PV