Giải Vàng chung kết Cuộc thi Hòa giải Thương mại Việt Nam - VCMC 2024 gọi tên Trường Đại học Luật Hà Nội
Đây không chỉ là sân chơi dành cho các sinh viên chuyên ngành luật mà còn là cơ hội để các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại tìm hiểu, học hỏi và trải nghiệm phương pháp giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Trải qua hơn 3 tháng phát động, nhận được vô vàn sự quan tâm của các bạn sinh viên trên toàn quốc. Giờ đây, hành trình VCMC 2024 đã đi tới chặng cuối cùng.
Cuộc thi Hoà giải Thương mại Việt Nam (VCMC) là một cuộc thi nhằm mục đích thúc đẩy việc sử dụng phương thức hòa giải như một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế phổ biến. Cuộc thi được phát động từ tháng 6/2024 với các vòng thi cùng các hoạt động bên lề như toạ đàm, hội thảo. Trong đó, các sinh viên luật trên toàn quốc có cơ hội được thực hành vai Luật sư và vai Hoà giải viên, từ đó bước đầu có cái nhìn tổng quan vai trò của các Bên trong phiên hoà giải. Từ đó, các đội tham dự có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quý báu từ những Hoà giải viên, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực - phục vụ cho quá trình tham dự cuộc thi, cũng như cả quá trình học tập sau này.
Bên cạnh đó, giám khảo các vòng thi của VCMC cũng là các hòa giải viên và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hòa giải thương mại với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Ông Phan Trọng Đạt - Quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ, với tư cách là đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ hoà giải thương mại chuyên nghiệp và uy tín, VMC mong muốn thúc đẩy việc sử dụng phương thức hoà giải như một phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến thông qua cuộc thi cũng như giúp các em sinh viên có cơ hội trải nghiệm hoà giải sát với thực tế và nuôi dưỡng niềm đam mê đối với hoà giải nói chung và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế nói riêng.
“So với những phương thức giải quyết tranh chấp như trọng tài hay toà án, hoà giải không đưa ra quyết định ràng buộc các bên về mặt pháp lý hay phân xử đúng - sai, mà sẽ hỗ trợ các bên dựa trên nguyên tắc tự nguyện, trong những nỗ lực giải quyết tranh chấp theo thiện chí của các bên với quy trình thủ tục nhanh hơn đáng kể. Thông qua hoà giải, các bên sẽ có một góc nhìn mới mang tính trung lập, khách quan và chuyên gia, giúp các bên thấu hiểu hơn những lập trường và mong muốn của bên còn lại. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, điều hướng các bên đưa ra thoả thuận chung để đôi bên cùng có lợi.”, ông Đạt nhấn mạnh.
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc Dân cũng nhấn mạnh sự phối hợp tổ chức giữa VMC thuộc VIAC và Khoa Luật NEU. Với vai trò tiên phong trong lĩnh vực hòa giải thương mại, VMC không chỉ giải quyết các tranh chấp trong nước và quốc tế mà còn tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy hòa giải, trong đó có VCMC. Trải qua 4 tháng thi đấu với 63 đội đến từ 14 trường đại học, cuộc thi VCMC đã tạo môi trường cho sinh viên trải nghiệm thực tiễn qua vai trò Luật sư và Hòa giải viên, đồng thời học hỏi từ các chuyên gia hòa giải có uy tín. Bên cạnh đó, PSG. TS. Nguyễn Ngọc Sơn cũng gửi lời cảm ơn tới các nhà tài trợ , giám khảo và các bạn sinh viên đã tham gia cuộc thi năm nay.
Có thể nói, Cuộc thi Hoà giải Thương mại Việt Nam - VCMC 2024 là một cam kết giữa VMC và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu, chất lượng cao góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực hoà giải thương mại tại Việt Nam.
Kết quả chung cuộc, Ban Tổ chức đã trao Giải Vàng cho đội The Fein đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội; Giải Bạc cho đội SP4RK đến từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Giải Đồng cho đội BRAVO đến từ Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao nhiều giải phụ khác như: Giải Hoà giải viên xuất sắc nhất thuộc về Vũ Việt Anh; Giải Luật sư đại diện xuất sắc nhất xướng tên Trần Quang Huy; Giải đội thi ấn tượng vòng Loại: đội Lasan Law trường ĐH Nha Trang; Giải đội thi được yêu thích nhất: F4 Trade Truce Trường Đại học Ngoại thương, Giải đội thi triển vọng: đội 247 Học viện Ngoại giao./.
- Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong hoạt động hòa giải
- Giải quyết bằng hòa giải 5 tranh chấp thương mại gần 1.000 tỷ đồng