Tỷ lệ bao phủ vắc-xin giữa các quốc gia khác nhau sẽ gây ra những hệ quả về kinh tế thế giới.

OECD đã hạ mạnh dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ từ mức 6,9% xuống 6% trong năm 2021, nhưng lại tăng dự báo tăng trưởng của Khu vực Đồng tiền chung châu ÂU (eurozone), được dự báo tăng trưởng 5,3% trong năm 2021, cao hơn mức dự báo hồi tháng 5 là 4,3%. Dù vậy, tăng trưởng trong eurozone sẽ không đồng đều. Pháp, Italy và Tây Ban Nha thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao hơn trong khi kinh tế Đức sẽ tăng trưởng chậm hơn.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng 8,5% trong năm nay trước khi suy yếu xuống còn 5,8% trong năm 2022. Triển vọng tại Ấn Độ cũng rất sáng sủa: GDP được dự báo tăng 9,7% năm 2021 và 7,9% trong năm 2022 bất chấp việc nước này vừa trải qua làn sóng Covid-19 tồi tệ với sự xuất hiện của biến thể Delta.

Ở chiều ngược lại, những nước có độ che phủ vắc-xin ngừa Covid-19 thấp có xu hướng bị tụt lại. Indonesia, nước hiện mới tiêm vaccine đủ liều cho 16% dân số, sẽ chỉ có được mức tăng trưởng khiêm tốn là 3,7% trong năm nay, mức thấp nhất trong số các thành viên OECD. Tăng trưởng GDP của Nga trong năm nay cũng chỉ ở mức là 2,7%, trong bối cảnh mới chỉ có khoảng 30% người dân Nga tiêm đủ liều vắc-xin.

OECD đánh giá tác động kinh tế do tình trạng dịch bệnh lây lan mạnh với sự xuất hiện của biến thể Delta ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao hiện nay là khá nhẹ. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, biến thể này đã làm giảm động lực hồi phục kinh tế và gia tăng áp lực lên các chuỗi cung ứng và chi phí toàn cầu. Theo OECD, hoạt động luân chuyển ở các nước châu Á-Thái Bình Dương đã chậm lại đáng kể do các biện pháp hạn chế được áp dụng trở lại để ngăn chặn đà lây lan của biến thể Delta.

OECD nhấn mạnh tốc độ triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh càng nhanh, tiết kiệm hộ gia đình giảm càng mạnh thì nhu cầu sẽ càng cao và tỷ lệ thất nghiệp sẽ càng thấp, nhưng các yếu tố này sẽ tạo đà đẩy áp lực lạm phát trong ngắn hạn. Ngược lại, tiêm chủng càng chậm và các biến thể mới tiếp tục xuất hiện thì quá trình phục hồi kinh tế sẽ càng yếu đi trong khi sẽ có thêm nhiều người lao động thất nghiệp.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra cảnh báo tương tự khi cho rằng tiếp cận vắc xin đã trở thành vết nứt chính phân chia phục hồi kinh tế toàn cầu thành hai khối.

Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cũng nhấn mạnh hoạt động thương mại thế giới và sản lượng đã hồi phục với tốc độ nhanh hơn dự kiến kể từ nửa cuối năm 2020, sau khi ghi nhận sự giảm sút mạnh trong đợt bùng phát dịch đầu tiên. Theo bà Okonjo-Iweala, dự báo mới đây nhất của WTO ước tính lượng hàng hóa giao dịch sẽ tăng lần lượt 8% và 4% trong hai năm 2021 và 2022.

Người đứng đầu WTO nhận định, hoạt động thương mại có sự khác biệt lớn giữa các khu vực, trong đó sự bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin phòng Covid-19 là nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt này. Sự bất bình đẳng thể hiện rõ ở tỷ lệ tiêm chủng thấp tại các quốc gia có thu nhập thấp với chỉ hơn 1% dân số tại các nước này mới tiêm mũi vắc-xin đầu tiên.

Do vậy, theo bà Okonjo-Iweala, việc không đảm bảo sự tiếp cận vắc-xin toàn cầu đặt ra mối đe dọa đối với nền kinh tế thế giới và sức khỏe cộng đồng.

MINH THÀNH