Lãi suất giảm, dòng tiền nhàn rỗi "trú ẩn" tại ngân hàng có chuyển kênh?
Lãi suất thấp, tiền vẫn “trú ẩn” ở ngân hàng
Hiện nay, các ngân hàng cũng đang tiếp tục giảm lãi suất. Ví dụ, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SCB), lãi suất kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và 24 tháng đã giảm lần lượt từ 2,05%, 3,05%, 4,75% và 4,75% xuống mức 2,05%, 3,05%, 4,05% và 4,05%; VIB cũng giảm lần lượt từ 3,2%, 4,3%, 4,7% và 5,3% xuống mức 3%, 4,1%, 4,5% và 5%; DongABank giảm lãi suất các kỳ hạn trên lần lượt từ 3,5%, 4,5%, 5% và 5,2% xuống mức 3,3%, 4,3%, 4,8% và 5%...
Dù lãi suất thấp nhưng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi của người dân, doanh nghiệp vào ngân hàng đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng - mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Mức tiền gửi tăng thêm trong năm 2023 tăng gần gấp đôi so với năm 2022.
Tình trạng “tồn kho tiền” trong ngân hàng 2 tháng đầu năm cũng không nhiều cải thiện khi tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn khá thấp. Trong tháng 1, thậm chí còn tăng trưởng tín dụng còn ở mức âm. Dù điều này có nguyên nhân từ yếu tố “mùa vụ”, nhưng cũng không thể phủ nhận tăng trưởng tín dụng năm nay yếu hơn cùng kỳ các năm trước.
Như vậy, bối cảnh lãi suất hạ thấp (thậm chí thấp hơn cả thời "tiền rẻ" COVID-19) vẫn không khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh khỏi hệ thống ngân hàng để chảy qua các kênh đầu tư khác trong giai đoạn vừa qua, ví dụ như bất động sản và chứng khoán.
Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, năm 2023, các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, bất động sản… đều có những biến động, kèm theo hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp, nên dòng tiền chảy vào ngân hàng. Lý do ngân hàng được ưa chuộng bởi tính an toàn, dù lãi suất sinh lời không cao.
Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh nhưng tiền gửi vẫn tiếp tục vào ngân hàng do nhu cầu vốn sụt giảm. Nguyên nhân do nền kinh tế gặp khó khăn, việc sản xuất và tiêu thụ hàng hoá chưa cải thiện. Điều này dẫn đến tình trạng dư thừa vốn tại nhiều ngân hàng thương mại, làm tăng chi phí trả lãi cho người gửi tiền.
Tuy nhiên, trong quý I/2024, các chuyên gia đánh giá, tình hình kinh tế đã có những chuyển biến tươi sáng hơn khi các đơn hàng xuất khẩu đã quay trở lại; thị trường chứng khoán, bất động sản cải thiện nhờ hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn về vốn lẫn pháp lý; lãi suất thấp và dư địa giảm lãi suất cho vay vẫn còn… Chưa kể, Chính phủ cũng liên tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực cho vay, giảm thêm lãi suất để tiền chảy mạnh vào nền kinh tế.
Kênh bất động sản “sáng cửa”
Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng, năm 2023, lãi suất gửi tiết kiệm giảm tới hơn một nửa với chính sách tài khóa nới lỏng. Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cao gấp đôi các năm trước, là kỷ lục của ngành ngân hàng.
Đơn vị này đánh giá, trong năm 2024, với việc lãi suất điều hành của Mỹ sẽ được giảm dần, Việt Nam vẫn còn dư địa để giữ nguyên hoặc giảm thêm lãi suất. Dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở kênh khác ngoài tiết kiệm.
"Các thị trường như một bình thông nhau. Khi kênh tiền gửi tiết kiệm không còn như kỳ vọng, nhà đầu tư sẽ có xu hướng tìm kiếm kênh đầu tư khác có tỷ suất sinh lời cao hơn như bất động sản, chứng khoán…", VFS nêu.
VFS nhận định, mặc dù thị trường bất động sản vẫn còn nhiều vấn đề, chủ đầu tư vẫn lo ngại về tính pháp lý, giá bán chưa phù hợp… nhưng những thay đổi về pháp lý vừa qua sẽ đem lại tín hiệu khởi sắc cho thị trường này. Theo đó, dòng tiền có thể sẽ dành sự quan tâm đến thị trường này hơn so với năm 2023.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho hay, sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí gần như đóng băng từ vấn đề trái phiếu doanh nghiệp cũng như thắt chặt tín dụng…, năm 2023, Chính phủ đã có rất nhiều động thái tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường để vận hành một cách lành mạnh hơn.
Theo ông Huân, hiện nay chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất giảm mạnh, nhiều chính sách khuyến khích dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư, kinh doanh thay vì tập trung tiết kiệm tại ngân hàng. Ông Huân hy vọng sau khi dòng tiền rục rịch vào thị trường chứng khoán vừa qua thì sẽ chảy vào bất động sản khi các nhà đầu tư chốt lời.
Còn theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu & cạnh tranh, thị trường bất động sản đang có xu hướng đi lên và đã có thanh khoản. Niềm tin của nhà đầu tư cũng được cải thiện khi điều kiện vĩ mô ổn định, tác động của các chính sách thực hiện thời gian qua cũng khiến họ an tâm hơn so với giai đoạn trước đây. Do đó, giai đoạn tới, bất động sản vẫn là kênh đầu tư tiềm năng.
Cho rằng chưa quá lạc quan, TS. Đinh Thế Hiển bình luận, việc lãi suất tiền gửi tiết kiệm xuống thấp thời gian qua được giới đầu tư kỳ vọng dòng tiền sẽ chảy từ ngân hàng sang bất động sản.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, dòng tiền vào kênh này có thể cải thiện, nhưng không tăng đột biến. Nền kinh tế và tiêu dùng trong nước còn cần thêm cả năm 2024 để vượt qua những thách thức.
Khảo sát của Batdongsan.com.vn cũng nêu, dòng tiền trở lại thị trường bất động sản Hà Nội sau Tết chỉ tập trung ở những dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực cao. Nhìn chung, sự khởi sắc mới chỉ mang tính hiện tượng, cá biệt, còn sức mua ở các phân khúc đầu cơ vẫn chưa cải thiện./.
- Thị trường bất động sản diễn ra sôi động
- Giám sát dòng vốn vào bất động sản
- Kiểm soát vốn vào bất động sản