Lãi suất tiền gửi đồng loạt tăng những tháng cuối năm
Mới đây, các ông lớn ngân hàng đều đang trong cuộc đua tăng lãi suất ở một số kỳ ngắn hạn.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tăng lãi suất một số kỳ hạn ngắn, từ 1-2 tháng lên 4,4%/năm (tăng 0,1 điểm % so với trước); các kỳ hạn 3 tháng lên 4,8%/năm, 6 tháng lên 5,5%/năm (tăng 0,2 điểm % so với trước). Tính từ đầu tháng 10 đến nay, Vietcombank đã có 2 lần tăng nhẹ lãi suất ở một số kỳ hạn ngắn.
Ngân hàng nông nghiệp Việt Nam Agribank cũng tăng từ 0,2 – 0,3% lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn. Mức lãi suất mới được ngân hàng này áp dụng kỳ hạn 1-2 tháng là 4,5%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 4,8%/năm và kỳ hạn 5 tháng là 5,5%/năm.
Vietinbank điều chỉnh tiền gửi kỳ hạn 1 đến 2 tháng lên 4,5%/năm; khách hàng gửi kỳ hạn 3 đến 4 tháng lãi suất 4,8%/năm và kỳ hạn từ 5 đến 6 tháng lãi suất lên 5%/năm; kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng lên 5,5%/năm.
Lãi suất huy động của 4 ngân hàng thương mại lớn ở kỳ hạn 12-18 tháng đang ngang bằng với nhiều ngân hàng thương mại cổ phần như: Sacombank, ACB, Eximbank, Techcombank, LienVietPostbank,… Với các khoản tiền dưới 1 tỷ đồng, gửi vào Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV, hiện được hưởng lãi cao hơn.
Trước đó, VietinBank và BIDV đã sớm tăng lãi suất tiết kiệm tại nhiều kỳ hạn. Ở kỳ hạn 1 đến 6 tháng, lãi suất của Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank ở mức từ 4,5%-5,5%/năm, cao hơn đáng kể so với LienVietPostBank khi chỉ ở mức 4,1%-5,1%/năm.
Với những kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất của những những ngân hàng này (trừ Vietcombank) cũng đều tiệm cận hoặc thậm chí là nhỉnh hơn của một số ngân hàng TMCP tư nhân như Eximbank, LienVietPostBank, MBBank, Techcombank, và TPBank.
Lãi suất tiết kiệm tăng khiến giới chuyên môn nhận định lãi suất cho vay cũng sẽ tăng. Bất kỳ khi nào lãi suất huy động tăng cũng tạo áp lực lên lãi suất cho vay.
Hơn nữa, nợ xấu tại nhiều ngân hàng vẫn cao, nên vẫn đang phải bù lỗ cho quá khứ, cùng chi phí hoạt động cao là lý do để tăng lãi suất cho vay.
Còn chuyên gia tài chính TS. Bùi Quang Tín, cho hay việc lãi suất huy động được nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh gần đây có thể xuất phát từ áp lực lạm phát. Thị trường vốn rất nhạy cảm với lạm phát, nên khi lạm phát có xu hướng tăng các ngân hàng sẽ “nhúc nhích” tăng lãi suất trước để thu hút nguồn vốn huy động.