ISSN-2815-5823
Minh Thành
Thứ ba, 16h25 04/06/2024

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Khó quản lý kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

(KDPT) - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, thực tế hiện nay quản lý kinh doanh trên thương mại điện tử khá khó khăn và cần sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng.

Theo chương trình, phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; công thương; kiểm toán; văn hóa, thể thao và du lịch.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn phiên chiều nay (4/6). Có 107 đại biểu đăng ký chất vấn tư lệnh ngành Công Thương. Nhiều câu hỏi "nóng" được đặt ra.

Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn, chiều 4/6. (Ảnh: QH).
Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn, chiều 4/6. (Ảnh: QH).

Đại biểu Tạ Văn Hạ đặt câu hỏi: Thực tế hiện nay, các đơn hàng được thực hiện trên Zalo, Facebook cũng được chuyển qua biên giới, mở đơn hàng đi thẳng nhưng chế tài xử lý chưa có.

Hiện, hàng hóa ở người kinh doanh livestream ở thành phố lớn, bên kia biên giới, hàng đặt áp sát biên giới. Bây giờ các hàng này khi được thông quan, được chuyển qua vận tải, chuyển phát nhanh nhưng hiện vướng Luật Bưu chính viễn thông không bắt buộc kiểm tra hàng hoá nên xử lý rất khó khăn.

Ông Hạ đặt vấn đề việc này không thể chỉ ngành công thương được mà đơn vị sở hữu ở bên ngoài, giải pháp như thế nào để bảo vệ người tiêu dùng?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói: "Thực tế hiện nay quản lý kinh doanh trên thương mại điện tử khá khó khăn và cần sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Giải pháp tốt nhất là phải có sự phối hợp".

Bộ Công Thương đóng vai trò chủ trì phối hợp với cơ quan có liên quan, dùng lực lượng quản lý thị trường đấu tranh, tìm địa điểm tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý để kịp thời xử lý, chống thất thu thuế.

Giải pháp thứ ba là hiện nay kinh doanh thương mại điện tử biến hóa khôn lường nên các quy định quản lý pháp luật phải tiếp tục được rà soát.

Đây là vấn đề mới không chỉ riêng Việt Nam mà các nước cũng gặp phải. Thương mại điện tử có tốc độ phát triển trên 20%/năm và tương lai còn mạnh hơn nữa vì vậy cơ chế chính sách phải sửa đổi rà soát tiếp.

Giải pháp tiếp nữa là phải phát huy vai trò hệ thống chính trị, vai trò của người dân, vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương.

Trong trường hợp phát hiện vi phạm thì xoá, yêu cầu chủ phòng livestream xoá kênh thì sẽ giảm được tình trạng vi phạm pháp luật, hàng giả hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó khi có chứng cứ vi phạm thì sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển cơ quan quản lý pháp luật xử lý.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa tiếp tục nêu về các phiên livestream thu hàng trăm tỷ đồng. 

Ông nói, việc livestream bán hàng trên mạng xã hội như TikTok và doanh thu một ngày có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Với những hình thức thương mại như vậy thì ta làm thế nào để bảo đảm được quyền lợi của khách hàng? Giá bán qua thương mại điện tử như vậy trong trường hợp hàng trăm tỷ doanh thu một ngày lại rẻ hơn giá bán thông qua các đại lý đang gây bất ổn và hoang mang trên thị trường về hàng thật, hàng giả. Vậy thì các cơ quan quản lý quan niệm như thế nào, xử lý ra sao và kinh nghiệm quốc tế gì?

Theo ông Nghĩa, Bộ trưởng nói nhiều về quản lý các sàn thương mại điện tử nhưng đấy là các sàn khi có định danh, đăng ký khi có định danh thì quản lý tương đối dễ. Nhưng hiện nay livestream của các cá nhân bán hàng mới là vấn đề đáng lo và không mang tính cá nhân nữa.

"Nếu theo giải pháp xoá trang đó như Bộ trưởng đã trình bày trong báo cáo , chúng tôi thấy rằng xoá thì khó nhưng lập trang mới thì hoàn toàn dễ dàng. Làm sao chúng ta cứ đuổi theo như vậy thì không thể giải quyết dứt điểm. Nếu chúng ta không đi đúng hướng thì cơ quan quản lý rất vất vả và luôn đuổi theo như ma trận rất khó khăn trong khi người tiêu dùng lãnh đủ, cơ quan thuế thất thu", ông nêu.

Đại biểu đặt câu hỏi: Tôi muốn Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi, với các livestream vừa rồi thì bộ có biết không, nhận định đó là thật hay ảo và bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng như thế nào, có kinh nghiệm quốc tế gì bộ đã tham khảo chưa? 

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, để kiểm soát hàng nước ngoài ồ ạt thống lĩnh thị trường, Bộ Công Thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. 

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong không gian thương mại điện tử, thời gian qua, Bộ đã thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện, xử lý các vi phạm thông qua bán hàng online, livestream.

Năm 2023, Bộ  đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng.

Tuy vậy, Bộ trưởng cho rằng, còn nhiều tồn tại hạn chế và thách thức lớn nên tới đây sẽ tiếp tục có giải pháp để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.

"Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ bổ sung các quy định xác thực tài khoản người bán hàng là cá nhân trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội. Đồng thời tích cực rà soát các trang mạng, ứng dụng thương mại điện tử trong việc tuân thủ pháp luật", Bộ trưởng khẳng định.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024