ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ hai, 10h44 27/05/2024

Thương mại điện tử: Cơ hội cho doanh nghiệp bứt phá

(KDPT) - Thương mại điện tử đang mở ra cơ hội triển vọng phát triển cho doanh nghiệp Việt. Nỗ lực bứt phá trong lĩnh vực này là điều mọi doanh nghiệp đang hướng đến.

Thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng

Trong Quý 1 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Hiện nay, vấn đề đặt ra là làm sao để bắt đầu bán hàng trên sàn thương mại điện tử cũng như thâm nhập vào các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU hiện được rất nhiều các doanh nghiệp quan tâm.

Theo Tổng cục Thống kế: Quý 1 năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,2 tỷ USD, chiếm 28,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 21%); tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 12,7 tỷ USD, tăng 5,2%; thị trường EU ước đạt 12,1 tỷ USD, tăng 16,3%; Asean ước đạt 8,9 tỷ USD, tăng 9,5%; Hàn Quốc ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 12,9%; Nhật Bản ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 6,4%.

Thị trường xuất khẩu toàn cầu đang mở ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để thành công trong thị trường cạnh tranh này, các doanh nghiệp cần phải có một chiến lược rõ ràng và hiệu quả, bao gồm việc sử dụng các công cụ marketing hiện đại và phù hợp để thu hút và giữ chân khách hàng. Các công cụ này có thể bao gồm các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội, email marketing, website chuyên nghiệp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bằng cách tận dụng các công cụ này một cách thông minh, các doanh nghiệp có thể tạo ra sự chú ý đến sản phẩm và dịch vụ của mình trên thị trường quốc tế, từ đó tăng cơ hội bán hàng và mở rộng doanh số.

Theo bà Hồ Thị Quyên – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) chia sẻ: “Thuận lợi là thị trường các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Cùng với đó, nhu cầu thị trường thế giới nói chung và khu vực thị trường Châu Âu, Châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024. Hơn nữa, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Phát triển thương mại điện tử được xem là trụ cột chính để phát triển nền kinh tế số. Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đã và đang trở thành một phương thức kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp. Thương mại điện tử đã tác động làm thay đổi cách tương tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với khách hàng, góp phần khắc phục các rào cản trong hoạt động thương mại quốc tế, giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường kinh doanh, qua đó tạo động lực cho sự phát triển của hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung”, bà Hồ Thị Quyên chia sẻ thêm.

Thương mại điện tử góp phần đưa sản phẩm doanh nghiệp đến toàn cầu

Ông Võ Thanh Tòng (Ryan Võ) Quản lý Tài khoản Cấp cao Amazon Global Selling Vietnam cho biết: “Thương mại điện tử giúp người tiêu dùng thông qua internet để mua sắm tại các thị trường quốc tế và trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”, đồng thời, giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng hơn khi giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế.

Ông Võ Thanh Tòng (Ryan Võ) Quản lý Tài khoản Cấp cao Amazon Global Selling Vietnam.
Ông Võ Thanh Tòng (Ryan Võ) Quản lý Tài khoản Cấp cao Amazon Global Selling Vietnam.

Bên cạnh đó, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, cọ sát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới”.

“Hiện nay, các doanh nghiệp Việt ngày càng ý thức hơn về việc làm sao để bán được sản phẩm ra nước ngoài, đặc biệt là nông sản để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch. Nhất là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, việc bán hàng ra nước ngoài đã dễ dàng và thông thương hơn, tiết giảm nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp so với giai đoạn trước đây”, ông Võ Thanh Tòng nhấn mạnh./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024