ISSN-2815-5823

Bộ Xây dựng tiếp tục ‘thúc’ địa phương công khai quy hoạch để chặn ‘sốt đất’

(KDPT) – Để ngăn chặn cơn “sốt đất” theo thông tin quy hoạch, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, bên cạnh việc yêu cầu các địa phương công khai quy hoạch, Bộ cũng tiến hành sửa luật liên quan.

Công khai thông tin quy hoạch

Chia sẻ tại tọa đàm “Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch” diễn ra trước đó, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, giống như “cơn sốt đất” diễn ra hồi đầu năm, tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng một số nhà đầu cơ, môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn tại các địa phương… để “thổi” giá đất.

Mục đích của việc này là để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản (quyền sử dụng đất, nhà ở chưa đảm bảo điều kiện pháp lý đưa vào kinh doanh, giao dịch,…) gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá nhà đất lên cao để lợi dụng trục lợi.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà & Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng)

Để ngăn chặn cơn “sốt đất”, theo ông Khởi, hồi tháng 3 Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… tại địa phương. Việc làm này để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Cũng theo ông Khởi, ngày 25/10 vừa qua Bộ trưởng Bộ Xây dựng tiếp tục ký công văn số 4363/BXD-QHKT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Người dân trước khi mua nhà, đất nên tìm hiểu kỹ các thông tin quy hoạch, đồ án quy hoạch chứ không chạy theo tâm lý đám đông. Bởi lúc cơn sốt đất đi qua, người chịu thiệt nhất chính là người mua đất.

Để tìm hiểu thông tin quy hoạch, trước khi mua bán đất, người dân có thể lên mạng vào cổng thông tin quy hoạch quốc gia để tra, hoặc có thể đến chính quyền địa phương đề nghị cung cấp các thông tin liên quan đến quy hoạch theo quy định.

Sửa các luật để chặn tình trạng “thổi giá” bất động sản

Bên cạnh việc công khai quy hoạch, theo Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Khởi, sau hơn 6 năm triển khai thi hành, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội thông qua năm 2014 và có hiệu lực từ tháng 7/2015 đã góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở, từng bước đáp ứng yêu cầu về nhà ở cho người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp tại đô thị. Luật Kinh doanh bất động sản cũng đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh bất động sản, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong 6 năm thực hiện 2 đạo luật này thì cũng cần thiết phải nghiên cứu để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung 2 luật này nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo điều kiện trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.

Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi các luật để ngăn chặn ‘sốt đất’.

“Xuất phát từ yêu cầu này, Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất và đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng hồ sơ dự án 2 luật này để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2022 để trình Quốc hội thông qua trong năm 2023”, ông Khởi nêu.

Theo ông Khởi, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất cần bổ sung các quy định về các hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở, về việc ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung cấp nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội để góp phần giảm áp lực về nguồn cung nhà ở, hạn chế tình trạng thiếu cung, tăng giá nhà ở không hợp lý.

Đặc biệt là quy định cụ thể các điều kiện tham gia đầu tư dự án bất động sản, các điều kiện kinh doanh giao dịch bất động sản, việc quản lý hoạt động của các nhà môi giới, các sàn giao dịch bất động sản, nhất là việc yêu cầu các chủ đầu tư, các cấp chính quyền và cơ quan liên quan cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin liên quan đến quy hoạch, dự án bất động sản cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm để hạn chế, khắc phục tình trạng thổi giá, tăng giá, gây sốt giá bất động sản như thời gian vừa qua…

“Nếu được cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trong thời gian tới thì tôi tin rằng, chúng ta sẽ khắc phục được các hạn chế đang xảy ra như hiện nay, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh bất động sản nói chung, hoạt động kinh doanh nhà ở nói riêng một cách công khai, minh bạch hơn và sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”, ông Khởi nhấn mạnh.

MINH ĐỨC



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024