Bộ Y tế sẽ không cấp vắc-xin nếu các địa phương không gửi đề xuất trước 20/11
Theo Bộ Y tế, tính đến chiều ngày 17/11, cả nước đã phân bổ 129,6 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó khu vực miền Nam được phân bổ nhiều nhất với hơn 59,3 triệu liều, tiếp đến là khu vực miền Bắc với gần 49 triệu liều, khu vực miền Trung hơn 14,1 triệu liều và khu vực Tây Nguyên là hơn 4,7 triệu liều.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, qua giám sát công tác tiêm chủng cho thấy, tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương nhanh, đảm bảo yêu cầu, tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương tiêm chậm, còn để vắc-xin đã được phân bổ tồn tại kho bảo quản vắc-xin khu vực, kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC). Một số tỉnh chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu tiêm chủng, làm ảnh hưởng đến việc cập nhật tiến độ chung của toàn quốc.
Mặc dù Bộ Y tế có hướng dẫn đầy đủ về tiêm vắc-xin cho trẻ em, sử dụng liều, loại vắc-xin, khoảng cách các mũi tiêm, tuy nhiên vẫn có những địa phương còn lúng túng khi triển khai…
Thời gian gần đây (từ 15/10-14/11), Bộ Y tế đã liên tục ban hành các văn bản nhắc các địa phương về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và báo cáo về Bộ dự trù nhu cầu vắc-xin trong thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022, tuy nhiên mới chỉ có hơn một nửa các tỉnh, thành gửi về Bộ.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tiêm chậm, “kêu thiếu vắc-xin” và nhập liệu chậm làm rõ thêm thông tin. Về cơ bản các địa phương chưa báo cáo đều cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin ngay và trong thời gian chậm nhất là 2 ngày sẽ có báo cáo gửi về Bộ Y tế, đồng thời sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiêm chủng, đẩy nhanh nhập liệu… Lãnh đạo một số địa phương cũng cho biết sẽ kiểm tra lại tiến độ tiêm chủng, cũng như việc báo cáo nhu cầu vắc-xin của đơn vị chuyên môn, nếu chậm trễ ở khâu nào sẽ xử lý nghiêm…
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: “Vắc-xin về tới đâu là Bộ Y tế phân bổ ngay tới đó, vì vậy các tỉnh, thành cũng cần thực hiện nghiêm “vắc-xin về đến đâu phải tiêm đến đó” để đảm bảo các đối tượng trên 18 tuổi được bao phủ mũi 1, lưu ý tiêm ưu tiên các đối tượng từ 50 tuổi trở lên”.
Về tiêm trả mũi 2, các địa phương phải thực hiện theo các hướng dẫn khung chuyên môn của Bộ Y tế và căn cứ vào độ bao phủ vắc-xin của địa phương cũng như lượng vắc-xin được phân bổ.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh lại yêu cầu của Bộ Y tế tại văn bản số 9670 ngày 14/11 về việc các địa phương phải chủ động rà soát tình hình sử dụng vắc-xin, tổng hợp và báo cáo số lượng vắc-xin phòng Covid-19 được cấp từ nguồn Bộ Y tế và các nguồn khác (doanh nghiệp viện trợ trực tiếp cho địa phương…); số vắc-xin còn tồn và báo cáo nguyên nhân.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế phải đề xuất nhu cầu vắc-xin cần cấp từ nay đến cuối năm để bao phủ đủ mũi cho toàn bộ đối tượng từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn và nhu cầu vắc-xin năm 2022, báo cáo Bộ Y tế trước ngày 20/11 để Bộ Y tế tổng hợp đưa vào kế hoạch phân bổ vắc-xin trong thời gian còn lại của tháng 11 và tháng 12/2021 cũng như năm 2022.
“Sau ngày 20/11, địa phương nào không có đề xuất, được hiểu là không có nhu cầu, Bộ Y tế sẽ không cấp vắc-xin cho địa phương đó. Sở Y tế chịu trách nhiệm trước Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và nhân dân về việc không đủ vắc-xin để tiêm chủng do không có đề xuất” – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Một vấn đề nữa được Lãnh đạo Bộ đề cập đến là việc đẩy nhanh tiến độ cập nhật kết quả tiêm chủng lên cổng thông tin tiêm chủng. “Tiêm rồi phải cập nhật lên hệ thống nếu không sẽ ảnh hưởng chung đến tiến độ tiêm chủng của địa phương và của quốc gia. Đồng thời ảnh hưởng đến cả việc phân bổ vắc-xin tiếp theo”- Thứ trưởng bày tỏ.
Ngoài ra, Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhắc các địa phương khi nhận các nguồn viện trợ vắc-xin khác ngoài nguồn phân bổ của Bộ Y tế thì phải báo cáo về Bộ Y tế để Bộ tổng hợp, có sự điều chỉnh trong phân bổ phù hợp. Đồng thời, trong công tác tiêm chủng, các địa phương phải làm tốt vấn đề kiểm tra, giám sát về quy trình chuyên môn, đối tượng tiêm, việc vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản vắc-xin…
NGUYÊN AN
Bạn đang đọc bài Bộ Y tế sẽ không cấp vắc-xin nếu các địa phương không gửi đề xuất trước 20/11 tại chuyên mục Phòng chống COVID-19.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
0369452904 – 0977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]