ISSN-2815-5823

Bức tranh kinh tế khởi sắc nhờ triển vọng trong kêu gọi vốn FDI

(KDPT) - Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

Vốn FDI: 3 yếu tố giúp nhà đầu tư tin tưởng vào Việt Nam

Con số 15,2 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong 6 tháng qua được đánh giá là mức tăng trưởng khá (tăng 13,1% so cùng kỳ) trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu còn nhiều bất ổn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư.

Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%, trong đó ghi nhận nhiều dự án mới, quy mô lớn được đầu tư đúng kế hoạch, cho thấy cam kết của nhà đầu tư nước ngoài là thực chất.

Có 3 yếu tố để nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam: Một là, chiến lược đa dạng hóa thích ứng của các nhà đầu tư kể từ sau đại dịch Covid-19; hai là, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua có sự phục hồi tốt, mở ra nhiều kỳ vọng cho các nhà đầu tư; ba là, Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động.

Con số 15,2 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong 6 tháng qua được đánh giá là mức tăng trưởng khá.
Con số 15,2 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong 6 tháng qua được đánh giá là mức tăng trưởng khá.

Đáng lưu ý, giai đoạn thu hút FDI thế hệ mới hiện nay đã cải thiện đáng kể về chất lượng các dự án đầu tư vào Việt Nam, thể hiện ở hoạt động thu hút đầu tư mới và tăng vốn tại nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam tiếp tục được củng cố. Các nhà đầu tư hiện hữu đều tin tưởng vào các chính sách của Chính phủ và tương lai phát triển của kinh tế Việt Nam.

Dự báo thu hút FDI năm 2024 có thể đạt 30-40 tỷ USD

Nhiều nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng và dư địa trong trung và dài hạn. Triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi yếu và sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức lớn do những diễn biến phức tạp thời kỳ hậu Covid-19, bất ổn địa chính trị, cạnh tranh giữa các nước lớn tiếp tục tạo ra những thay đổi và tác động đến nền kinh tế toàn cầu.

Các tiêu chuẩn mới và thậm chí là các biện pháp can thiệp của một số chính phủ để định hướng hoạt động đầu tư có thể ảnh hưởng đến xu hướng dịch chuyển FDI trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, thu hút FDI năm 2024 có thể đạt 30-40 tỷ USD, tương đương hoặc cao hơn so với năm trước.

Triển vọng thu hút FDI của Việt Nam vẫn tiếp tục có xu hướng tích cực. Tuy nhiên, để duy trì được kết quả này cần có các giải pháp khắc phục một số điểm nghẽn hiện nay nhằm tiếp tục thu hút đầu tư. Theo đó, Việt Nam cần khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề, nhất là trong lĩnh vực điện tử bán dẫn, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại một số địa phương tập trung nhiều dự án công nghiệp điện tử.

FDI đóng góp quan trọng đến sự phát triển kinh tế

Khu vực FDI là một động lực quan trọng góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng pháp luật, cơ chế, chính sách, khả năng quản trị quốc gia. 

Đầu tư của các doanh nghiệp FDI là nguồn lực quan trọng, vừa bổ sung vốn, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao. 

Hoạt động của ngày càng nhiều các tập đoàn đa quốc gia, quy mô lớn, công nghệ hiện đại góp phần nâng cấp công nghệ, kỹ năng quản lý, cải thiện vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức nói chung của nền kinh tế, khu vực FDI cũng có một số tồn tại, hạn chế như chất lượng đầu tư, trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ ở một số dự án còn hạn chế; tỷ lệ nội địa hóa còn thấp; sự liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI còn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, bền vững. Số lượng, quy mô các dự án đầu tư vào công nghệ cao, xanh, sạch, thân thiện môi trường còn khiêm tốn. 

Còn có tình trạng một số địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao; còn phát sinh những bất cập trong quan hệ lao động…

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần phải bám sát tình hình quốc tế, trong nước để chủ động điều chỉnh phù hợp các cơ chế, chính sách thu hút FDI, bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phù hợp tình hình Việt Nam và xu thế thế giới. 

Phải tập trung xây dựng và thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm sự hấp dẫn, công khai, minh bạch, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.

Cùng với đó, phải thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn, thân thiện môi trường, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và các ngành, lĩnh vực mới nổi (chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen…) và tham gia sâu rộng vào các chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực, toàn cầu./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine