Bước chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Việt Nam đang chứng kiến một bước phát triển vượt bậc và đầy triển vọng trong năm 2025. Năm 2024, nước ta đã khẳng định vị thế là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với xuất khẩu mạnh mẽ và môi trường đầu tư thuận lợi. Những yếu tố này đã tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong những năm tiếp theo.
Hàng loạt tín hiệu tích cực
Theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng và đạt mức tăng trưởng tương đương với giai đoạn trước đại dịch Covid-19, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại và xuất nhập khẩu.
Việt Nam hiện đứng thứ 35 thế giới về quy mô nền kinh tế và nằm trong nhóm 20 quốc gia có thương mại hàng hóa lớn nhất toàn cầu, với 8 năm liên tiếp duy trì xuất siêu. Các chỉ số về bội chi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài đều được kiểm soát hiệu quả, trong khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế vẫn duy trì đánh giá ổn định cho Việt Nam.
Tính đến tháng 10/2024, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và được 73 quốc gia công nhận nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 quốc gia, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 30 quốc gia, bao gồm tất cả các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Từ năm 2021, Việt Nam được xếp hạng là nền kinh tế có mức "tự do trung bình", đứng thứ 17/40 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 90/184 quốc gia toàn cầu theo chỉ số tự do kinh tế của Heritage Foundation (Mỹ).
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp Việt Nam ở vị trí 44, trong nhóm các quốc gia "tin cậy" về sở hữu trí tuệ. Đồng thời, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới từ năm 2019, với mức tăng 74%. Năm 2024, Việt Nam tiếp tục vươn lên, xếp thứ 32/100 quốc gia có giá trị thương hiệu mạnh nhất thế giới, đạt 431 tỷ USD, theo bảng xếp hạng của Brand Finance, công ty định giá thương hiệu hàng đầu tại Anh.
Theo dự báo từ các chuyên gia của IMF, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD vào năm 2025, vươn lên đứng thứ 33 thế giới. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng so với GDP 433 tỷ USD và vị trí 34 mà Việt Nam đạt được trong năm 2023. So với năm 2020, khi GDP chỉ đạt 346 tỷ USD và xếp thứ 37 toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế vững chắc trong cộng đồng quốc tế.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, Việt Nam đang có nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Dự báo năm 2024, toàn cầu có thể đạt tăng trưởng 3,2% và duy trì mức 3,2%-3,3% trong năm 2025. Với Việt Nam, những tín hiệu phục hồi rất tích cực giúp mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024 là hoàn toàn khả thi.
Năm 2025, dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt khoảng 6,6-6,8%. Nếu quyết liệt và thành công trong chuyển đổi, cải cách, tăng trưởng có thể ở mức 7,5-8%.
"Năm 2025, dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt khoảng 6,6-6,8%. Nếu quyết liệt và thành công trong chuyển đổi, cải cách, tăng trưởng có thể ở mức 7,5-8%", TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Trong bối cảnh hiện tại, nền kinh tế đang đối diện với nhiều cơ hội từ các động lực tích cực: Kiểm soát lạm phát hiệu quả, tỷ giá có xu hướng tăng nhưng sẽ dần giảm, đặc biệt là rủi ro tài khóa ở mức trung bình liên quan đến nợ công và nợ tư nhân vẫn ở mức thấp. Lãi suất đã giảm, dù lãi suất huy động có tăng, nhưng lãi suất cho vay đã giảm 1% so với đầu năm, đây là dấu hiệu tích cực trong quá trình phục hồi kinh tế. Mặc dù nợ xấu có xu hướng tăng, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Đặc biệt, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh một động lực mới cho nền kinh tế: "Quốc hội vừa thông qua 2 nghị quyết quan trọng liên quan lĩnh vực bất động sản, gồm: Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP HCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Đây là những cơ chế rất quan trọng, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Theo ông Cấn Văn Lực, nền kinh tế sẽ có các động lực tăng trưởng từ việc kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, rủi ro tài khóa liên quan nợ công, nợ tư nhân ở mức không cao. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay giảm trong bối cảnh lãi suất huy động tăng cũng là diễn biến tích cực.
Do đó, các doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất để tái cấu trúc hoạt động, kiểm soát rủi ro tài chính và dòng tiền. Đồng thời, cần nắm bắt các xu hướng lớn như sự phát triển kép “xanh hóa và số hóa”, tích hợp các yếu tố ESG và phát triển bền vững; đón đầu các công nghệ mới như AI, tự động hóa và an ninh mạng. Doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa các yếu tố như thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm - dịch vụ, cũng như nguồn vốn khả thi cho chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn và tham gia thị trường tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý các rủi ro, đặc biệt là rủi ro pháp lý, tài chính, an ninh mạng, thông tin - dữ liệu, xuất xứ hàng hóa, yêu cầu xanh hóa và bảo hộ thương mại là rất quan trọng. Doanh nghiệp cũng nên tận dụng các cơ hội từ các FTA thế hệ mới và việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Malaysia…
Phân tích về dữ liệu FDI trong năm 2024, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, mặc dù vốn FDI đăng ký mới trong 11 tháng chỉ tăng 1%, so với mức tăng 32% cùng kỳ năm 2023, nhưng điều này vẫn cho thấy kết quả thu hút FDI rất khả quan. Việc duy trì mức tăng dù trong bối cảnh khó khăn chứng tỏ Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2025, thu hút FDI dự báo vẫn rất khả quan nhờ sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào nội lực kinh tế Việt Nam. Xu hướng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đã thay đổi, từ việc tập trung vào lao động giá rẻ sang khoa học - công nghệ và công nghệ cao. Đây sẽ là động lực giúp Việt Nam có thể tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn sắp tới, chưa kể các vấn đề về chi phí logistics cũng đang được tháo gỡ để thu hút thêm vốn FDI.
Theo GS. Cường, trong suốt 30 năm qua, dù vẫn tồn tại một số vấn đề cần cải thiện trong thu hút FDI, nhưng không thể phủ nhận rằng FDI đã có ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu, khi FDI chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Mỗi khi nền kinh tế đạt được sự bứt phá, xuất khẩu, phần lớn nhờ vào sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI, luôn là yếu tố then chốt. Dự báo đến năm 2025, FDI vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào sự tin tưởng ngày càng lớn từ các nhà đầu tư vào nền tảng vững chắc của nền kinh tế Việt Nam.
Cũng theo GS.TS Hoàng Văn Cường, xu hướng đầu tư FDI hiện nay đang có sự thay đổi rõ rệt. Nếu trước đây, các nhà đầu tư chủ yếu tìm kiếm khu vực có lao động giá rẻ, thì hiện tại, họ tập trung vào các ngành khoa học công nghệ và công nghệ cao. Đây chính là động lực giúp Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng hai con số trong thời gian tới. Bên cạnh đó, những dự án luật mới được thông qua sẽ giúp tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo đà phát triển bền vững cho nền kinh tế.
Nắm bắt những cơ hội lớn
Các chuyên gia dự báo, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ có nhiều điểm đáng chú ý trong thời gian tới, đặc biệt là sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
Tại hội thảo "Đầu tư 2025: Giải mã biến số - nhận diện cơ hội", TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu đã chỉ ra có những “biến số” chính đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025.
Thứ nhất, tỷ giá ngoại tệ có thể tiếp tục biến động mạnh.
Thứ hai, lĩnh vực ngoại thương của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP, sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ biến động kinh tế toàn cầu.
Thứ ba, tình hình địa chính trị sẽ tiếp tục là yếu tố khó lường tác động đến nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp.
"Dù đối diện nhiều thách thức, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp. Gần đây công ty công nghệ bán dẫn hàng đầu của Mỹ, Nvidia, đã quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm đặt trung tâm R&D đầu tiên của Nvidia tại ASEAN.
Về nội tại, Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, tạo nền tảng để cho một giai đoạn phát triển mới. Dẫu vậy, những chuyển động của kinh tế thế giới đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục thích ứng với điều kiện và môi trường toàn cầu luôn biến động để khai thác tối đa lợi ích từ hội nhập quốc tế, đồng thời ứng phó hiệu quả với các rủi ro và rào cản", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam có nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2025. Theo ông Khôi, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, trong khi cả ba khu vực kinh tế đều duy trì tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, khu vực công nghiệp và dịch vụ dự báo sẽ có mức tăng trưởng vượt trội.
Mặc dù động lực tiêu dùng nội địa chưa phục hồi hoàn toàn như kỳ vọng, nhưng mức sống của người dân đang có sự cải thiện rõ rệt. Thêm vào đó, lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tăng trưởng ổn định, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường trong nước.
Đặc biệt, xuất khẩu và thu hút FDI vẫn là những yếu tố sáng giá, với tốc độ tăng trưởng tích cực. Hệ thống cơ sở hạ tầng cũng được cải thiện đáng kể, đặc biệt là mạng lưới đường bộ cao tốc ngày càng được mở rộng, giúp nâng cao kết nối liên vùng. Thu ngân sách Nhà nước năm 2024 tăng trưởng mạnh mẽ, tạo điều kiện để Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển.
Bên cạnh đó, các chính sách mới được ban hành sẽ tạo ra khung thể chế thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế, đặc biệt là các luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, và Luật Đấu thầu với hiệu lực thi hành và các quy định chi tiết.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những cơ hội này, TS. Lương Văn Khôi nhấn mạnh rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và khai thác hiệu quả các nguồn vốn phát triển. Đồng thời, cần tăng cường các chính sách định hướng hiệu quả dòng vốn FDI, cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đầu tư công vào các dự án giao thông như đường cao tốc và sân bay, cũng như tiếp tục hỗ trợ sản xuất và kinh doanh.
Chúng ta đang tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả và hiệu lực của quản lý nhà nước, điều tiết các hoạt động kinh tế và vĩ mô. Với những cải cách này, tôi tin rằng thể chế của chúng ta sẽ đạt chất lượng cao vào năm 2025, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng
Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), bất động sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều ngành, lĩnh vực. Thị trường bất động sản Việt Nam chịu tác động từ sáu yếu tố chủ chốt, bao gồm: Thể chế, kinh tế vĩ mô, quy hoạch và hạ tầng cơ sở, tài chính, thị trường và hệ thống thông tin trên thị trường. Dự báo, Việt Nam sẽ bước vào một chu kỳ phát triển mới vào năm 2025.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhờ sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ trong thời gian qua, TS. Nguyễn Văn Đính tin tưởng rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt được những kết quả như kỳ vọng vào năm 2025, đặc biệt là trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Ông Đính chia sẻ: "Chúng ta đang tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả và hiệu lực của quản lý nhà nước, điều tiết các hoạt động kinh tế và vĩ mô. Với những cải cách này, tôi tin rằng thể chế của chúng ta sẽ đạt chất lượng cao vào năm 2025, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng".
Các chuyên gia đều cho rằng, Việt Nam hiện đang trong giai đoạn quan trọng của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, với mục tiêu xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và lâu dài trong tương lai. Đây là thời điểm mà đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, điều chỉnh các yếu tố trong nền kinh tế để phù hợp hơn với xu thế phát triển mới, đồng thời tối ưu hóa các nguồn lực trong nước. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có những biến động mạnh mẽ, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc mà cần phải chủ động thích ứng với những thay đổi của môi trường quốc tế. Đặc biệt, việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu đang mở ra những cơ hội mới nhưng cũng đặt ra không ít thách thức.
Chính vì vậy, việc tận dụng tối đa các lợi ích từ hội nhập quốc tế là một yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, hội nhập không chỉ là cơ hội, mà còn đi kèm với nhiều rủi ro và rào cản mà Việt Nam cần phải đối mặt. Do đó, Việt Nam cần phải có chiến lược linh hoạt, chủ động và hiệu quả trong việc ứng phó với những thách thức này, đồng thời nắm bắt các cơ hội để duy trì và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, bảo đảm ổn định và bền vững trong dài hạn./.
- Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 3/2/2025 tại Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận Đống Đa: Vinh danh 14 đảng viên xuất sắc
- Chiến dịch Áo ấm mùa đông
- Meme coin mới của Trump tăng vọt vào ngày đầu nhậm chức, Bitcoin đạt ATH