ISSN-2815-5823

Các thương hiệu Việt xoay xở giữa thị trường thời trang ngày càng biến động

(KDPT) - Trong lĩnh vực thời trang tại Việt Nam, các thương hiệu Việt vẫn đang xoay xở trong bối cảnh thị trường đang ngày càng biến động.

Người dùng vẫn ưa thích hàng ngoại

Theo khảo sát gần đây của Nielsen, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sở thích tiêu dùng hàng hiệu, với gần 60% người dân sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm này. 

Người tiêu dùng Việt có xu hướng mua các thiết kế được bạn bè, người quen đánh giá tốt, hoặc ưu tiên những thương hiệu có tiếng tăm và lượt mua lớn hơn. Đây rõ ràng là điểm yếu của các thương hiệu mới chưa được biết đến nhiều cũng như chưa có bằng chứng về chất lượng sản phẩm.

Người tiêu dùng Việt vẫn có tâm lý sính ngoại, nhanh chán và dễ bị tác động bởi hiệu ứng đám đông. (Ảnh minh họa)
Người tiêu dùng Việt vẫn có tâm lý sính ngoại, nhanh chán và dễ bị tác động bởi hiệu ứng đám đông. (Ảnh minh họa)

Tháng 8 vừa qua, nhãn hàng thời trang Uniqlo (Nhật Bản) đã mở thêm 2 cửa hàng mới tại các trung tâm thương mại Vincom Plaza Imperia (Hải Phòng) và Parc Mall (TP.HCM) nâng tổng số cửa hàng bán lẻ tại thị trường Việt Nam lên 26 cửa hàng sau gần 5 năm vận hành.

Chỉ trong vòng 5 năm, Uniqlo đã, đang và sẽ tạo nên tầm ảnh hưởng nhất định đối với thị trường thời trang trong nước. Từ các bạn trẻ đến những người có tuổi đều rất ưa chuộng nhãn hiệu thời trang này. Cách phối đồ hợp thời cùng với màu sắc đơn giản đã làm nên thương hiệu của Uniqlo.

Cùng với Uniqlo, các công ty khác như Dior, Louis Vuitton, Tiffany & Co và Berluti năm ngoái đã mở cửa hàng tại Việt Nam, trong khi nhiều thương hiệu thời trang Châu Âu hợp tác với các công ty bản địa như DAFC - nhà phân phối chính của các thương hiệu cao cấp trong nước. Một số thương hiệu khác như Mango, CK, Nike... đã không ngừng tăng cường hiện diện của mình, mở rộng cửa hàng và các chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ, qua đó tạo nên cuộc cạnh tranh gay gắt.

Các thương hiệu nước ngoài đang không chỉ mang lại cơ hội cho người tiêu dùng mà còn tạo ra sức ép lớn cho ngành thời trang Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có nhiều lựa chọn hơn về mặt sản phẩm, từ chất lượng đến mẫu mã bởi thị trường thời trang quốc tế đã đưa vào Việt Nam nhiều xu hướng mới, từ phong cách thiết kế, chất liệu cho đến trải nghiệm mua sắm.

Theo chị Mai Trang (Hoàn Kiếm) là tín đồ thời trang của hãng H&M - công ty bán lẻ thời trang từ Thụy Điển. Từ khi thương hiệu này ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017 chị đã sử dụng rất nhiều sản phẩm của hãng. Từ chất liệu đến mẫu mã cũng như giá thành rất phù hợp với những tiêu chí mà chị Trang đề ra.

Thương hiệu Việt cần làm gì để lấy lại chỗ đứng

Thị trường thời trang Việt đang đối mặt với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thương hiệu quốc tế. Theo thống kê, hiện tại có hơn 200 thương hiệu thời trang quốc tế nổi tiếng như Chanel, Zara, H&M, và Uniqlo... đã có mặt và không ngừng mở rộng hệ thống phân phối tại Việt Nam.

Vậy liệu cơ hội nào cho những Yody, NEM, Việt Tiến, Canifa... trên thị trường ?.

Theo các chuyên gia, để giành được miếng bánh thị phần trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt này, các doanh nghiệp thời trang Việt Nam cần cải thiện chất lượng sản phẩm, từ thiết kế cho đến giá cả... để không thua kém so với hàng ngoại nhập.

Miếng bánh thời trang ngày càng bị chia nhỏ. (Ảnh minh họa)
Miếng bánh thời trang ngày càng bị chia nhỏ. (Ảnh minh họa)

Anh Phùng Ngọc Duy (Thanh Xuân) cho biết là người ưa chuộng hàng Việt, vì vậy anh thường ủng hộ các sản phẩm Made in Vietnam. 

"Tôi thường xuyên mua quần áo ở Yody, vì ở đây có nhiều mẫu mã phong phú phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. YODY nổi bật với mức giá bình dân, từ 100.000 đến 600.000 đồng cho một sản phẩm. Các mẫu áo phông, sơ mi, quần âu, kaki... đều rất phù hợp dù là đi chơi hay đi làm".

"Các thương hiệu Việt cần nắm bắt xu thế thời trang, chăm chút về mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm thì mới có thể cạnh tranh được với những nhãn hiệu đến từ khắp nơi trên thế giới", anh Duy chia sẻ.

Ông Phùng Thanh Ngọc, đại diện Retail Hub nhìn nhận, thời trang Việt Nam luôn xuất hiện rất nhiều gương mặt mới vì đây là ngành có sự xâm nhập thị trường dễ dàng. Tuy vậy, thị trường càng đa dạng, sự cạnh tranh càng khốc liệt từ chính những nhà bán nhỏ lẻ trong nước kèm đối thủ nước ngoài.

Euromonitor dự báo trong vòng 4 năm tới, tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành may mặc tại Việt Nam sẽ chậm hơn so với thập kỷ trước khoảng 3%, cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng không còn tăng mạnh như trước, trong khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Miếng bánh thời trang ngày càng bị chia nhỏ, đặt ra nhiều thử thách cho những thương hiệu mới muốn chen chân vào ngành công nghiệp này.

Với sự phát triển của nền kinh tế, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến việc mua sắm những sản phẩm thời trang chất lượng, đẹp và phong cách. 

Có thể thấy, việc đầu tư kinh doanh ở thị trường thời trang Việt không phải chuyện một sớm một chiều và đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, nỗ lực. Để cạnh tranh với các đối thủ nội - ngoại và giành được chỗ đứng trên thị trường thì chất lượng sản phẩm là chưa đủ. Thương hiệu nào hội tụ đủ các yếu tố thời thượng - chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt - giá cả cạnh tranh - cách tiếp cận khách hàng hiệu quả thì mới có cơ hội vươn lên và khẳng định vị thế của mình./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/11/2024