ISSN-2815-5823

Việt Nam là điểm đến tiềm năng cho ngành thương mại bán lẻ hàng không

(KDPT) - Việt Nam có sức hút lớn trong ngành thương mại bán lẻ hàng không. Đây là nhận định trong báo cáo của Hội đồng Sân bay Quốc tế Thế giới (ACI World) vừa phát hành.

Việt Nam đón hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế trong 9 tháng đầu năm

Theo báo cáo của Hội đồng Sân bay Quốc tế Thế giới (ACI World), năm 2023, doanh thu phi hàng không đã tăng trưởng và chiếm từ 30-40% tổng doanh thu của các sân bay toàn cầu. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành bán lẻ du lịch và miễn thuế đang trên đà phục hồi sau đại dịch.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Số liệu của Tổng cục thống kê, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, du lịch Việt Nam đã đón hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế. Triển vọng cả năm nay, ngành du lịch có thể đón khoảng 18-18,5 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, phần lớn khách quốc tế tới bằng đường hàng không…

Ông Nguyễn Đức Hùng - Phó tổng giám đốc ACV, thành viên Ban Điều hành ACI khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông cho hay, trong năm 2023-2024, với sự phục hồi mạnh mẽ sau COVID-19, hệ thống cảng hàng không của ACV hồi phục nhanh chóng, phục vụ hơn 113 triệu lượt hành khách mỗi năm. Trong đó hành khách quốc tế chiếm 30% tổng sản lượng hành khách. Doanh thu từ các dịch vụ phi hàng không của ACV trong năm 2023 đạt khoảng 3.686 tỷ đồng, chiếm khoảng 18,83% tổng doanh thu.

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, với vị trí chiến lược tại châu Á và với tốc độ tăng trưởng du lịch, sự gia tăng tầng lớp trung lưu, và các nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng sân bay của Chính phủ không những đang tạo đà phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế, mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành bán lẻ và dịch vụ phi hàng không, thúc đẩy Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng cho ngành thương mại hàng không.

Bức tranh kinh doanh bán lẻ hiện đại, năng động và nhiều tiềm năng

Theo bà Trần Phạm Phương Quyê - Quản lý Cấp cao Cho thuê bán lẻ Savills TP.HCM, ngành bán lẻ đang được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ các chỉ số nhân khẩu học và quá trình đô thị hóa lan rộng ở các tỉnh thành, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

Bà Phương Quyên dẫn chứng, một nghiên cứu của KPMG Việt Nam dự báo từ 2020 đến 2030, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 5,5%, thuộc top quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam tính đến tháng 10/2023 là 42,6%. Chính phủ Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt ít nhất 45% vào năm 2025 và vượt mức 50% vào năm 2030.

Bà Quyên nhấn mạnh, “Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, tốc độ phục hồi tích cực của ngành du lịch cùng với sự ra đời liên tục của các thương hiệu mới đã mang đến một bức tranh bán lẻ hiện đại, năng động và nhiều tiềm năng. Các trung tâm thương mại từ đó cũng trở thành điểm đến vui chơi, giải trí hấp dẫn của người tiêu dùng”.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP.HCM cũng từng nhấn mạnh, đây là ngành lan tỏa đến nhiều lĩnh vực, do đó chúng ta cần đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, để ngành thương mại bán lẻ hàng không thực sự phát triển, chúng ta cần quan tâm tới lĩnh vực an ninh, hải quan tại các cửa ngõ, tại các sân bay. Hiện nay, khách du lịch quốc tế phải đứng chờ rất lâu đối với các thủ tục mà đáng lý chúng ta có thể làm nhanh hơn. Thủ tục hiện nay ở tại các sân bay còn rất chậm, gây cảm giác khó chịu cho khách du lịch.

Đồng thời, cần phải đầu tư cho lĩnh vực an ninh du lịch, công an du lịch để hỗ trợ cho khách du lịch quốc tế, có như vậy thì ngành thương mại bán lẻ hàng không của Việt Nam mới phát triển tương xứng với tiềm năng.

Theo báo cáo của Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI), doanh thu phi hàng không đã chiếm 30-40% tổng doanh thu của các sân bay trên thế giới, cho thấy sức hút lớn của lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tại sân bay.

Với vị trí chiến lược và tốc độ tăng trưởng du lịch, cộng với sự cải thiện hạ tầng sân bay, Việt Nam được đánh giá là điểm đến tiềm năng cho ngành thương mại hàng không khu vực châu Á./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine