ISSN-2815-5823

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Nắm giữ thuận lợi để đạt được thành công

(KDPT) – Ở Việt Nam, những thảo luận về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (I4.0) đang trở nên hết sức sôi động trong một vài năm trở lại đây. Về mặt nhận thức đã có sự đồng thuận cao về tầm quan trọng của việc tham gia chủ động vào I4.0. I4.0 cơ hội to lớn để Việt Nam đi tắt đón đầu, nhanh chóng tiệm cận thị trường thế giới dựa trên nền tảng số tăng trưởng nhanh, giá trị gia tăng cao.

>>> Bài học lãnh đạo từ những danh tướng

>>> Trung Quốc và sự chuẩn bị chính sách cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Hơn cả, đó là cơ hội đầu tư và phát triển các ngành mới, chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng. Sự tổng hoà những cơ hội này sẽ giúp ứng dụng, bắt kịp và vươn lên đi đầu cho các nước đang phát triển như Việt Nam.

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam nhận thức cơ hội và thách thức của Việt Nam trong I4.0, đã và đang tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân, xây dựng hành lang pháp lý, tao điều kiện thuận lợi tham gia I4.0. Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 16 khẳng định I4.0 tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội và chỉ đạo bộ máy của chính phủ, đặc biệt là các bộ ngành liên quan, từ nay đến năm 2020 phải tập trung phát triển hạ tầng CNTT, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, để tận dụng tối đa lợi thế tham gia cuộc cách mạng này. Đây là yếu tố hết sức quan trọng trong định hướng và chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan liên quan cũng như khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội trong mọi ngành, lĩnh vực nhằm tận dụng hiệu quả những cơ hội mà I4.0 mang lại.

Thứ hai, sau 30 năm thực hiện đổi mới, hội nhập, những liên kết, hợp tác kinh tế song phương và đa phương của Việt Nam đã trở nên rộng lớn và sâu sắc là những điều kiện cần thiết và thuận lợi cho sự tham gia của Việt Nam vào I4.0.

Thứ ba, hạ tầng viễn thông và CNTT của Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ và đang đứng trong tốp đầu các quốc gia trong ASEAN, CNTT đang được phổ cập tới người dân và ứng dụng trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế xã hội. Năm 2017, số người dân sử dụng Internet băng rộng cố định 50.2 triệu người, chiếm tỉ lệ 54.19 người/100 dân. Số hộ gia đình có kết nối Internet là 6.8 triệu hộ, chiếm tỉ lệ 27.3%. Tổng băng thông Internet quốc tế 3.816 Gbps, tương đương 79.66 bps/người sử dụng. Số thuê bao di động 2G 92.8 triệu tương đương 100.1 thuê bao/100 dân. Số thuê bao di động phát sinh lưu lượng thoại, tin nhắn, dữ liệu 2G và 3G: 129 triệu tương đương 139.2 thuê bao /100 dân. Số thuê bao di động mặt đất 36.2 triệu. Về tiến độ hấp thụ công nghệ, Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu: Chỉ số Chấp nhận Công nghệ toàn cầu (Digital Adoption Index – DAI) xếp Việt Nam ở thang điểm 4.6/10, cao hơn trung bình thế giới. Số liệu của Statista chỉ ra tỷ lệ sử dụng internet Việt Nam hiện nằm trong top 13 thế giới, với độ phủ sóng của Internet hiện đạt 54% và tỷ lệ sử dụng mạng xã hội đạt 40% dân số. Như vậy có thể nói hạ tầng

công nghệ hiện tại cũng như mức độ tiếp cận, sử dụng ICT, cộng với nguồn nhân lực hiện tại trẻ, năng động là những lợi thế lớn cho Việt Nam tham gia vào I4.0

Thứ tư, I4.0 tạo điều kiện cho các DNNVV tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu nhờ xu hướng mở rộng quy mô sản xuất toàn cầu theo hướng mở. Với phương thức sản xuất được hỗ trợ mạnh mẽ bởi IoT và AI, các công ty đa quốc gia liên kết sâu hơn bằng cách mở rộng mạng lưới thuê ngoài nhằm giảm chi phí. Với đặc thù quy mô nhỏ nên các DNNVV rất năng động, linh hoạt trong việc thay đổi phương thức sản xuất. Thêm nữa, với việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT cũng giúp cho các DNNVV tăng cường kết nối với các công ty đa quốc gia, tiếp cận các công nghệ hiện đại với chi phí thấp, vận hành hiệu quả.

Nguồn: Viện Quản lý Kinh tế Trung ương



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024