[Cafe Cuối tuần] Từ phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Đàn ong và đại bàng'
Với tôi, người từng dõi theo khối tư nhân từ Luật Doanh nghiệp 1999, thì cách đặt vấn đề này không chỉ một sự xúc động mà còn một nỗi trăn trở về thực trạng kinh tế tư nhân – khu vực đang chịu nhiều thiệt thòi nhưng lại đóng góp âm thầm và bền bỉ vào nền kinh tế đất nước.
Tổng Bí thư đặt câu hỏi đầy chất vấn: "Chúng ta đã nói rất nhiều về chuẩn bị "tổ" cho "đại bàng", điều này rất đúng, rất nên làm. Nhưng tại sao lại ít đề cập đến kế hoạch chuẩn bị "cánh rừng", "cánh đồng" cho đàn ong lấy hoa làm mật?". Lời ông gợi nhớ tới hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) – những "đàn ong" chịu khó, chăm chỉ – đang vật lộn giữa khó khăn, áp lực cạnh tranh và đôi khi là sự thờ ơ, thiếu hỗ trợ từ chính sách.
Hiện trạng của "đàn ong": Những nỗi bế tắc chưa có lời giải
Theo Tổng cục Thống kê, bình quân mỗi tháng trong năm 2024 có 17.300 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, con số này trong cả năm 2023 đã đạt mức kỷ lục 172.600 doanh nghiệp, tăng 20,5% so với năm trước đó. Đó không chỉ là những số liệu khô khan, mà là hàng trăm nghìn "đàn ong" đã gục ngã vì không tìm được "cánh rừng" để tồn tại.
Bản chất của vấn đề nằm ở môi trường kinh doanh chưa thuận lợi. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 tiếp tục phản ánh những rào cản như thủ tục hành chính phức tạp, chi phí không chính thức và khó khăn trong tiếp cận đất đai. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cho biết, chi phí "bôi trơn" cho các đoàn thanh kiểm tra vẫn là "chi phí ngầm" mà họ không thể tránh.
Hơn nữa, các gói kích cầu và hỗ trợ sau dịch bệnh cũng không phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Tỷ lệ giải ngân vốn ưu đãi thấp, trong khi lượng tiền gửi tại các ngân hàng lại tăng cao do thiếu kênh đầu tư. Hệ quả là hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ đang mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn: thiếu vốn – thiếu niềm tin – thiếu cơ hội phát triển.
Áp lực từ cái nhìn xã hội và sự kiểm soát chặt chẽ
Không chỉ đối mặt với khó khăn nội tại, nhiều doanh nghiệp còn phải chịu áp lực từ định kiến xã hội. Không ít doanh nghiệp nhỏ bị nhìn nhận như những "con buôn", "lừa đảo", "bán hóa đơn trốn thuế tiềm năng". Sự nghi kỵ này đã cản trở nỗ lực vươn lên của nhiều cá nhân và tổ chức.
Đặc biệt, các chính sách siết chặt quản lý tài chính – như các quy định mới về thuế, trái phiếu doanh nghiệp – dù đúng đắn về mặt dài hạn, nhưng trong ngắn hạn lại tạo thêm rào cản lớn cho khu vực kinh tế tư nhân.
Sứ mệnh đè lên đôi cánh "đàn ong"
Lời phát biểu của Tổng Bí thư nhắc đến một nỗi lo đáng chú ý: việc cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ nằm ở việc thu hút các "đại bàng", mà phải đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân – những "đàn ong" đang âm thầm giữ vai trò xương sống.
Hãy nhìn vào những con số để thấy rõ gánh nặng. Giai đoạn tới, sẽ có 100.000 lao động rời khỏi khu vực nhà nước do tinh gọn bộ máy, và thêm 100.000 bộ đội xuất ngũ cần được tái hòa nhập vào thị trường lao động. Trong khi đó, chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải chật vật duy trì hoạt động giữa hàng loạt áp lực từ chi phí kinh doanh tăng cao, giá thuê mặt bằng leo thang và thủ tục pháp lý phức tạp.
Một "đàn ong" kiên trì tạo ra mật ngọt có thể bị lụi tàn vì bị vắt kiệt bởi những đoàn thanh kiểm tra chồng chéo, thiếu minh bạch, hay thậm chí là vòi vĩnh từ một số cán bộ. Việc này không chỉ khiến nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động, mà còn làm hao mòn niềm tin vào môi trường kinh doanh.
Niềm hy vọng từ "cánh rừng" và "cánh đồng"
Trong bối cảnh đó hình ảnh ẩn dụ đầy nhân văn của Tổng Bí thư Tô Lâm toát lên một thông điệp sâu sắc: Nếu chúng ta chỉ tập trung xây dựng "tổ" để thu hút các "đại bàng", mà không chăm sóc những "cánh rừng" để đàn ong làm tổ và sinh sôi, nền kinh tế sẽ mất đi nguồn lực tự thân quan trọng nhất.
Để vực dậy các "đàn ong", chúng ta cần:
• Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí không chính thức.
• Tạo điều kiện tiếp cận đất đai, vốn vay ưu đãi và các chính sách kích cầu thực sự hiệu quả.
• Định hướng lại nhận thức xã hội, xóa bỏ định kiến tiêu cực về khu vực kinh tế tư nhân, ghi nhận vai trò đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào tạo việc làm và thúc đẩy đổi mới.
• Xây dựng các chỉ tiêu cụ thể về tạo việc làm, phát triển thị trường lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế mới.
Hình ảnh "cánh rừng", "cánh đồng" trong lời Tổng Bí thư không chỉ là một lời gợi mở mà còn là một lời nhắc nhở sâu sắc. Chỉ khi chúng ta thật sự coi trọng và tạo điều kiện cho những "đàn ong" nhỏ bé, nền kinh tế mới có thể đạt được sự cân bằng và phát triển bền vững.
Và chỉ khi đó, "cánh rừng" mới thực sự xanh tốt, "cánh đồng" mới thực sự trù phú, làm nơi cho cả đại bàng lẫn đàn ong cùng chung sức xây dựng một đất nước thịnh vượng./.