ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 03h25 27/02/2021

Cảm ơn các “chiến sĩ” áo trắng

(KDPT) – Vậy là cuộc chiến chống Covid-19 đã bước sang năm thứ hai. Năm 2020 đi qua, với sự bùng phát của dịch bệnh khiến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội bị thay đổi. Chừng đó thời gian không phải là nhiều, nhưng với đội ngũ y tế nước nhà, quả thực là một năm dài. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2020) là dịp chúng ta tri ân những “chiến sĩ áo trắng”, những người đang quên mình trên mặt trận chống dịch với tinh thần không quản khó khăn, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì sức khỏe nhân dân, vì an toàn của cộng đồng.

Bước sang năm 2021, Việt Nam lại đương đầu với làn sóng Covid-19 thứ ba tại Hải Dương cùng những lo ngại khi đây là chủng vi-rút mới, các ca lây nhiễm xuất hiện trong doanh nghiệp với hàng ngàn công nhân… Nhưng, có thể nói đến nay với sự đồng lòng, nhất trí, vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y tế, dịch đã cơ bản được khống chế.

Tại Hội nghị Y tế toàn quốc diễn ra vào ngày 6/1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho rằng năm 2020 là “Một năm dài đối với những chiến sĩ áo trắng”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã “tổng kết”: “Lớp lớp cán bộ y tế ngày đêm dấn thân vào một trận chiến đầy cam go, thử thách, có những rủi ro, có thể mắc bệnh. Có những câu chuyện cán bộ y tế khi tạm biệt có nói với gia đình rằng ngày hôm nay đi có thể trở về vinh quang nhưng cũng có thể không trở về vì khi bị bệnh nằm tại bệnh viện có thể có tỷ lệ tử vong xảy ra. Đó là những tấm gương hết sức trân quý”.

Có thể thấy, trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, ngành y tế đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ triển khai thực hiện chủ động, hiệu quả, linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ở mức cao hơn và sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới ở giai đoạn đầu, với phương châm “4 tại chỗ”, phù hợp với thực tiễn và thực lực của đất nước.

Các y, bác sĩ quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và dư luận quốc tế đã ghi nhận và đánh giá cao, cho rằng Việt Nam đã xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Có được kết quả như vậy, phải kể đến sự nỗ lực của ngành y, tinh thần quyết chiến quyết thắng của đội ngũ y, bác sĩ – những “chiến sĩ áo trắng”. Họ là những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng, chiến đấu với kẻ thù vô hình nhưng đầy hiểm nguy. Lịch sử đất nước sẽ ghi nhận tinh thần dũng cảm, sự hy sinh cao cả của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vô cùng gian khó và hiểm nguy này.

Lực lượng y tế tại mọi cấp, từ cơ sở tới trung ương cùng vào cuộc một cách nhanh chóng, kịp thời, ngày đêm chung sức vì một Việt Nam đẩy lùi được đại dịch. Từ những bác sĩ, y tá tại các trạm y tế phường, xã làm việc không ngừng nghỉ, tuyên truyền về dịch bệnh, kịp thời phát hiện những trường hợp mắc bệnh ngay tại địa phương. Đến những bác sĩ tuyến trung ương, sẵn sàng lên đường, đi vào các địa phương là tâm dịch “nóng” nhất như tại Đà Nẵng, Hải Dương, Gia Lai.

Trước những ca bệnh có diễn biến phức tạp, khi bệnh nhân phải điều trị trong khu cách ly đặc biệt các y, bác sĩ đã trở thành người thân của mỗi bệnh nhân. Từng lời động viên, những cái nắm tay giữa lúc sinh tử của đội ngũ y, bác sĩ đã trở thành động lực giúp nhiều điều kỳ diệu xảy ra. Đó là trường hợp của bệnh nhân mắc Covid-19 số 19 từng 3 lần ngừng tim, có lần bệnh nhân ngưng tim tới 40 phút, các bác sĩ phải nỗ lực ép tim liên tục để bệnh nhân có tim đập trở lại. Cả kíp trực điều trị cho bệnh nhân của Bệnh viện (BV) Nhiệt đới Trung ương hôm đó không ai chợp mắt, ai cũng nhìn từng chỉ số trên các máy móc thiết bị để theo dõi chặt chẽ nhất. Thoát khỏi tay “thần chết” đó là may mắn với bệnh nhân, người nhà, nhưng cũng là nỗ lực của cả ngành y tế.

Một trường hợp khác là bệnh nhân số 91, là nam phi công người Anh chấm dứt 115 ngày ròng rã điều trị tại hai BV Bệnh Nhiệt đới và BV Chợ Rẫy do mắc Covid-19, có lúc bệnh nhân chỉ còn 10% phổi hoạt động. Khi xuất viện, bệnh nhân xúc động nhắn gửi: “Cảm ơn Việt Nam. Tôi yêu Việt Nam”.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân ở Hải Dương.

Đứng trước căn bệnh mới, chưa có lời giải, những “người hùng áo trắng” gặp muôn vàn khó khăn. Thư gửi cán bộ ngành Y tế của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam có đoạn viết: “Những giọt mồ hôi, nước mắt của các đồng chí, những đêm thức trắng ở các điểm dịch, bên giường bệnh luôn được nhân dân ghi nhận. Sự hy sinh của các đồng chí là sự tiếp nối truyền thống quý báu của bao thế hệ dày công vun đắp và cũng là tấm gương sáng để các thế hệ nối tiếp học hỏi, noi theo đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhắn nhủ: “Lương y phải như từ mẫu – Thầy thuốc như mẹ hiền””.

Một năm vất vả đã qua, chúng ta hoàn toàn có hi vọng vào đội ngũ những người làm y tế đang từng ngày chạy đua với thời gian nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin Covid-19 Nanocovax của Việt Nam, bởi theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước không chỉ phục vụ chống dịch mà còn đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân”.

Chặng đường chiến thắng Covid-19 còn rất nhiều cam go phía trước. Nhưng để người dân Việt được sống một cuộc sống an yên mới, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào những chiến sĩ áo trắng, và xin chúc cho những người thầy thuốc Việt Nam vững tâm, bền chí trên con đường giành lại ý nghĩa của cuộc sống bình thường, của sức khỏe và hạnh phúc từ cơn khủng hoảng toàn cầu mang tên Covid-19.

HOÀNG NGA

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/05/2024