Cụ thể, lượng xuất khẩu sắt thép các loại trong tháng 7/2018 đạt 598 nghìn tấn, với trị giá đạt 430 triệu USD, tăng 32,1% về lượng và tăng 22,9% về trị giá. Qua đó đưa lượng xuất khẩu mặt hàng này trong 7 tháng từ đầu năm 2018 đạt 3,41 triệu tấn, trị giá 2,53 tỷ USD, tăng 40,6% về lượng và tăng 56,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Sắt thép các loại xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm nay chủ yếu xuất sang thị trường Campuchia với 718 nghìn tấn, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa.

Đứng thứ hai là Hoa Kỳ, với 533 nghìn tấn, tăng 73,6%. Tiếp đó là các thị trường như Indonesia 373 nghìn tấn, tăng 22,3%; Malaysia 392 nghìn tấn, tăng 88,5%; EU (28 nước) với 374 nghìn tấn, tăng 96,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu sắt thép các loại về Việt Nam trong 7 tháng qua giảm về lượng và chỉ tăng nhẹ về giá trị.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7/2018, nhập khẩu nhóm hàng này là 1,18 triệu tấn với trị giá đạt 879 triệu USD, giảm 2,6% về lượng và tăng nhẹ 0,1% về trị giá.

Tính chung trong 7 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu sắt thép các loại đạt 8,05 triệu tấn, trị giá 5,8 tỷ USD, giảm 10,4% về lượng nhưng tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam trong những tháng vừa qua, với gần 3,88 triệu tấn, trị giá hơn 2,77 tỷ USD, giảm 13,3% về lượng, nhưng tăng 10,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Đứng thứ hai là Nhật Bản với 1,29 triệu tấn, trị giá 909 triệu USD, giảm 1% về lượng, nhưng tăng 15,6% về trị giá…

Trong một diễn biến khác, những tháng qua, thép xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp đón nhận tin điều tra chống trợ cấp, chống bán phá giá từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada…

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, các vụ điều tra này sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu mặt hàng thép của Việt Nam, có thể làm giảm khối lượng xuất khẩu của mặt hàng này trong thời gian tới.

Minh Anh