ISSN-2815-5823
Chủ nhật, 04h04 26/07/2020

Cần Thơ: Nâng cao chất lượng, đổi mới dịch vụ xe buýt

(KDPT) – Thời gian qua, tại TP Cần Thơ, các chiến lược phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội, giúp giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, đồng thời tạo bộ mặt đô thị văn minh hiện đại, tiết kiệm chi phí cho người dân. Tuy nhiên, thực tế VTHKCC bằng xe buýt hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi cần sớm có giải pháp khắc phục, từ đó đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt.

Xe buýt vận chuyển hành khách trên địa bàn TP.

Xe buýt “lỗi thời” trước nguy cơ “xóa sổ”

Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ, hiện nay TP đang có 41 xe buýt, có 7 xe liên doanh và 34 xe thuộc Ban Quản lý – Điều hành VTHKCC. Trong đó, 13 xe tham gia hoạt động trên 4 tuyến, tuyến phường Ba Láng – Ô Môn hoạt động 4 xe/ngày, tần suất chạy 40-45 phút/xe, tuyến Ô Môn – Lộ Tẻ hoạt động 4 xe/ngày, tần suất 40-45 phút/xe, tuyến Ô Môn – Cờ Đỏ hoạt động 2 xe/ngày, tần suất 50-60 phút/xe, tuyến Lộ Tẻ – Kinh B 2 xe/ngày, tần suất 50-60 phút/xe, bên cạnh các tuyến nội tỉnh, có 5 tuyến xe buýt liên doanh đang hoạt động trên các địa bàn TP đến từ các tỉnh như: Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang và Đồng Tháp.

Mặc dù hệ thống xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ được bố trí rộng khắp, tương đối dày đặc, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại đầy đủ cho người dân. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở GTVT thành phố, VTHKCC trên địa bàn hiện nay chỉ chiếm khoảng 1% đi lại chung của người dân. Nguyên nhân do việc phát triển hệ thống xe buýt Cần Thơ gặp một số hạn chế trong thời gian qua như: Phương tiện hoạt động trên các tuyến đường đều là xe cũ, xe đã qua sử dụng nhiều năm, xe không có máy lạnh, không thuận tiện cho việc đi đường thời tiết nắng nóng…. Qua đó, việc kinh doanh xe buýt ngày càng thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, dẫn đến việc một số xe đã dừng hoạt động.

Ban Quản lý điều hành VTHKCC (đơn vị đang trực tiếp quản lý khai thác hoạt động các tuyến xe buýt trên địa bàn TP) cho biết thêm, doanh thu của đơn vị năm 2020 giảm gần 25% so với năm 2019, lỗ hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân được cho là do số chuyến hoạt động cùng với lượng khách giảm so với năm trước. Do hoạt động không có lãi, không có tiền trả lương nên năm 2020, đơn vị đã phải cắt giảm khoảng 30 nhân viên. Bên cạnh đó, từ tháng 6/2020, thời gian giữa mỗi chuyến xe buýt cũng tăng lên 20 phút thay vì 15 phút như trước đây do số lượng xe giảm.

Với cuộc sống hiện nay, người dân thích đi lại bằng phương tiện xe buýt, coi đó là giải pháp tốt nhằm giảm tai nạn, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí. Ông Nguyễn Thanh Hồng, người dân ở quận Ô Môn cho biết” “Đi xe buýt rất an toàn nên tôi thường xuyên đi lại bằng phương tiện này. Hiện tôi thấy các chiếc xe buýt giờ đã cũ kỹ, lỗi thời và xuống cấp trầm trọng, đặc biệt xe buýt không có máy lạnh làm cho hành khách ngồi rất khó chịu. Theo tôi, TP nên đầu tư mới, cần đưa vào sử dụng các loại xe hiện đại, sạch sẽ, mát mẻ. Có như vậy mới đảm bảo chất lượng theo thời đại và thu hút được nhiều hành khách đi lại bằng xe buýt hơn”.

Cần sớm thay mới hệ thống xe buýt

Năm 2018, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng sau năm 2020.

Đề án này nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường tỷ lệ đảm nhận của VTHKCC bằng xe buýt tại TP Cần Thơ (đến năm 2020 đạt từ 5 – 10%); phát triển VTHKCC bằng xe buýt theo hướng cung cấp dịch vụ xe buýt thuận tiện, phù hợp với nhu cầu đi lại của đa số người dân (bao gồm số lượt xe buýt chạy trong ngày, thời gian mở tuyến và đóng tuyến, bố trí điểm dừng, đón, trả khách phù hợp, phát hành các loại vé đi xe buýt thuận tiện sử dụng) để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, tạo tiền đề cho việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giải quyết tốt các vấn đề giao thông khi đô thị ngày càng phát triển.

Đề án này cũng khẳng định, phát triển mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt đồng bộ, hợp lý, bảo đảm thuận lợi cho việc đi lại của người dân theo hướng phát triển tuyến xe buýt đến trung tâm các quận, huyện, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố; nâng cao chất lượng phương tiện VTHKCC bằng xe buýt, bảo đảm đầu tư phương tiện phù hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, Sở GTVT và các ngành chức năng có liên quan tham mưu cho UBND TP ban hành Quyết định về cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với tổ chức, cá nhân vay vốn tại tổ chức tín dụng để thực hiện các dự án đầu tư phương tiện, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP. Cần Thơ; tổ chức thanh toán chi phí hỗ trợ trực tiếp lãi suất vay đầu tư phương tiện và kết cấu hạ tầng phục vụ VTHKCC bằng xe buýt cho các doanh nghiệp đủ hồ sơ theo quy định.

Sở GTVT và các ngành chức năng TP Cần Thơ cũng sẽ tiếp tục rà soát mạng lưới tuyến VTHKCC bằng xe buýt, nghiên cứu tham mưu mở thêm tuyến trợ giá phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời, đơn vị sẽ theo dõi, đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải triển khai thay mới, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện trên tuyến.

PHƯƠNG DUNG

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 14/05/2024