Chàng trai 24 tuổi và hành trình tạo dựng mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu cho thế hệ trẻ
Tinh thần khởi nghiệp đầy táo bạo và những ý tưởng sáng tạo đột phá đang thổi bùng luồng gió mới vào nền kinh tế Việt Nam. Những doanh nhân trẻ với khát vọng vươn xa không chỉ làm thay đổi cục diện thị trường mà còn khẳng định dấu ấn Việt trên bản đồ kinh doanh toàn cầu. Câu chuyện của họ là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, minh chứng cho sự bền bỉ và dám nghĩ lớn, dám hành động.
PV Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển đã có cơ hội được trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ từ Brian Minh Tran - một trong những người Việt trẻ đầy nhiệt huyết với tầm nhìn xa, đang góp phần định hình lại cách thức kinh doanh tại Việt Nam và tạo ra những giá trị toàn cầu.
Tháng 5/2024, tạp chí Forbes đã công bố danh sách những gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi tại châu Á Forbes 30 Under 30 Asia 2024. Đáng chú ý, Brian Minh Tran (sinh năm 2001) là đại diện của Việt Nam góp mặt ở hạng mục Tác động xã hội. Trong danh sách của Forbes Asia, Brian Minh Tran là người Việt trẻ nhất trong lịch sử được vinh danh.
Tuấn Minh là đồng sáng lập của UpYouth, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại Việt Nam được thành lập vào năm 2020. Tổ chức này điều hành một vườn ươm khởi nghiệp, giúp 30 startup sinh viên huy động được 3,5 triệu USD và các chương trình khác tác động lên 30.000 sinh viên. Bên cạnh đó, Tuấn Minh còn từng giữ vị trí trợ lý cho Phó Tổng Giám đốc Thường Trực Toàn Cầu của VinFast.
Quyết định quay về Việt Nam khởi nghiệp
PV: Xin chào bạn Brian Minh Tran. Trước hết, xin cảm ơn bạn đã nhận lời phỏng vấn của Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển! Cảm xúc của bạn khi được vinh danh trong danh sách Forbes "30 Under 30 Asia" là gì? Danh hiệu này có ý nghĩa như thế nào đối với hành trình khởi nghiệp của bạn?
Brian Minh Tran: Khi biết mình được vinh danh trong danh sách Forbes "30 Under 30 Asia," mình thực sự xúc động và tự hào. Danh hiệu này công nhận cho nỗ lực của cả một đội ngũ, không chỉ cá nhân mình, trong việc xây dựng UpYouth từ những bước đi đầu tiên. Đây là một lời khẳng định rằng những giá trị chúng mình mang lại cho cộng đồng khởi nghiệp trẻ tại Việt Nam là đáng ghi nhận.
Đặc biệt, danh hiệu này như một "tấm vé" giúp câu chuyện của UpYouth được nhiều người biết đến hơn, từ các nhà đầu tư, cố vấn, đến các bạn trẻ đang có ý tưởng khởi nghiệp. Điều này mở ra những cánh cửa mới, mang đến nhiều cơ hội để chúng mình tiếp tục mở rộng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp cho người trẻ.
Với mình, điều ý nghĩa nhất không nằm ở danh hiệu mà là cảm giác được truyền động lực cho nhiều bạn trẻ. Mình muốn câu chuyện của UpYouth trở thành một minh chứng rằng, nếu bạn dám mơ lớn và kiên trì, bạn có thể đạt được những điều mình mong muốn. Danh hiệu này không chỉ là một đích đến, mà còn là động lực để mình tiếp tục hành trình đưa hình ảnh Việt Nam vươn ra thế giới.
PV: Điều gì đã thôi thúc bạn từ bỏ hành trình du học tại Mỹ để quay trở lại Việt Nam khởi nghiệp? Quyết định bỏ dở việc học ở Mỹ để trở về Việt Nam có phải là một thử thách lớn không?
Brian Minh Tran: Quyết định trở về Việt Nam là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình và nó đến từ một kỷ niệm rất đặc biệt. Khi còn học ở Mỹ, mình tham gia một trại khởi nghiệp tại trường MIT. Trong buổi thảo luận, một học sinh người Mỹ đã tự tin trình bày công ty khởi nghiệp thực tế của mình và điều đó đã tác động đến hàng trăm ngàn người. Mình nhìn lại và tự hỏi: “Tại sao chúng ta không có nhiều hình ảnh như vậy ở Việt Nam? Tại sao không có nhiều người trẻ ở Việt Nam đủ tự tin và sự hỗ trợ để đứng lên thể hiện ý tưởng của mình”?
Khi trở về Việt Nam vào kỳ nghỉ hè, mình gặp một người bạn cũ, người từng chia sẻ với mình về ý tưởng xây dựng một nền tảng kết nối học sinh, nhưng bạn ấy đã bỏ dở vì không có ai hỗ trợ. Điều này thực sự khiến mình trăn trở. Mình nhận ra rằng, nếu không ai đứng ra tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ cho các bạn trẻ, những ý tưởng giá trị sẽ mãi chỉ nằm trên giấy.
Do đó mình đã từ bỏ học bổng mà mình đã quyết tâm dành được và 4 năm học dang dở để trở về vì mình nghĩ, nếu mình không làm, thì ai sẽ làm?
PV: Nguồn cảm hứng nào đã thúc đẩy bạn và các cộng sự thành lập UpYouth, một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp dành cho sinh viên Việt Nam?
Brian Minh Tran: UpYouth ra đời từ một giấc mơ đơn giản nhưng đầy tham vọng, đó là giúp người trẻ Việt Nam có thể tự tin thực hiện ý tưởng của mình như các bạn trẻ tại các đất nước khác. Mình và các cộng sự nhận thấy rằng, ở Việt Nam, nhiều bạn trẻ có những ý tưởng sáng tạo nhưng lại thiếu các nguồn lực cần thiết. Câu hỏi chúng mình đặt ra là: “Làm thế nào để mỗi bạn trẻ có thể biến ý tưởng thành hiện thực, không chỉ để tham gia cuộc thi mà còn tạo ra giá trị thực tế?”
Nguồn cảm hứng lớn nhất đến từ một trải nghiệm cá nhân. Năm đầu tiên trở về Việt Nam, mình tham dự một hội thảo nhỏ dành cho sinh viên khởi nghiệp. Một bạn trẻ đã trình bày về ý tưởng phát triển ứng dụng hỗ trợ sức khỏe tâm lý, nhưng khi hỏi về bước tiếp theo, bạn ấy nói rằng: “Em không biết phải bắt đầu từ đâu”. Mình nhớ mình đã dành cả buổi hôm đó để trò chuyện cùng bạn ấy và nhận ra rằng điều các bạn trẻ cần không chỉ là lời khuyên mà là một hệ thống hỗ trợ thực tế: Cố vấn, kết nối tài chính và một cộng đồng cùng nhau phát triển.
UpYouth ra đời từ một giấc mơ đơn giản nhưng đầy tham vọng, đó là giúp người trẻ Việt Nam có thể tự tin thực hiện ý tưởng của mình như các bạn trẻ tại các đất nước khác. Mình và các cộng sự nhận thấy rằng, ở Việt Nam, nhiều bạn trẻ có những ý tưởng sáng tạo nhưng lại thiếu các nguồn lực cần thiết.
Brian Minh Tran
PV: UpYouth hoạt động như thế nào để hỗ trợ những doanh nhân trẻ? Điều gì làm cho UpYouth khác biệt so với các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp khác?
Brian Minh Tran: UpYouth có một “vườn ươm” khởi nghiệp đầu tiên do người trẻ vận hành hoạt động dựa trên 3 trụ cột chính: Cố vấn thực chiến, kết nối tài chính và xây dựng cộng đồng.
Thứ nhất, chúng mình mời những người sáng lập và chuyên gia trong ngành trở thành cố vấn cho các bạn trẻ. Những câu chuyện thực chiến này giúp các bạn trẻ hiểu rằng, khởi nghiệp không chỉ có hào quang mà còn đầy thử thách và cần sự kiên trì.
Thứ hai, UpYouth kết nối các bạn với các quỹ đầu tư và nhà tài trợ. Chúng mình không chỉ hỗ trợ kết nối mà còn đồng hành sao sát hàng tuần để giúp các bạn có khách hàng và đưa sản phẩm ra thị trường. Cũng rất đáng tự hào là sau 4 năm hoạt động, UpYouth vừa có 1 startup gọi vốn triệu đô từ Quỹ đầu tư ngoại bên Singapore, cũng từng đầu tư vào Startup giáo dục ELSA. Điều này là rất tự hào đối với 1 startup có founder dưới 25 tuổi, đặc biệt trong “mùa đông gọi vốn” hiện nay. Đây cũng là minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của chúng mình sau 4 năm đã có quả ngọt và cũng khẳng định năng lực người trẻ Việt cũng không thua kém các startups trong khu vực.
Thứ ba, chúng mình xây dựng một cộng đồng gắn kết. Các bạn trẻ không chỉ làm việc với cố vấn mà còn học hỏi lẫn nhau. Một điều mình luôn nhấn mạnh là: “Hành trình khởi nghiệp không ai đi một mình”.
PV: Là một người trẻ điều hành UpYouth, bạn đối mặt với những áp lực nào? Bạn làm thế nào để điều hành một đội ngũ chủ yếu là “Gen Z”, với nhiều thành viên đến từ các quốc gia khác nhau?
Brian Minh Tran: Là một người trẻ điều hành UpYouth, mình thường xuyên đối mặt với 2 loại áp lực lớn. Thứ nhất là áp lực từ chính bản thân mình. Mình luôn tự hỏi liệu những quyết định mình đưa ra có đúng không, vì thực tế mình cũng chưa có nhiều trải nghiệm. Thứ hai là áp lực từ sự kỳ vọng. UpYouth không chỉ là một tổ chức khởi nghiệp mà còn là niềm hy vọng của rất nhiều bạn đầu tư thời gian và công sức tính theo năm. Điều này đòi hỏi mình phải luôn duy trì được sự cân bằng giữa việc đặt ra các mục tiêu, tham vọng và đảm bảo chúng mình gặt hái được quả ngọt để giữ vững động lực.
Khi làm việc với một đội ngũ Gen Z đa quốc gia, thách thức lớn nhất là sự khác biệt về lối sống và phong cách làm việc. Với mình, cách để điều hành hiệu quả với Gen Z là xây dựng một môi trường dựa trên sự thấu hiểu và kết nối cá nhân.
Trước hết, mình đặt trọng tâm vào việc lắng nghe. Mình thường tổ chức các buổi trò chuyện 1-1 với từng thành viên trong đội để hiểu rõ hơn về mục tiêu cá nhân, khó khăn họ đang gặp phải và cách mình có thể hỗ trợ. Điều này không chỉ giúp họ cảm thấy được quan tâm mà còn xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau.
Sau đó, mình tập trung xây dựng một văn hóa làm việc dựa trên kết quả và trách nhiệm thay vì giờ giấc hay cách thức thực hiện. Với Gen Z, điều quan trọng là cho họ thấy rằng. họ có quyền tự chủ trong công việc, miễn là đạt được mục tiêu chung. Điều này tạo động lực và giúp họ phát huy mình đa khả năng sáng tạo.
Điều mình học được từ hành trình này là: Làm việc với các bạn không chỉ là lãnh đạo của họ mà còn là truyền cảm hứng để họ tự lãnh đạo bản thân. Khi mỗi thành viên trong đội ngũ cảm thấy họ có tiếng nói, có giá trị và đang đóng góp vào một mục tiêu lớn hơn, họ sẽ gắn bó và cống hiến hết mình. Đây cũng chính là cách chúng mình đã xây dựng và duy trì một UpYouth đoàn kết và hiệu quả.
PV: Bạn từng nói về tầm quan trọng của "network thực chiến" trong khởi nghiệp, bạn hãy giải thích rõ hơn về khái niệm này được không?
Brian Minh Tran: "Network thực chiến" chính là tài sản quý giá nhất đối với bất kỳ ai trên hành trình khởi nghiệp. Đó không chỉ là các mối quan hệ mà còn là nguồn kiến thức thực tế, những bài học đã được chứng minh hiệu quả trong thực tiễn. Một network tốt với những người thực chiến giúp bạn không chỉ học hỏi mà còn tránh được những sai lầm lớn, tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
Nhiều người thường nghĩ rằng điều các bạn trẻ thiếu là kiến thức, nhưng theo mình, điều thiếu nhất chính là kiến thức thực chiến. Điều này không có trong sách vở hay tài nguyên lý thuyết mà bạn dễ dàng tìm thấy. Ví dụ, bạn có thể tìm hiểu về quản trị đội nhóm qua các tài liệu nước ngoài, nhưng làm sao để một bạn Gen Z quản lý đội ngũ trong văn hóa Việt Nam lại là một câu chuyện khác. Đây là nơi mà những người thực chiến trong network có thể cung cấp cho bạn những lời khuyên đúng đắn, thực tế và sát với bối cảnh hơn bất kỳ cuốn sách nào.
Một điều đặc biệt mà "network thực chiến" mang lại là khả năng giúp bạn phát triển tinh thần bền bỉ trong khởi nghiệp. Thất bại là một phần không thể thiếu của hành trình và những người thực chiến, với kinh nghiệm vượt qua khó khăn của họ, sẽ truyền cảm hứng để bạn vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. Họ không chỉ là nguồn động viên mà còn là hình mẫu thực tế để bạn noi gương.
Quan trọng hơn, một network tốt không chỉ mang lại kiến thức mà còn mở ra những nguồn lực thiết yếu như cơ hội hợp tác, lời giới thiệu đến nhà đầu tư hoặc thậm chí chính là các khoản đầu tư. Một ví dụ điển hình mình từng chứng kiến tại UpYouth là một bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp. Nhờ lời giới thiệu từ một cố vấn trong network thực chiến, bạn ấy đã kết nối được với một nhà đầu tư “thiên thần” và gọi vốn thành công. Điều này minh chứng rằng, khi bạn xây dựng được một network tốt, các nguồn lực khác như kiến thức, tài chính hay cơ hội sẽ tự nhiên hình thành theo.
Mình luôn khuyến khích các bạn trẻ không chỉ tìm kiếm kiến thức từ sách vở mà còn học từ những người đi trước. Điều quan trọng nhất, hãy xây dựng network bằng cách đóng góp giá trị cho đối phương. Một mối quan hệ bền vững chỉ tồn tại khi có sự trao đổi hai chiều. "Network thực chiến" không chỉ là nền tảng để khởi nghiệp mà còn là động lực để bạn vươn xa hơn trên hành trình của mình.
Dám mơ lớn và không sợ thất bại
PV: Theo bạn, những khó khăn lớn nhất mà các doanh nhân trẻ Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt là gì? UpYouth đang làm gì để giúp họ vượt qua những rào cản đó?
Brian Minh Tran: Mình nghĩ khó khăn lớn nhất là tâm lý sợ thất bại và thiếu niềm tin vào bản thân. Các bạn đôi khi coi thất bại là một điều đáng xấu hổ, trong khi thực tế, thất bại là một phần của hành trình học hỏi. Một bạn trẻ từng chia sẻ với mình: “Đối với em, thất bại chính là lãng phí thời gian”. Điều này thực sự là một rào cản lớn.
Tại UpYouth, chúng mình muốn thay đổi cách nhìn về thất bại. Mỗi khi một nhóm có một bài học về thất bại, chúng mình tổ chức buổi học từ trải nghiệm, để các bạn chia sẻ và rút ra bài học. Đây là cách chúng mình xây dựng một môi trường mà các bạn trẻ có thể thử nghiệm mà không sợ bị phán xét.
PV: Làm thế nào để người trẻ Việt có thể tạo ra sản phẩm khởi nghiệp có tác động thực tế, thay vì chỉ tập trung vào các cuộc thi?
Để tạo ra sản phẩm khởi nghiệp có tác động thực tế, các bạn trẻ cần tập trung vào giải quyết vấn đề thực sự thay vì chỉ xây dựng ý tưởng để thi. Bắt đầu từ những vấn đề cụ thể trong đời sống, thử nghiệm sớm trên quy mô nhỏ và lắng nghe phản hồi từ người dùng sẽ giúp các bạn hiểu rõ nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, kết nối với những người thực chiến trong hệ sinh thái khởi nghiệp cũng rất quan trọng. Họ không chỉ cung cấp kiến thức mà còn mang đến cơ hội hợp tác và nguồn lực cần thiết. Cuối cùng, thay vì nhắm đến chiến thắng trong cuộc thi, hãy đặt mục tiêu đưa sản phẩm ra thị trường và tạo giá trị thực sự. Mình luôn chia sẻ với các bạn rằng “ý tưởng chỉ có giá trị khi nó giải quyết được vấn đề và được khách hàng công nhận”.
PV: Bạn từng giữ vị trí trợ lý cho Phó Tổng Giám đốc Thường trực Toàn cầu của VinFast, kinh nghiệm này đã giúp ích như thế nào trong hành trình khởi nghiệp của bạn?
Brian Minh Tran: Thứ nhất, mình học được tầm quan trọng của tư duy chiến lược và khả năng ra quyết định trong môi trường áp lực cao. VinFast là một công ty với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc và việc đưa ra quyết định nhanh nhưng chính xác là yếu tố sống còn. Quan sát cách các lãnh đạo tại đây đánh giá rủi ro, phân tích dữ liệu và điều phối đội ngũ trên quy mô toàn cầu đã cho mình bài học về việc cân bằng giữa tốc độ và chất lượng trong quá trình khởi nghiệp.
Thứ hai, mình hiểu được sức mạnh của đội ngũ và hệ thống. Tại VinFast, một trong những điều mình ấn tượng nhất là cách họ xây dựng một đội ngũ quốc tế với những cá nhân xuất sắc từ nhiều nền văn hóa khác nhau, cùng làm việc vì một mục tiêu chung. Điều này dạy mình rằng: Một startup không thể thành công nếu không có đội ngũ tốt và một hệ thống quản trị vững vàng. Bài học này đã ảnh hưởng trực tiếp đến cách mình xây dựng các dự án khác, một cộng đồng đa dạng nhưng luôn đồng lòng hướng đến mục tiêu chung.
Thứ ba, mình học được cách đối mặt và vượt qua áp lực. Là trợ lý trong một môi trường toàn cầu, mình phải xử lý khối lượng công việc lớn, phối hợp với các đội nhóm ở nhiều múi giờ khác nhau và luôn phải đảm bảo chất lượng cao nhất trong thời gian ngắn nhất. Điều này giúp mình phát triển kỹ năng quản lý thời gian và giữ được sự bình tĩnh trước áp lực, những kỹ năng không thể thiếu trong khởi nghiệp.
Cuối cùng, mình thấm nhuần tầm nhìn dài hạn. VinFast không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn xây dựng một thương hiệu toàn cầu, với mục tiêu không chỉ dẫn đầu tại Việt Nam mà còn cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tầm nhìn lớn lao này đã truyền cảm hứng cho mình khi khởi nghiệp. Mình không muốn chỉ xây dựng một tổ chức giải quyết những vấn đề theo thời điểm mà còn muốn xây dựng những giá trị lâu dài.
Những gì mình học được tại VinFast không chỉ là kỹ năng chuyên môn mà còn là tư duy lãnh đạo, tầm nhìn chiến lược và sự kiên định để theo đuổi mục tiêu, bất kể khó khăn ra sao. Những bài học đó tiếp tục đồng hành cùng mình trong hành trình xây dựng và phát triển các dự án sau này.
PV: Ai là nguồn cảm hứng lớn nhất trong hành trình khởi nghiệp của bạn?
Brian Minh Tran: Mình sẽ nói đó là Steve Jobs. Cuộc đời và tư duy của ông đã truyền cảm hứng rất lớn cho mình, không chỉ trong khởi nghiệp mà còn trong cách mình nhìn nhận thế giới và công việc mình đang làm.
Steve Jobs là người đã dạy mình về sức mạnh của sự tập trung và sự kiên định với tầm nhìn. Ông luôn tập trung, đặc biệt vào sản phẩm và nó phải chạm được đến cảm xúc, đồng thời giải quyết những vấn đề cốt lõi của con người.
Một kỷ niệm mà mình luôn ghi nhớ là lần đầu tiên mình đọc bài diễn văn của Steve Jobs tại Đại học Stanford, trong đó ông nói: “Stay hungry, stay foolish”. Câu nói đó như một lời nhắc nhở rằng mình phải luôn giữ tinh thần học hỏi và không ngại dấn thân, kể cả khi những bước đi đầu tiên có vẻ "dại khờ" hay không chắc chắn.
Steve Jobs còn dạy mình về sự hoàn hảo trong từng chi tiết. Ông không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn xây dựng cả một trải nghiệm người dùng, từ thiết kế bên ngoài, cho đến cách mọi thứ vận hành. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cách mình và đội ngũ tại UpYouth làm việc. Chúng mình không chỉ hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp mà còn chú trọng vào từng chi tiết của quá trình, từ việc xây dựng network thực chiến đến việc tạo ra một hệ sinh thái bền vững.
Điều khiến mình ngưỡng mộ nhất ở Steve Jobs chính là niềm tin mãnh liệt vào khả năng thay đổi thế giới của con người. Ông từng nói: “Những người điên rồ nghĩ rằng họ có thể thay đổi thế giới chính là những người thực sự làm điều đó”. Câu nói này đã trở thành kim chỉ nam cho mình trong hành trình khởi nghiệp. Nó nhắc nhở mình rằng, dù xuất phát điểm có khiêm tốn đến đâu, nếu bạn dám mơ lớn và kiên trì, bạn hoàn toàn có thể tạo ra điều khác biệt.
Dù xuất phát điểm có khiêm tốn đến đâu, nếu bạn dám mơ lớn và kiên trì, bạn hoàn toàn có thể tạo ra điều khác biệt.
Brian Minh Tran
PV: Bạn muốn nhắn gửi điều gì đến những bạn trẻ đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp?
Brian Minh Tran: Điều đầu tiên mình muốn nhắn gửi là: Hãy dám mơ lớn và bắt đầu ngay từ hôm nay. Khởi nghiệp không cần bắt đầu bằng một ý tưởng hoàn hảo. Bạn chỉ cần một vấn đề thực tế để giải quyết và sự kiên trì để bước từng bước nhỏ. Một ý tưởng lớn luôn bắt đầu từ hành động nhỏ nhưng đúng hướng, gặp đúng nhà hảo tâm và đồng đội.
Tiếp theo, đừng sợ thất bại. Thất bại không phải là dấu chấm hết mà là một phần của hành trình khởi nghiệp. Hãy nhìn nhận thất bại như một cơ hội để học hỏi và cải thiện.
Hãy xây dựng một network thực chiến. Bạn không thể khởi nghiệp một mình. Những mối quan hệ với cố vấn, đồng đội và những người đã trải qua thực tế sẽ giúp bạn học hỏi từ kinh nghiệm của họ và đi nhanh hơn. Network không chỉ mang lại kiến thức mà còn mở ra cơ hội hợp tác, đầu tư và lời khuyên quý giá.
Cuối cùng, hãy luôn giữ tinh thần học hỏi. Khởi nghiệp là một hành trình dài và đầy bất ngờ. Thế giới thay đổi rất nhanh và người chiến thắng là người sẵn sàng thích nghi và học hỏi không ngừng. Đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ hay thử nghiệm những cách làm mới.
Mình tin rằng mỗi người trẻ Việt Nam đều có tiềm năng tạo ra điều lớn lao. Điều bạn cần là sự quyết tâm, tinh thần bền bỉ và một tầm nhìn rõ ràng. Hãy tin rằng bạn có thể làm được, bởi thế giới đang chờ đợi những ý tưởng tuyệt vời từ chính bạn. “Những người điên rồ nghĩ rằng họ có thể thay đổi thế giới chính là những người thực sự làm được điều đó”. Hãy trở thành một trong số họ!
PV: Trong tương lai, bạn và UpYouth có kế hoạch gì để tiếp tục tạo ra các giá trị mới cho nền kinh tế Việt Nam?
Brian Minh Tran: Mô hình tốt nhất và bền vững lâu dài nhất dành cho người trẻ chính là do người trẻ vận hành, nên hiện tại mình không còn điều hành trực tiếp UpYouth mà đã trao quyền cho thế hệ kế thừa. Tuy nhiên, UpYouth không chỉ là một tổ chức, mà còn là một nền tảng mình và đội ngũ đã xây dựng để trao quyền cho các bạn trẻ kế thừa dám nghĩ lớn, làm lớn và tạo ra giá trị thực tế.
Trong tương lai, mình mong muốn UpYouth sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động, không chỉ hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp tại Việt Nam mà còn kết nối họ với các hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Mục tiêu là giúp các dự án khởi nghiệp từ Việt Nam có thể vươn ra thị trường quốc tế, tạo ra giá trị vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
Điều mình tự hào nhất là UpYouth đã phát triển một đội ngũ kế thừa năng động và có cùng khát vọng phụng sự. Mình tin rằng, với sự dẫn dắt của thế hệ mới, UpYouth sẽ tiếp tục phát triển theo những hướng đi sáng tạo hơn, phù hợp với thời đại, nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi là hỗ trợ người trẻ tạo ra tác động thực tế.
Về phần mình, mình đang tập trung vào những dự án cá nhân có thể bổ sung và mở rộng tầm ảnh hưởng mà UpYouth đã khởi đầu. Mình luôn đồng hành với UpYouth với vai trò cố vấn, kết nối nguồn lực và chia sẻ kinh nghiệm. Mình mong muốn mình có thể đóng góp vào việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp rộng lớn hơn, nơi những ý tưởng từ Việt Nam không chỉ giải quyết các vấn đề nội địa mà còn góp phần định hình những giải pháp toàn cầu.
Dù ở bất kỳ vai trò nào, mình vẫn luôn mang trong mình một niềm tin mãnh liệt rằng người trẻ Việt Nam hoàn toàn có khả năng thay đổi thế giới. UpYouth sẽ luôn là minh chứng cho điều đó và là cầu nối để hiện thực hóa những giấc mơ lớn. Mình tin rằng, trong tương lai, nền kinh tế Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi chính những bạn trẻ này - những người dám khởi đầu và dám mơ xa.
PV: Xin cảm ơn Brian Minh Tran và chúc bạn luôn giữ vững ngọn lửa đam mê trên con đường mình chọn!/.
- Hội Doanh nhân trẻ Ninh Bình: Cầu nối trong xây dựng cơ chế, chính sách
- Madame Nhung: Cốt cách và sự thăng hoa cho ẩm thực Việt Nam
- Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khí hậu