Chốt lời gấp đôi sau 3 năm, chủ nhà tự tin: Mua chung cư vừa được ở thoải mái mà giá vẫn tăng, tội gì phải ở nhà trong ngõ
Chốt lời chung cư gấp đôi sau 3 năm
Thời gian qua, nhiều chủ sở hữu căn hộ chung cư đã kiếm khoản lời lớn từ việc bán chung cư nhờ “cơn sốt” tăng giá chóng mặt.
Trường hợp của chị Nga (Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một ví dụ, được biết tuần trước chị Nga vừa ra văn phòng công chứng để ký chuyển nhượng căn hộ chung cư 2 phòng ngủ, diện tích 61 m2. Căn hộ này được vợ chồng chị Nga mua cách đây 3 năm với giá 1,8 tỷ đồng. Đến thời điểm chuyển nhượng, vợ chồng chị Nga chốt với mức giá 3,6 tỷ đồng. Phía người mua chịu hoàn toàn phí sang nhượng và làm sổ hồng.
Chị Nga chia sẻ, vợ chồng chị rao bán căn hộ này từ hồi cuối tháng 12/2023 với mức giá 3,2 tỷ đồng. Đến đầu tháng 2/2024, một cặp vợ chồng trẻ chốt mua với mức giá rao bán và đặt cọc trước 300 triệu đồng. Tuy nhiên, do một số vấn đề liên quan đến giấy tờ phía người mua nên khách của chị Nga không kịp thời gian giao dịch như đã hẹn. Do đó, vị khách hàng chấp nhận bỏ cọc.
Theo đó, chị Nga tiếp tục rao bán căn hộ. Thị trường chung cư đã qua sử dụng thời điểm này khá nhộn nhịp. Ngay lập tức, có một vị khách trả giá căn hộ của chị Nga với giá 3,6 tỷ đồng và chuyển cọc luôn 100 triệu đồng mà chưa xem nhà.
Chị Nga chia sẻ, chị không nghĩ có thể bán nhanh và được giá cao như vậy. Tính ra, sau 3 năm, gia đình chị đã lãi 1,8 tỷ đồng, tức lãi gấp đôi so với thời điểm mua vào. Chưa kể vợ chồng chị còn được thêm 300 triệu đồng của vị khách trước đó bỏ cọc. Như vậy, tổng anh chị lãi được 2,1 tỷ đồng.
“Trước đây khi mua chung cư ai cũng cản tôi bảo mua chung cư ở là tiêu sản. Mọi người khuyên nên mua nhà đất vừa để ở, vừa để tích sản. Nhưng hiện nay thì tôi thấy chung cư cũng là một kênh tích sản tốt, đã thế lại còn rất dễ bán”, chị Nga nhận định.
Không riêng trường hợp của chị Nga mà anh Trung (Cầu Giấy, Hà Nội) mới đây cũng vừa tranh thủ chuyển nhượng căn hộ chung cư rộng 71 m2 hồi đầu tháng 3. Nhận thấy giá chung cư tăng mạnh, anh Trung đã quyết định bán căn hộ của mình để chuyển xuống ở nhà đất. Anh Trung cho biết, căn hộ này được anh mua vào năm 2019 với giá 2,1 tỷ đồng. Sau gần 5 năm, vợ chồng anh bán với giá 3,4 tỷ đồng, tức lãi 1,3 tỷ đồng.
Hay trường hợp của anh Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội). Năm 2019, gia đình anh mua căn hộ chung cư 95 m2 với giá 2,3 tỷ đồng. Đến nay, căn hộ của gia đình anh đã tăng gấp đôi, lên gần 5 tỷ đồng.
“Cùng tầm tiền, mua chung cư có lợi là vừa được ở thoải mái mà giá vẫn tăng, tội gì phải ở nhà trong ngõ. Mua nhà ở ngoại thành thì đi lại vào nội thành quá khổ vì tắc đường”, anh Tùng chia sẻ.
Theo khảo sát thực tế có thể thấy, giá chung cư đã qua sử dụng tại Hà Nội đang tăng mạnh. Một môi giới tại khu vực Thanh Xuân cho biết, nhiều căn chung cư rao bán giá tăng theo tuần. Môi giới này ví dụ, chủ nhà rao bán căn 2 phòng ngủ với giá 2,7 tỷ đồng. Một tuần sau, khi có khách đến xem, chủ nhà báo giá đã tăng lên 2,9 tỷ đồng.
Môi giới này cho biết, trước đây nhiều người cho rằng chỉ nhà đất mới sinh lời còn chung cư là tiêu sản. Tuy nhiên, mấy năm gần đây cho thấy quan điểm này không còn đúng khi giá chung cư tăng mạnh, thậm chí còn dễ thanh khoản. Trong khi đó, tốc độ tăng giá nhà đất trong ngõ lại chậm và khó bán hơn.
Ghi nhận trong 2 tháng đầu năm, giá rao bán trung bình chung cư Hà Nội tăng đến 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Không ít dự án ghi nhận mức tăng giá trên dưới 30% chỉ sau 1 năm. Đơn cử, giá rao bán căn hộ chung cư tại một số dự án như Royal City tăng 33%, The Pride tăng 33%, Khu đô thị Mỹ Đình Sông Đà – Sudico có mức tăng 32%, Vinhomes West Point tăng 28%, trong khi Chung cư Đại Thanh tăng 27%.
Chung cư Hà Nội chưa “ngáo giá”
Theo dự báo của giới chuyên gia, thị trường căn hộ chung cư sẽ còn tiếp tục tăng giá. Nguyên nhân bởi tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường trong thời gian qua. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu đầu vào cũng gia tăng khiến giá chung cư mới tăng theo. Điều này đã tác động đến thị trường chung cư thứ cấp và diễn biến này sẽ còn kéo dài.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, chung cư Hà Nội chưa “ngáo giá”. Sự tăng giá này đang phản ánh quan hệ cung cầu. Nguồn cung ở Thủ đô hiện chưa đáp ứng nhu cầu, dẫn đến hiện tượng giá vẫn đi lên.
Vị chuyên gia dự báo, nếu nhu cầu vượt đỉnh cũ, giá chung cư vẫn có thể tiếp tục tăng. Ông Quốc Anh khuyến nghị, nhà đầu tư cũng như người mua, bán bất động sản cần dành thêm thời gian để quan sát diễn biến thị trường trong giai đoạn sắp tới, khi lượng cầu đang sắp chạm “điểm kháng cự”.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại các đô thị lớn đang kéo theo nhu cầu nhà ở tăng vọt, trong khi quỹ đất phát triển dự án lại dần cạn kiệt, nguồn cung nhà ở sụt giảm liên tục do tình trạng dự án chậm triển khai bởi vướng mắc pháp lý cũng như việc khó tiếp cận nguồn vốn. Thêm vào đó, giá trị đất đô thị tăng thêm khi hạ tầng giao thông, dịch vụ công cộng được nâng cấp… tất cả đã và đang đẩy giá chung cư liên tục đi lên.
Thống kê từ Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2023, với nhà ở thương mại, cả nước ghi nhận 67 dự án được cấp phép mới với quy mô khoảng 24.993 căn, 71 dự án hoàn thành xây dựng tương ứng với quy mô 29.612 căn cùng với 197 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai.
Tính đến nay, có 854 dự án đang được triển khai xây dựng với quy mô khoảng 402.570 căn, tập trung chủ yếu ở miền Bắc với 394 dự án, quy mô đạt khoảng 237.993 căn. Đặc biệt, trên khắp cả nước có hàng nghìn dự án bị chậm tiến độ do vướng mắc pháp lý và thiếu vốn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở hiện tại.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị GP-Invest, giá căn hộ chung cư tại nhiều dự án đã tăng gần 80% trong khoảng 4 năm qua. Các nguyên nhân chính khiến dự án nhà ở chậm triển khai, dẫn đến ách tắc nguồn cung như khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, thủ tục pháp lý phức tạp, nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, nếu tình trạng này kéo dài thì giá chung cư sẽ còn tăng trong năm 2024. Muốn chữa “căn bệnh” tăng giá nhà, thì cần nhanh chóng gia tăng nguồn cung cho thị trường, tức là phải nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc pháp lý.
Thực tế, tại cả 2 cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng thương mại,... nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhà ở diễn ra mới đây, lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản đều bày tỏ mong muốn Chính phủ và các địa phương đẩy nhanh hơn nữa quá trình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý cho các dự án, từ đó giúp tăng nguồn cung nhà ở ra thị trường.
Về phía các ngân hàng thừa nhận, việc nhiều dự án gặp vướng mắc về pháp lý nhưng chậm được tháo gỡ là lý do khiến ngân hàng khó cho vay, thậm chí với cả người mua nhà, mặc dù biết đây là kênh hấp thụ vốn lớn nhất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chậm trong thời gian qua.
Bà Phạm Thị Miền - Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn xúc tiến đầu tư của VARS nhận định, giá căn hộ tại trung tâm và các thành phố lớn trong ngắn hạn sẽ tiếp tục tăng, nhất là ở phân khúc bình dân và trung cấp khi vấn đề gỡ pháp lý cho các dự án vẫn còn chậm.
Vị chuyên gia cho rằng, với bối cảnh hiện nay, phải đến giữa năm 2025 - khi các Luật liên quan mới điều chỉnh thị trường bất động sản có hiệu lực và thẩm thấu, nguồn cung nhà ở mới dần được cải thiện, nhất là tại phân khúc nhà ở xã hội.
- Hà Nội: Làn sóng “ngáo giá” chung cư lan sang các phân khúc biệt thự, liền kề
- Giá chung cư tăng cao, chủ nhà tranh thủ hét giá “trên trời” làm khó người mua
- Nhu cầu thay đổi, chung cư trở thành phân khúc “vua” tại Hà Nội