ISSN-2815-5823
SƠN HÀ
Thứ ba, 15h45 17/10/2023

Chủ tịch nước dự Diễn đàn BRI: Thúc đẩy kết nối, hợp tác, phát triển trong khu vực

(KDPT) - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hôm nay tới Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn Cấp cao Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường (BRI) lần thứ ba. Chuyến công tác quan trọng này của Chủ tịch nước thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với các sáng kiến kết nối, hợp tác, trong đó có BRI vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phồn vinh tại khu vực và trên thế giới.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, hôm nay (17/10), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam lên đường sang Bắc Kinh, tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba từ ngày 17 - 20/10.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rời Hà Nội sáng 17/10, lên đường tới Bắc Kinh. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rời Hà Nội sáng 17/10, lên đường tới Bắc Kinh. Ảnh: TTXVN

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, đây là chuyến công tác Trung Quốc và cũng là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị mới. Đây cũng là hội nghị Vành đai và Con đường lần đầu tiên sau một giai đoạn dài gián đoạn do dịch bệnh nên được Trung Quốc và các nước hết sức coi trọng và quan tâm. Chính vì thế, sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trên cả bình diện song phương và đa phương.

Sau một thập kỷ triển khai BRI với nhiều thành tựu đáng chú ý, Trung Quốc đã công bố Sách Trắng “Chung tay xây dựng BRI: Thực tiễn quan trọng trong xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”. Theo văn kiện này, trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2022, tổng khối lượng xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và các nước hợp tác BRI đạt 19,1 nghìn tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 6,4%. Đầu tư hai chiều giữa Trung Quốc và các nước cũng vượt 380 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc là hơn 240 tỷ USD. Bắc Kinh cũng đã ký hơn 200 văn kiện hợp tác về Sáng kiến Vành đai và Con đường với hơn 150 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế ở 5 châu lục.

Dư luận quốc tế đánh giá, BRI sau một thập kỷ đã đạt nhiều thành tựu, góp phần mở ra không gian mới tăng trưởng kinh tế thế giới, nâng cao năng lực phát triển và đời sống của người dân các quốc gia liên quan. Trong phát biểu được Hãng tin TASS đăng tải ngày 15/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, BRI thể hiện mong muốn hợp tác trên toàn cầu, đồng thời đánh giá sáng kiến này là “kịp thời và đang phát triển tốt”.

Đối với Việt Nam, những thành tựu của BRI có tác động tích cực, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu thế phát triển. Tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường, Việt Nam tuy đối mặt không ít thách thức, nhưng thực tế đã có thêm cơ hội kết nối, hội nhập khu vực và quốc tế một cách sâu rộng, toàn diện hơn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng từng nêu rõ, Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến thúc đẩy kết nối và hợp tác khu vực, trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, hướng đến mục tiêu đóng góp cho phát triển, thịnh vượng chung của tất cả các quốc gia.

Bố cục cảnh quan Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 phía trước Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Chinanews.com
Bố cục cảnh quan Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 phía trước Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Chinanews.com

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và toàn cầu hóa có biểu hiện chững lại, sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 sẽ góp phần củng cố xu thế tăng cường liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt khi Việt Nam là một quốc gia có độ mở kinh tế lớn.

Việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các nước trao đổi và thảo luận những nội dung phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam như tăng trưởng xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, chống tham nhũng và bảo đảm liêm chính trong quá trình hợp tác kinh tế… sẽ góp phần tạo ra những bài học, kinh nghiệm, qua đó tranh thủ những nguồn lực và mở rộng hợp tác kinh tế.

Các cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc cũng như các lãnh đạo quốc tế khác tham dự hội nghị sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho Việt Nam.

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc về tổng thể duy trì xu thế phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực thời gian qua, đặc biệt sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm ngoái.

Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt hơn 175 tỷ USD, tăng 5,47%. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ, sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong 9 tháng đầu năm nay, đầu tư của Trung Quốc đạt gần 2,1 tỷ USD với 478 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai tại Việt Nam, sau Singapore. Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6 trên 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với hơn 4.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 26 tỷ USD.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024