ISSN-2815-5823

Chùa Bổ Đà khai xong hội chưa thông xong “đường”

(KDPT) – Sáng 21/3, chùa Bổ Đà (Huyện Việt Yên, Bắc Giang) đã tổ chức lễ khai hội năm 2019. Lễ hội chính sẽ kéo dài trong 3 ngày với hàng loạt các chương trình như kỷ niệm 10 năm Dân ca quan họ được Unessco vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể, thi hát quan họ, trưng bày sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm làng nghề truyền thống. Tuy nhiên cổng lớn vào chùa vẫn chưa thông và ngổn ngang gạch vỡ.

Lãnh đạo huyện Việt Yên cho biết, lượng khách thập phương tới dự lễ hội Chùa Bổ Đà hàng năm ước tính khoảng 300 đến 500 ngàn người và năm nay lượng khách nhiều khả năng sẽ đông hơn.

Theo quan sát của chúng tôi, hướng đi mới được mở ra vẫn chưa được hoàn thiện. Khu vực cổng ra vào dở dang đang được che tạm bằng bạt nilon. Gạch ngói vỡ được vun tạm vẫn chất đống rất mất thẩm mỹ và gây ảnh hưởng tới sự linh thiêng của nhà chùa vốn là một trong những trung tâm Phật giáo lâu đời của Việt Nam.

Công trình vẫn dở dang, cổng vào đang được che tạm bằng bạt nilon.

Chùa Bổ Đà được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI), được đại trùng tu vào thời Lê Trung hưng – niên hiệu Bảo Thái (1720 – 1729) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX); là một trong những trung tâm Phật giáo lớn thuộc thiền phái Lâm Tế, một trong những ngôi chùa độc đáo cổ kính và lớn nhất vùng đất Kinh Bắc. Đây cũng là nơi các vị tổ sư thuyết pháp đào tạo các tăng ni. Hàng nghìn các tăng sư đã được đào tạo tại đây và Sơn Môn Bổ Đà hiện có hơn 700 chùa khắp các Tỉnh, Thành phố trên cả nước.

Chùa Bổ Đà cũng được biết tới với vườn tháp trong khuôn viên chùa hiện có hàng trăm ngôi tháp cổ chứa xá lị, tro cốt nhục thân của hàng nghìn vị tăng, ni thuộc thiền phái Lâm Tế với diện tích gần 8000 m2. Vườn tháp này được công nhận đẹp và lớn nhất Việt Nam. Điểm đặc biệt là các ngôi tháp đều được xây dựng bằng gạch, dùng đất, vôi mà vật để chít mạch và vẫn bền vững hàng trăm năm qua. Vườn tháp chùa Bổ Đà được xây dựng trong khoảng 300 năm, kể từ khi sư tổ có tên tục là Phạm Kim Hưng viên tịch. Đặc biệt, có ngôi tháp an táng tới 26 nhà sư, đây là những nhà sư là anh em cùng sơn môn, cùng tu một thầy, khi sống gắn bó với nhau nên khi qua đời vẫn muốn được nằm cạnh nhau.

Mộc bản kinh phật tại chùa bổ đà được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Các bản khắc gỗ dùng để in ấn kinh sách ngày nay còn lưu lại bao gồm nhiều bản kinh luật Đại thừa, như: Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam hải ký qui…để phục vụ cho việc đào tạo truyền bá kinh Phật. Bộ bản khắc này đã được công nhận là bảo vật quốc gia và là bộ bản khắc gỗ kinh Phật có niên đại lâu đời nhất ở Việt Nam.

Qua tìm hiểu của phóng viên, việc lối vào chùa vẫn ngổn ngang là do công trình này vốn được Nhà chùa xây dựng từ năm 2018. Việc xây dựng chưa nhận được sự đồng thuận từ phía Nhà chùa và cơ quan quản lý khiến công trình hiện vẫn dở dang. Năm 2009 kẻ gian đã lấy cắp 6 pho tượng phật. Đầu năm 2016, kẻ trộm đã đột nhập lấy đi 1 chiếc chóe cổ và 4 lộc bình. Năm 2017, ngay trong đêm trước lễ chuẩn bị đón nhận di tích Quốc gia cấp đặc biệt một ngày, chùa Bổ Đà lại mất pho tượng Quan âm Tổng tử có niên đại hơn 200 năm.

Việc tiếp tục để công trình bảo vệ dang dở đang gây ra nhiều bất cập cho công tác bảo vệ, an ninh trật tự cũng như đảm bảo sự tôn nghiêm của một di sản đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Minh Anh

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024