ISSN-2815-5823
Khánh Hà
Thứ năm, 06h00 09/05/2024

TS. Cấn Văn Lực: Chúng ta nên tiếp cận Fintech theo nghĩa rộng

(KDPT) - Lĩnh vực Fintech ở Việt Nam ta phát triển tương đối nhanh so với các nước trong khu vực nhưng lại phân tán và khác nhau ở cách tiếp cận và quản lý.

Vậy để làm sao để ổn định và phát triển thị trường tài chính cũng như quản lý thị trường Fintech, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV để làm rõ hơn về vấn đề này.

  • PV: Thưa ông, trong nhiều vấn đề đặt ra với Fintech, chúng ta có đề cập tới các tiếp cận về mặt quản lý lĩnh vực này. Vậy tại các quốc gia trên thế giới, họ đang có cách tiếp cận ra sao?
  • TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV
    TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

TS. Cấn Văn Lực: Hiện nay trên thế giới có bốn mô hình quản lý: Chờ đợi quan sát - thử nghiệm và học hỏi - thúc đẩy đổi mới sáng tạo - sẵn sàng cải cách lập pháp để kiến tạo cho Fintech phát triển. Hiện nay chúng ta đang trong mô hình chờ đợi quan sát nhưng đã tích cực hơn, đã chủ động hơn và đang tiếp cận dần mô hình quản lý thứ hai là thử nghiệm và học hỏi. Chúng tôi rất mong, trong thời gian tới chúng ta sẽ đẩy mạnh hơn mô hình thứ hai là thử nghiệm và học hỏi.

Ở Trung Quốc, ban đầu họ cũng bắt đầu từ mô hình chờ đợi quan sát. Sau đó từ 2015 đến nay, họ đã tiếp cận theo hướng chủ động hơn và quản lý chặt hơn. Trong một giai đoạn, fintech đã phát triển quá nóng và hơi vượt ngoài tầm kiểm soát. Hiện nay, Fintech tại Trung Quốc đã được kiểm soát và phát triển ổn định hơn.

Phillipines áp dụng phương pháp thử nghiệm và học hỏi với dịch vụ mobile money. Tháng 1/2005, Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) đã ban hành Thông tư về việc cung cấp giấy phép đại lý nộp và rút tiền, với nhiều yêu cầu khá cao, khiến việc mở rộng mạng lưới đại lý gặp khó khăn. Từ đây, các cơ quan quản lý có thể kiểm soát được những rủi ro cho khách hàng.

Tháng 3/2009, BSP đã đưa ra khung pháp lý chính thức cho dịch vụ tiền điện tử và các đơn vị cung cấp dịch vụ tiền điện tử. Động thái này đã tạo điều kiện để thị trường mobile money phát triển lâu dài.

Kết quả là, đến cuối 2023, khoảng 50% người dân Philippines có tài khoản tiền điện tử.

Về cách tiếp cận thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chúng ta có thể kể đến Hồng Kông (Trung Quốc), các trung tâm đổi mới sáng tạo của cả khu vực công và tư nhân đã có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển của thị trường Fintech của HK (đứng đầu Châu Á - Thái Bình Dương và thứ 9 trên thế giới về Chỉ số Fintech toàn cầu năm 2021, theo Findexable).

Các Sandbox của Cơ quan tiền tệ (HKMA), Cơ quan bảo hiểm (IA) và Ủy ban Chứng khoán (SFC) đã tạo môi trường cho Fintech trong nhiều lĩnh vực được thử nghiệm.

TS. Cấn Văn Lực: Chúng ta nên tiếp cận Fintech theo nghĩa rộng - ảnh 2

Hay tại Vương quốc Anh, Cơ quan Kiểm soát tài chính Anh (FCA) là một trong những tổ chức tiên phong trong việc phát triển và ứng dụng Regtech trong hoạt động của mình, tập trung vào 4 nhóm vấn đề. Một là,, cung cấp kỹ năng chuyên môn về quy định pháp lý. Hai là, tạo môi trường thuận lợi cho Fintech và Regtech. Ba là, hướng dẫn về các tiêu chuẩn được chấp nhận. Bốn là, giải quyết các rào cản  gia nhập, đổi mới, và ứng dụng.

Hay tại Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu thế giới về đổi mới công nghệ tài chính khi có công nghệ mạnh kết hợp cùng chương trình tài chính của Chính phủ dành cho công dân và sự gia tăng của phương thức thanh toán UPI. Mô hình quản lý fintech của Ấn Độ khá thành công, chúng tôi mong muốn Việt Nam chúng ta đi theo mô hình quản lý này để kiến tạo giúp Fintech phát triển tốt hơn song vẫn kiểm soát được rủi ro.

  • PV: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đây là một động lực tăng trưởng kinh tế rất quan trọng nhưng đòi hỏi chúng ta phải cực kỳ thông thoáng và cởi mở cũng như khung pháp lý hay thái độ. Vậy với cách tiếp cận theo hướng thử nghiệm, học hỏi có kiểm soát và các tiếp cận sẵn sàng cải cách lập pháp chúng ta cần hiểu như thế nào cho đúng, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Cách tiếp cận mô hình theo hướng thử nghiệm học hỏi có kiểm soát - sandbox thì chúng ta cần xác định quy trình, bước đi của sandbox nên như thế nào, nên chọn thí điểm trong bao lâu một năm, hai năm hay ba năm và nên chọn bao nhiêu công ty để tham gia. Nếu thành công thì làm thế nào và nếu thất bại thì sẽ rút kinh nghiệm ra sao.

Cách tiếp cận sẵn sàng cải cách lập pháp, kiến tạo cho fintech phát triển chủ yếu phát triển ở châu Âu.
Cách tiếp cận sẵn sàng cải cách lập pháp, kiến tạo cho fintech phát triển chủ yếu phát triển ở châu Âu.

Còn lại, cách tiếp cận sẵn sàng cải cách lập pháp, kiến tạo cho Fintech phát triển chủ yếu phát triển ở châu Âu. Chúng ta hiện chưa thể tiếp cận theo cách này được mà trước hết cần phải thử nghiệm, đánh giá sau đó quay trở lại áp dụng.

Thực trạng quản lý Fintech của Việt Nam chúng ta hiện nay tuy có nhưng lại nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau. Hiện nay chúng ta đang quản lý và điều chỉnh theo Luật Dân sự 2015, nếu có vi phạm trong lĩnh vực Fintech xảy ra thì chiếu theo Luật đó để xử lý.

  • PV: Vậy hiện tại, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech có gặp khó khăn gì với việc quản lý công nghệ tài chính của Việt Nam hay không, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Chúng tôi có tiếp xúc với một số công ty Fintech, họ cho biết đang gặp phải các vấn đề liên quan đến các bộ luật khác nhau. Điều này đặt ra vấn đề sắp tới chúng ta cần có một đầu mối để thống nhất quản lý theo hướng tích cực hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Đối với từng lĩnh vực của Fintech, chúng ta chưa có khung pháp lý cho ngân hàng số 100%. Trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được thông qua cũng chưa có quy định nào cho phép ngân hàng số 100% được hoạt động.

Có thể trong thời gian tới, chúng ta sẽ cho thí điểm và đánh giá, sau đó tổng kết kinh nghiệm rồi mới có thể triển khai các giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực tiền gửi, cho vay, thanh toán, quản lý rủi ro và các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ.

  • PV: Để ổn định và phát triển thị trường tài chính cũng như quản lý thị trường Fintech, theo ông chúng ta cần phải làm gì?
  • Cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu các quy chế tài chính.
    Cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu các quy chế tài chính.

TS. Cấn Văn Lực: Để ổn định và phát triển ổn định thì trường tài chính trong thời gian tới, chúng ta cần phấn đấu phát triển thị trường tài chính cân bằng nhất, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn (thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp) có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp. Do đó, đòi hỏi phải có sự quan tâm hơn nữa, tạo không gian vốn và giảm bớt áp lực đến hệ thống tài chính ngân hàng. Nhất là cơ sở hạ tầng, năng lượng, đầu tư công, các công trình đầu tư xây dựng đường cao tốc... đều rất cần nguồn vốn trung dài hạn.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế, hướng dẫn các Luật. Hiện nay Nhà nước đang gấp rút soạn thảo các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, làm thế nào để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế bao gồm cả phần cung và phần cầu. Lãi suất hiện nay đang khá thấp và hấp dẫn. Tổng cung đã cơ bản được tháo gỡ các rào cản về môi trường, pháp luật kinh doanh, nhất là vấn đề pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Về tổng cầu, chúng ta đã và đang tích cực sử dụng các biện pháp nhằm kích cầu liên quan đến đầu tư, tiêu dùng. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng cũng đã có nhiều thay đổi trong thời gian vừa qua, ứng dụng công nghệ nhiều hơn, thực hiện các biện pháp nhằm giảm lãi suất và đồng thời xem xét linh hoạt thêm các điều kiện tín dụng liên quan đến tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp và một số điều kiện khác.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu các quy chế tài chính. Kiên định với chính sách giảm mức độ đô la hóa và phù hợp hơn với các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

Ngoài ra, cần phát triển tài chính bất động sản nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Qua đó, giúp giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.

Đối với lĩnh vực Fintech, chúng ta nên tiếp cận Fintech theo nghĩa rộng, đổi mới sáng tạo các dịch vụ tài chính chứ không phải chỉ riêng một vài công ty Fintech hay lĩnh vực ngân hàng.
Đối với lĩnh vực Fintech, chúng ta nên tiếp cận Fintech theo nghĩa rộng, đổi mới sáng tạo các dịch vụ tài chính chứ không phải chỉ riêng một vài công ty Fintech hay lĩnh vực ngân hàng.

Đối với lĩnh vực Fintech, chúng ta nên tiếp cận theo nghĩa rộng, đổi mới sáng tạo các dịch vụ tài chính chứ không phải chỉ riêng một vài công ty Fintech hay lĩnh vực ngân hàng.

Thực hiện quản lý theo cơ chế Sandbox, sớm ban hành cho lĩnh vực Fintech trong ngân hàng trước sau đó nhân rộng sang các lĩnh vực tài chính khác. Cần nghiên cứu xem xét để thành lập hiệp hội Fintech tại Việt Nam. Các hội viên, thành viên của lĩnh vực Fintech khác với các tổ chức tín dụng.

Về lâu dài, nên có một cơ quan điều phối bởi Fintech có liên quan đến các lĩnh vực tài chính khác nhau như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quản lý quỹ.

Do đó, cần có ủy ban điều phối nhằm quản lý Fintech tốt hơn. Nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về tài chính, ngân hàng thông qua giáo dục tài chính. Đồng thời quan tâm hơn đến vấn đề quản lý rủi ro liên quan đến công nghệ thông tin và an ninh mạng.

  • - Xin cảm ơn ông!

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024