Chứng khoán phái sinh: Cửa hẹp kiếm lãi
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thống kê, trong năm 2018, khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường phái sinh gấp 7 lần năm 2017.
Trong 12 tháng của năm 2018, chỉ có tháng 8 và tháng 9, khối lượng giao dịch giảm, sau khi tỷ lệ ký quỹ ban đầu được nâng từ 10% lên 13% (từ ngày 18/7/2018); các tháng còn lại, khối lượng giao dịch đều tăng.
Đi kèm với thanh khoản tăng là số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư liên tục được mở mới. Tính đến ngày 31/12/2018, có 57.677 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, gấp 3,4 lần thời điểm cuối năm 2017 (17.116 tài khoản).
Diễn biến này cho thấy, thị trường chứng khoán phái sinh ngày càng thu hút nhà đầu tư tham gia, do sàn này có cơ chế giao dịch đối ứng liên tục, ghi nhận lãi, lỗ ngay lập tức, tạo cơ hội cho nhà đầu tư kiếm lời dù giá tăng hay giảm. Cụ thể, giá lên thì nhà đầu tư mở vị thế mua, giá xuống thì mở vị thế bán, sau đó giao dịch đối ứng để đóng vị thế, chốt lời.
Tuy nhiên, ghi nhận tại một số hội thảo về thị trường chứng khoán phái sinh, nhiều nhà đầu tư chưa kiếm được lợi nhuận, thậm chí thua lỗ kéo dài. Thực tế, đa số nhà đầu tư mải mê lướt sóng trong phiên, tức mua – bán liên tục, nhưng thời điểm ra – vào lệnh không hợp lý, dẫn tới thua lỗ.
Theo thống kê, khối lượng giao dịch hàng ngày lớn, nhưng khối lượng mở (OI), tức khối lượng chứng khoán phái sinh lưu hành cuối mỗi phiên nhỏ hơn nhiều.
Từ đầu tháng 1/2019 đến nay, OI bình quân đạt mức cao nhất kể từ khi sàn phái sinh đi vào hoạt động, nhưng cũng chỉ hơn 22.000 hợp đồng/phiên, bằng 16,7% tổng khối lượng giao dịch (trung bình mỗi phiên có gần 132.000 hợp đồng, trị giá trên 11.100 tỷ đồng được giao dịch). Như vậy, mỗi nhà đầu tư thực hiện bình quân 6 thương vụ mua – bán mỗi phiên.
Theo chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân, nhà đầu tư thường bị rối trí khi mua – bán quá nhiều lần trong ngày, dẫn đến quyết định giao dịch thiếu chính xác. Bên cạnh đó, nhà đầu tư không tuân thủ kỷ luật cắt lỗ có thể rơi vào tình trạng như con cừu bị xén lông, xoẹt một cái là mất hết.
Ông Lân khuyến nghị, phái sinh là trò chơi thử thách kiến thức quản lý tiền, kỷ luật vào – ra lệnh và khả năng kiểm soát cảm xúc. Nhà đầu tư cần kiên nhẫn chờ cơ hội mở vị thế có khả năng thành công cao và rủi ro thấp. Phải xác định chiến lược trước khi giao dịch, giúp nhà đầu tư không rơi vào trạng thái mua – bán quá nhiều trong một ngày. Sử dụng các công cụ kỹ thuật để xác định điểm vào lệnh phù hợp…
Trao đổi với người viết, một chuyên gia chứng khoán khác cho rằng, trò chơi trên sàn phái sinh có tổng số bằng 0, tức các khoản lãi bằng các khoản lỗ. Ban đầu, người chiến thắng cũng đông như người thua lỗ. Nhưng theo thời gian, trò chơi có tổng số là âm, vì phải trừ thuế và phí giao dịch. Do đó, số người thua lỗ tăng dần. Chỉ những người có kiến thức, kinh nghiệm và may mắn mới giành chiến thắng.
“Yếu tố may mắn đôi khi đóng vai trò quan trọng, bởi diễn biến giá chứng khoán phái sinh rất khó lường. Vì thế, các nhà đầu tư tổ chức vẫn thận trọng khi tham gia. Lượng giao dịch của cả nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài từ trước tới nay thường xuyên chiếm tỷ trọng dưới 1%”, vị chuyên gia nói.
Vị chuyên gia này nhìn nhận, trong ngắn hạn, giá tăng lên hay giảm xuống là do tâm lý lạc quan hay bi quan của bên mua và bên bán, cũng như mức độ tham lam và sợ hãi của họ.
Do đó, nhà đầu tư nên sử dụng công cụ phân tích kỹ thuật nhằm phát hiện khi nào thì người mua hay người bán mạnh hơn, từ đó xác định thời điểm giao dịch phù hợp. Nhà đầu tư không thông thạo công cụ này nên lựa chọn báo cáo phân tích kỹ thuật của công ty chứng khoán uy tín làm cơ sở để ra quyết định đầu tư.
Thực tế, báo cáo phân tích kỹ thuật của công ty chứng khoán có thể trở thành “cứu cánh” của nhiều nhà đầu tư.
“Dự báo thị trường của công ty chứng khoán nơi tôi mở tài khoản lúc đúng, lúc sai, nên chỉ dùng để tham khảo. Ngày 22/1, tôi được người bạn chia sẻ báo cáo phân tích của một công ty khác, dự báo rất chính xác. Tôi sẽ xem xét chuyển tài khoản sang công ty này”, một nhà đầu tư cho hay.