Chứng quyền là gì? Tìm hiểu về chứng quyền
Chứng quyền là gì?
Chứng quyền mua cổ phiếu, còn được gọi là "stock warrants", là một công cụ tài chính cho phép nhà đầu tư có quyền nhưng không bắt buộc mua cổ phiếu của một công ty với giá cố định trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này mang lại cho nhà đầu tư cơ hội tham gia vào sự tăng trưởng của công ty mà không cần phải bỏ ra một số tiền lớn ngay từ đầu.
Nói cách khác, chứng quyền là loại chứng khoán phái sinh cho phép người nắm giữ quyền mua cổ phiếu của công ty phát hành tại một mức giá xác định trước trong một khoảng thời gian nhất định.
Chứng quyền có bảo đảm là gì?
Chứng quyền có đảm bảo là khái niệm được mở rộng từ chứng quyền, tên tiếng Anh là Covered Warrant. Khác với chứng quyền được cung cấp bởi doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm là một loại chứng khoán được phát hành bởi tổ chức tài chính, cung cấp cho nhà đầu tư quyền mua cổ phiếu cụ thể trong tương lai với mức giá đã được xác định trước.
Chứng quyền có bảo đảm có hai loại, gồm:
- Chứng quyền mua (Call Warrants): Là loại chứng quyền cho phép nhà đầu tư có thể mua một số lượng chứng khoán cơ sở hoặc nhận chênh lệch tăng khi giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm đáo hạn cao hơn so với giá xác định từ trước.
- Chứng quyền bán (Put Warrants): Là loại chứng quyền cho phép nhà đầu tư bán một số lượng chứng khoán cơ sở theo mức giá hiện tại hoặc nhận khoản tiền chênh lệch khi giá ngày đáo hạn thấp hơn giá xác định trước đó.
Cơ hội và rủi ro khi giao dịch chứng quyền
Cơ hội
- Vốn đầu tư thấp: giá chứng quyền thường nhỏ hơn nhiều so với các chứng khoán cơ sở nên số vốn cần cũng nhỏ hơn
- Tỷ suất sinh lời cao: chứng quyền có biên độ dao động lớn do đó mà tỷ lệ lợi nhuận thu được cũng cao hơn nhiều so với chứng khoán cơ sở
- Dễ dàng giao dịch: nhà đầu tư có thể mua bám chứng quyền trên sàn tương tự như với cổ phiếu
Rủi ro
- Mất toàn bộ vốn: trong trường hợp chứng quyền đáo hạn nhưng mức giá thực hiện vẫn cao hơn so với thị giá cổ phiếu thì nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng số tiền vốn mua đã bỏ ra
- Biến động mạnh: mức độ biến động mạnh vừa là cơ hội cũng là rủi ro đối với nhà đầu tư. Điều này đồng nghĩa rằng chứng quyền cũng có thể giảm mạnh hơn nhiều lần so với chứng khoán cơ sở.
- Vòng đời có giới hạn: không giống như cổ phiếu có thể mua và để đó mãi, chứng quyền có thời gian đáo hạn xác định. Do đó, nó có thể không quá phù hợp với nhà đầu tư dài hạn.
Kết luận
Chứng quyền là một công cụ đầu tư hấp dẫn với tiềm năng lợi nhuận cao, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhà đầu tư cần hiểu rõ bản chất của chứng quyền cũng như cách thức hoạt động của nó để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý. Nên luôn tìm hiểu và theo dõi thông tin thị trường để tối ưu hóa lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng quyền./.
- Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất trên kênh cho vay cầm cố (OMO) để hỗ trợ thanh khoản hệ thống
- Thủ tướng: Hệ thống ngân hàng cần thực hiện 6 tăng, 6 giảm, 6 tăng tốc, bứt phá
- Giá vàng hôm nay 24/9: SJC phi mã tăng 1,5 triệu đồng/lượng