ISSN-2815-5823
Thứ tư, 00h01 20/09/2023

Chuyển đổi số trong đầu tư chứng khoán sẽ hút nhiều tỷ USD vào thị trường chứng khoán VN

(KDPT) - Chuyển đổi số trong ngành tài chính, chứng khoán, không chỉ gia tăng các tiện ích, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, mà còn giúp thúc đẩy nâng hạng thị trường.
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Giao dịch không dùng tiền mặt tại Việt Nam bùng nổ

Trong chương trình "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", có tầm nhìn Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới vào năm 2030. Chính vì vậy, chuyển đổi số đã và đang là chiến lược trọng tâm của các cấp, các ngành.

Trong năm 2022, Bộ Tài chính được đánh giá là đứng đầu về chuyển đổi số trong các ngành. Bước sang năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ nỗ lực để ngành Tài chính vẫn luôn là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực chứng khoán, một lĩnh vực được người dân quan tâm nhiều trong những năm gần đây, qua đó góp phần thúc đẩy thị trường ngày càng phát triển minh bạch và bền vững.

Hiện nay, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống KRX ngay trong năm nay. Còn về phía các công ty thành viên thị trường cũng đã và gia tăng ứng dụng các công nghệ mới như AI, blockchain… vào quá trình vận hành và cung cấp các giải pháp cho nhà đầu tư.

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV, giới chuyên môn đánh giá, chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành tài chính, chứng khoán, không chỉ gia tăng các tiện ích, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, mà còn giúp thúc đẩy nâng hạng thị trường, qua đó có thể thu hút nhiều tỷ USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Khi được hỏi về việc đánh giá như thế nào về xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán hiện nay, ông Nguyễn Quang Đạt, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần DATX Việt Nam cho rằng "Chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu, là xu thế không thể đảo ngược của tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính chứng khoán. Nguyên nhân là bởi các lý do như sau, thứ nhất là tại các thị trường chứng khoán thế giới, việc ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo AI, block chain... vào đầu tư chứng khoán đã trở nên phổ biến, giúp cho hành trình đầu tư của nhà đầu tư đơn giản hơn, ít chạm hơn mà vẫn đem lại hiệu quả cao hơn.

Thứ hai, tại Việt Nam, với sự phát triển vũ bão của công nghệ và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cũng như nhu cầu đầu tư ngày càng lớn của giới trẻ, được đánh giá là động lực tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Cuối cùng là với mục tiêu của Chính phủ là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trước 2025 thì để đáp ứng được việc này, cần phải ứng dụng các công nghệ cao, tiên tiến nhất trên thế giới mới có thể đáp ứng được".

Ông Nguyễn Quang Đạt, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần DATX Việt Nam.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam thì cho rằng "Chuyển đổi số hiện nay không chỉ là một xu hướng toàn cầu mà còn là một nhu cầu thiết yếu, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính chứng khoán. Lý do chính là sự nhanh chóng và hiệu quả mà nó mang lại.

Trong giây lát, hàng triệu giao dịch có thể diễn ra và mỗi giao dịch đó có thể ảnh hưởng đến hàng triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Điều này không chỉ đòi hỏi hệ thống công nghệ phải nhanh và mạnh mẽ, mà còn phải an toàn và bảo mật. Và với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực chứng khoán hiện nay được thể hiện qua thanh khoản thị trường lên tới 1 tỷ USD mỗi phiên, như vậy chỉ có những hệ thống ứng dụng công nghệ cao mới có khả năng đáp ứng và xử lý một lượng giao dịch lớn như vậy một cách hiệu quả.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ vào hệ thống giao dịch đã góp phần làm tăng sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân, điển hình có thể nhắc đến giai đoạn COVID-19 năm 2020, số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng cao đột biến, khi việc mở tài khoản đã có thể thực hiện ngay trên điện thoại thay vì phải ra phòng giao dịch. Vì vậy, với mục tiêu phấn đấu đạt 8% dân số đầu tư chứng khoán năm 2025 như Bộ Tài chính đề ra, chúng ta càng phải tăng cường ứng dụng và liên tục cập nhật công nghệ vào hệ thống giao dịch. Riêng trong tháng 8 vừa qua, số lượng tài khoản mở đã tạo ra một kỷ lục. Điều này cho thấy sức mạnh và tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Như vậy, việc gia tăng ứng dụng công nghệ trong hoạt động đầu tư chứng khoán không chỉ giúp thị trường hoạt động một cách hiệu quả và minh bạch hơn, mà còn giúp mang lại lợi ích cho cả những nhà đầu tư cá nhân, góp phần nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam trên bản đồ tài chính thế giới".

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam.

Đề cập đến vấn để đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến cho ngành tài chính chứng khoán trên thế giới, ông Nguyễn Quang Đạt, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần DATX Việt Nam chia sẻ theo nghiên cứu của DATX, các tổ chức tài chính là những người thích nghi đầu tiên trong ứng dụng AI vào thị trường. AI đã được ứng dụng trong ngành tài chính cả hơn 2 thập kỷ nay rồi. Một nghiên cứu gần đây của Hãng tư vấn PWC (Ấn Độ) đã đưa ra dự đoán, AI có tiềm năng chiếm khoảng 16.000 tỷ USD trong nền kinh tế toàn cầu và ước tính vào năm 2030, việc triển khai AI sẽ tiết kiệm 1 nghìn tỷ USD cho ngành Ngân hàng và có thể giúp giảm chi phí cho ngành dịch vụ tài chính tới 22%.

Trên thị trường chứng khoán thế giới, về mặt giao dịch ngắn hạn, AI đã thống lĩnh thị trường. Theo thống kê của JPMorgan, thì vào tháng 3 năm 2020, hơn 60% giao dịch lớn trên thị trường chứng khoán (quy mô lệnh trên 10 triệu USD) đã được thực hiện bằng thuật toán. Và theo tính toán của Finbold, trong năm 2023, giá trị toàn cầu của AI ước tính sẽ đạt 207,9 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng để đạt cột mốc 1,87 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam cho rằng việc đổi mới và ứng dụng công nghệ vào ngành tài chính chứng khoán trên thế giới đã diễn ra từ rất lâu. Tại Mỹ, việc ứng dụng công nghệ trong ngành chứng khoán bắt đầu mạnh mẽ từ những năm 1970 khi thị trường NASDAQ ra đời.

NASDAQ, được biết đến là sàn giao dịch điện tử đầu tiên trên thế giới, đã làm thay đổi cách mọi người thực hiện giao dịch chứng khoán. Nó đã tạo ra một môi trường giao dịch nhanh chóng, minh bạch và cạnh tranh hơn, chi phí giao dịch giảm và việc tiếp cận thị trường trở nên dễ dàng hơn. Các quốc gia ở châu Âu cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Thị trường chứng khoán ở London, Paris, Frankfurt... đều đã tiếp tục đầu tư và cải tiến hệ thống của mình, chuyển từ hệ thống giao dịch truyền thống sang hệ thống điện tử từ những năm 1980 và 1990. Những đổi mới này đã tạo ra nhiều lợi ích cho thị trường tài chính toàn cầu. Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp tiết giảm chi phí giao dịch mà còn tăng năng suất lao động và tạo ra một môi trường giao dịch minh bạch và cạnh tranh hơn.

Theo một số báo cáo, việc chuyển đổi số trong ngành tài chính đã giúp tiết kiệm hàng tỷ USD cho nền kinh tế, thông qua việc giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả và kết nối nhanh chóng giữa các nhà đầu tư và thị trường. Ví dụ cụ thể, một nghiên cứu từ Microsoft cho thấy việc ứng dụng công nghệ trong ngành tài chính ở Mỹ đã giúp tăng năng suất lao động 15% vào năm 2017 và tăng 21% năm 2020, và mở rộng tầm ảnh hưởng của thị trường chứng khoán đến một lượng lớn nhà đầu tư mới.

Thêm vào đó, một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra, nếu các ngành công nghệ số tăng trưởng với tốc độ khoảng 10% mỗi năm, lợi ích lũy kế của nền kinh tế sẽ đạt trên 200 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2045, gần bằng GDP của Việt Nam hiện nay. Như vậy có thể nói, chuyển đổi số trong ngành tài chính chứng khoán trên thế giới đã và đang tạo ra những lợi ích vượt trội, không chỉ cho các nhà đầu tư mà còn cho toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Nói về những đổi mới trong hệ thống chứng khoán, hiện nay nhà đầu tư đang mong chờ hệ thống KRX được đưa vào vận hành vào cuối năm nay. Hệ thống KRX sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên đồng bộ hơn. Nếu hệ thống đi vào vận hành sẽ giúp gia tăng khả năng kết nối giữa các cơ quan quản lý và các thành viên trên thị trường từ đó tăng quy mô giao dịch, thanh khoản có thể lên đến vài tỷ đô/phiên giao dịch.

Hệ thống này cũng là cơ sở nền tảng để cho các sản phẩm mới ra đời theo sự phát triển của các thị trường chứng khoán hiện đại trên thế giới như giao dịch mua bán chứng khoán trong phiên theo T0; phái sinh trên cổ phiếu đơn lẻ; các sản phẩm chứng quyền, quyền chọn khác, xây dựng thêm nhiều sản phẩm chỉ số cho các quỹ ETF...

Quá trình chuyển đổi số, giao dịch có sự hỗ trợ bằng công nghệ sẽ giúp cho thị trường thêm minh bạch, giúp cho nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam (được đánh giá là trên 80% chủ thể tham gia thị trường) được tiếp cận công bằng hơn so với các nhà đầu tư tổ chức, họ có nhiều thông tin hơn, chuyên nghiệp hơn. Cuối cùng là sẽ thúc đẩy nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính chứng khoán là một hành trình không ngừng và việc đưa vào vận hành hệ thống KRX chính là một bước quan trọng trong hành trình này. Hệ thống KRX sẽ đóng vai trò như một trái tim, điều phối và đồng bộ hóa các dịch vụ, giao dịch giữa các thành viên trên thị trường. Nếu hệ thống này đi vào hoạt động, khả năng kết nối giữa các cơ quan quản lý và thành viên thị trường sẽ được cải thiện đáng kể. Điều này có thể thúc đẩy quy mô giao dịch tăng lên, dự kiến là khoảng 10-15% trong năm đầu tiên. Đồng thời KRX sẽ mở ra cơ hội cho việc ra đời của nhiều sản phẩm đầu tư mới, bao gồm giao dịch T+0, sản phẩm phái sinh mới và nhiều sản phẩm tài chính tiên tiến khác. Điều này giúp đa dạng hóa sự lựa chọn cho nhà đầu tư và giúp họ tối ưu hóa danh mục đầu tư của mình.

Ngoài ra, nếu hệ thống KRX hoạt động hiệu quả, Việt Nam có tiềm năng được các tổ chức quốc tế xem xét nâng hạng thị trường, từ đó thu hút thêm nhiều dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, để gia tăng thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành tài chính chứng khoán, cần tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, tăng cường đào tạo và huấn luyện nhân lực và khuyến khích sự hợp tác giữa các tổ chức tài chính, nhà đầu tư và các công ty công nghệ.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang ở trên một bước ngoặt quan trọng của ngành tài chính chứng khoán và nhà đầu tư hoàn toàn có thể lạc quan về tương lai sắp tới./.

BÌNH NGUYÊN

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024