Chuyên gia khuyến cáo không “tất tay” vào thị trường vàng ở thời điểm này
Thị trường vàng nhiều rủi ro
Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, vì giá vàng có nhiều biến động khó đoán nên các nhà đầu tư phải thật thận trọng khi giao dịch.
“Nếu tham gia thị trường này thì chỉ nên dành một phần của khoản tiền nhàn rỗi, không nên đầu tư kiểu “tất tay, bỏ trứng vào một rổ”. Nhất là không nên rút tiền gửi ngân hàng để mua vàng, không bán đất hay vay mượn tiền để đầu tư vàng lúc này vì độ rủi ro rất cao” - Vị chuyên gia khuyến cáo.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích, đã từ lâu giá vàng trong nước mới tăng mạnh, liên tục và kéo dài như hiện nay. Vì vậy, các nhà đầu tư đang có sẵn vàng nên cân nhắc bán ra ở thời điểm này vì lợi nhuận đã rất hấp dẫn.
“Nhà đầu tư không nên chờ giá đạt đỉnh mới chốt lời, vì giá vàng đang tăng nhưng có thể rơi bất cứ lúc nào. Bởi chỉ trong 1 ngày mà nhà đầu tư đã mất cả triệu đồng mỗi lượng. Do đó, nếu thấy thời điểm bán có lợi nhuận hợp lý thì nên chốt lời ngay” - Ông Doanh nói và cũng khuyên rằng: “Nên thận trọng khi đầu tư vàng ở thời điểm này vì thị trường vàng biến động khó đoán. Khoảng chênh lệch giá vàng trong nước hiện đã khá cao, đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư”.
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu, thị trường vàng đang biến động khó lường, nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng khi mua bán vàng và cần theo dõi thị trường thường xuyên.
“Trong cơn sốt vàng, tuyệt đối không được vay tiền mua vàng. Không sử dụng tiền lương, thu nhập chính để mua vàng vì khi vàng rớt giá đột ngột, người vay sẽ cùng lúc phải chịu áp lực nặng nề từ việc thất thoát tiền bạc và trả nợ. Chỉ nên sử dụng 1/3 số tiền nhàn rỗi để đầu tư vàng, nếu có thua cũng không ảnh hưởng nhiều đến đời sống” - Ông Hiếu chia sẻ.
Thị trường vàng nhiều rủi ro
Kết thúc tuần giao dịch tuần qua, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco phiên ngày 14/4 ở mức 2.342,9 USD/ounce, tăng 14,7 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch tuần trước đó.
Các chuyên gia của Kitco phân tích, kể từ đầu tuần đến ngày 10/4, giá vàng thế giới biến động trong khoảng 2.300-2.360 USD/ounce. Vào ngày 11/4, đà tăng tiếp tục quay trở lại. Giá vàng đã đạt đỉnh lịch sử, trên mức 2.400 USD/ounce trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới đang ngày càng leo thang.
Giá vàng trong phiên giao dịch ngày 12/4 tiếp tục tăng vọt, chỉ riêng thứ 6 tuần qua, biểu đồ hàng ngày có nhiều biến động mạnh, vàng được giao dịch lần cuối ở mức 2.344,38 USD/ounce, giảm 1,18% trong ngày nhưng tăng 0,6% trong tuần.
Trong nước, giá vàng Doji chiều mua - bán vào sáng ngày 14/4 là 80,6-83,1 triệu đồng/lượng, giảm 1,1 triệu đồng/lượng chiều mua và giảm 600.000 đồng/lượng chiều bán so với giá đóng cửa ở phiên giao dịch trước đó.
Giá vàng SJC niêm yết ở mức 80,6-83,1 triệu đồng/lượng, giảm 600.000 đồng/lượng ở cả hai chiều. Có thể thấy, chỉ trong một ngày, giá vàng miếng SJC được điều chỉnh giảm 1,9 triệu đồng ở chiều mua và 1,4 triệu đồng ở chiều bán.
Tại PNJ, giá vàng miếng niêm yết là 80,6 triệu đồng/lượng và 83,1 triệu đồng/lượng. Cũng được điều chỉnh giảm 1,9 triệu đồng ở chiều mua và 1,4 triệu đồng ở chiều bán.
Giá vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu niêm yết là 80,8 triệu đồng/lượng mua và 82,9 triệu đồng/lượng bán. Giảm 1,9 triệu đồng chiều mua và giảm 1,6 triệu đồng chiều bán. Khoảng giá chênh lệch giữa giá mua và giá bán đang dao động từ 2,3-2,5 triệu đồng/lượng.
Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, giá vàng thế giới trong phiên ngày 14/4 khoảng 69,848 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng SJC đang cao hơn khoảng 10,752 triệu đồng/lượng so với giá vàng quốc tế.
Như vậy, chỉ tính việc mua vào - bán ra (chưa tính đến biến động về giá), nhà đầu tư đã lỗ 2,5 triệu đồng/lượng.
Ghi nhận vào sáng ngày 15/4, giá vàng trong và ngoài nước lại đồng loạt tăng. Các đơn vị kinh doanh vàng trong nước có xu hướng tăng mạnh giá mua vào so với bán ra.
Giá vàng miếng SJC tăng 300.000-600.000 đồng/lượng, giá mua vào có chiều hướng tăng mạnh hơn bán ra. Giá vàng SJC mua vào 81,2 triệu đồng, bán ra 83,4 triệu đồng/lượng. Eximbank mua vào 81,5 triệu đồng, bán ra 83,5 triệu đồng/lượng. PNJ mua vào 81,2 triệu đồng, bán ra 83,4 triệu đồng/lượng…
Giá vàng nhẫn trong nước tăng từ 100.000-200.000 đồng/lượng. PNJ mua vào 74,5 triệu đồng, bán ra 76,3 triệu đồng/lượng; SJC mua vào 74,4 triệu đồng, bán ra 76,4 triệu đồng/lượng…
Giá vàng thế giới tăng thêm 10 USD/ounce, đạt mức 2.354 USD/ounce, có thời điểm lên đến 2.374 USD/ounce.
Giá mua - bán vàng trong nước đang có mức chênh lệch khoảng 2 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và vàng miếng SJC là 12 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao hơn 5 triệu đồng/lượng.
Để hạn chế sự biến động liên tục của giá vàng, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nhập khẩu vàng để cân bằng cung cầu, “giảm cơn sốt” khi vàng khan hiếm.
Cũng theo ông Hiếu, nên cân nhắc cho phép một số nhà đầu tư có đủ khả năng chuyên môn, năng lực về tài chính nhập vàng số lượng lớn dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước để tạo ra môi trường cạnh tranh, tạo sự minh bạch hơn cho thị trường vàng.
“Chúng ta nên sớm thành lập sàn giao dịch về vàng. Bộ Tài chính nên xem xét cho phép thành lập để các nhà đầu tư có quyết định phù hợp, tránh đầu cơ lớn về vàng nhằm tạo sự khan hiếm, đẩy giá cao chót vót như hiện nay” - Vị chuyên gia phân tích.
Có thông tin hơn 400 tấn vàng được tích trữ trong dân, như vậy cần có chính sách hút vàng ra thị trường. Về giải pháp, Ngân hàng nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, trả lãi trên chứng chỉ nhằm huy động vàng từ người dân, sau đó sử dụng lượng vàng này để vay mượn quốc tế phục vụ phát triển kinh tế xã hội./.
- 4 giải pháp ngay và luôn để dứt điểm chênh lệch giá vàng
- Thủ tướng yêu cầu xử lý ngay tình trạng chênh lệch giá vàng miếng