ISSN-2815-5823

Chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán biến động khó lường, VN-Index tiếp tục điều chỉnh

(KDPT) - Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường chứng khoán sẽ đi theo kịch bản điều chỉnh trong ngắn hạn, diễn biến khó nắm bắt, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường bị tác động đáng kể.

Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều biến động mạnh, chỉ số VN-Index giảm 2,3%, đóng cửa phiên đạt 1.255,1 điểm. Đáng chú ý, khối ngoại đã rút ròng hơn 2.000 tỷ đồng, đây là tuần thứ 7 liên tiếp ghi nhận khối ngoại bán ròng. Đồng thời, tỷ giá USD/VND đạt mốc 25.000 đồng - vượt đỉnh lịch sử, bất chấp nỗ lực hút ròng của Ngân hàng Nhà nước thông qua kênh OMO cũng khiến các nhà đầu tư càng thận trọng hơn.

Chỉ số VN-Index giảm 2,3% trong tuần qua, đóng cửa phiên ở mức 1.255,1 điểm
Chỉ số VN-Index giảm 2,3% trong tuần qua, đóng cửa phiên ở mức 1.255,1 điểm

Các chuyên gia dự báo, sức nóng của tỷ giá tăng đáng kể khi giữ vững ở vùng hơn 25.000 đồng. Các chuyên gia cũng đồng thuận về kịch bản thị trường chứng khoán sẽ được điều chỉnh trong ngắn hạn, nhịp điều chỉnh này là bình thường khi chỉ số đã trải qua 5 tháng tăng liên tiếp. Vì vậy, tâm lý các nhà đầu tư còn thận trọng, chưa vội “bắt đáy” sớm ở giai đoạn này.

Thị trường áp lực khi tỷ giá đạt đỉnh

Theo ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC, thị trường tuy tăng đáng kể từ cuối năm ngoái, nhưng chưa có nhịp điều chỉnh rõ rệt. Vùng 1.280-1.300 điểm được đề cập trước đó là vùng kháng cự mạnh, không dễ vượt qua trong ngắn hạn. Trong khi khối ngoại bán ròng mạnh gây áp lực đáng kể tới thị trường. 

Thống kê cho thấy, khối ngoại bán ròng khoảng 17 nghìn tỷ đồng kể từ đầu năm 2024, gần bằng mức 19,5 nghìn tỷ đồng của cả năm 2023. Tỷ giá đạt đỉnh lịch sử, giá vàng leo thang gây ra những biến động tiềm tàng cho thị trường.

Xu hướng tăng ngắn hạn bị vi phạm, vậy xu hướng tăng trung hạn có còn được duy trì không? Theo đó, cần quan sát trụ cột chính của đợt tăng giá vừa qua: Một là môi trường lãi suất thấp và nới lòng tiền tệ; Hai là sự phục hồi kinh tế trong nước; Ba là kỳ vọng nâng hạng thị trường và đưa KRX vào hoạt động.

Thứ nhất, đây vẫn là động lực chính, nhưng lợi suất trái phiếu chính phủ gần đây đã tăng tương đối và lãi suất tiết kiệm vài ngân hàng cũng nhích tăng. Những yếu tố then chốt cần được theo dõi là lạm phát trong nước, cung cầu tín dụng khi kinh tế hồi phục, tỷ giá, để xem Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục duy trì lãi suất thấp hỗ trợ nền kinh tế hay không.

Thứ hai, các số liệu tiếp tục ủng hộ đà phục hồi, nhưng không hẳn được phân bổ đồng đều ở mọi lĩnh vực. PMI cho thấy khu vực sản xuất còn yếu, cầu tiêu dùng kém. Vì vậy, đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn đã phần nào được thể hiện qua sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, cũng là yếu tố tiếp theo và sẽ được định hình sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I.

Thứ ba, câu chuyện này vẫn bị bỏ ngỏ và nhận nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, với các thông tin gần đây như FTSE không có nhiều đánh giá mới về sự cải thiện các quy định, chưa lên lộ trình cụ thể cho KRX, sự cố của VNdirect vừa qua đều khiến niềm tin giảm đáng kể.

Các yếu tố hỗ trợ thị trường trong trung và dài hạn vẫn vững chắc, nhưng theo ông Huy, thị trường cần tìm điểm cân bằng với loạt diễn biến mới trước bối cảnh trong nước và quốc tế. 

Thị trường cần tìm điểm cân bằng với loạt diễn biến mới trước bối cảnh trong nước và quốc tế. 
Thị trường cần tìm điểm cân bằng với loạt diễn biến mới trước bối cảnh trong nước và quốc tế. 

Trên thế giới, thị trường chứng khoán lớn có dấu hiệu suy yếu trong ngắn hạn, những loại tài sản rủi ro đã điều chỉnh mạnh, như tiền số. Nhưng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ liên tục tăng và thị trường hàng hóa vẫn nóng lên, đã làm giảm kỳ vọng vào việc FED cắt giảm lãi suất. Rủi ro địa chính gần đây khiến cho thị trường hàng hóa tăng mạnh, cần quan sát về ẩn số này.

Trong nước, đây là sự cân đối của cơ quan quản lý về sự đánh đổi một bên là các yếu tố tỷ giá, vốn ngoại; Cùng một bên là các yếu tố về chính sách tiền tệ, tăng trưởng kinh tế, sức mạnh của vốn nội.

Ông Huy phân tích: “Thị trường trải qua chuỗi tăng dài về nếu cần vài tuần hoặc lâu hơn để tìm điểm cân bằng mới, tích lũy thì cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn về xu hướng thì các trụ cột của thị trường giá lên cần được đánh giá cẩn trọng. Với một thị trường phân hóa như thời gian qua và chịu tác động của nhiều cổ phiếu lớn mà thanh khoản không quá lớn, điểm số không quá quan trọng, quan trọng là thị trường cần tìm ra điểm cân bằng mới cùng các yếu tố vĩ mô cần sớm cân đối. Hỗ trợ gần nhất sẽ quanh mốc 1.240 điểm, hỗ trợ mạnh quanh mốc 1.200 điểm. Vùng kháng cự mạnh khoảng 1.280-1.300 điểm”.

Chưa phải thời điểm giải ngân

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) - Ông Trần Hà Xuân Vũ cho hay, diễn biến thị trường tuần qua cho thấy nhiều nỗ lực tăng giá của thị trường trong thời gian qua là vô ích. Tín hiệu cảnh báo rủi ro đã xuất hiện, VN-Index hiện đã lùi về dưới đường MA(20). Theo đó, thị trường không còn thuận lợi như trước, nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới. 

Có lẽ thị trường sẽ khó sớm lấy lại sóng tăng trong thời gian tới vì diễn biến suy yếu trong thời gian gần đây. Với một loạt cảnh báo rủi ro, nhiều khả năng thị trường tiếp tục giảm trong tuần này và test ở vùng hỗ trợ 1.240-1.245 trước đó. Nhiều khả năng VN-Index sẽ đi theo xu hướng giảm nếu thị trường diễn biến không tốt ở vùng này.

Để có thể tiếp tục tăng trưởng, thị trường chứng khoán cần có thêm thời gian để tái cân bằng và tích lũy hoặc tìm được vùng hỗ trợ phù hợp, bên cạnh đó là dòng tiền được cải thiện tốt. Sau giai đoạn này, các yếu tố về kết quả kinh doanh được cải thiện, KRX đi vào hoạt động, nâng hạng thị trường sẽ hỗ trợ thị trường “nóng” lên trong thời gian tới.

Dự kiến, mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý I/2023 ở mức khoảng 7%. Các ngành tăng trưởng mạnh sẽ là chứng khoán, thép. Trong khi các nhóm đóng góp vào lợi nhuận lớn là ngân hàng, bất động sản dự kiến chỉ có mức tăng nhẹ hoặc đi ngang.

Các ngành tăng trưởng mạnh được dự báo sẽ là chứng khoán, thép, trong khi ngân hàng, bất động sản đi ngang
Các ngành tăng trưởng mạnh được dự báo sẽ là chứng khoán, thép, trong khi ngân hàng, bất động sản đi ngang

Thị trường vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, do đó hiện tại không phải thời điểm tốt để tham gia thị trường. Nhà đầu tư nên quản trị danh mục hợp lý, đưa về ngưỡng an toàn nhằm phòng ngừa rủi ro. Bên cạnh đó, cân nhắc về những dao động hồi phục của thị trường để chốt lời hoặc bán bớt các cổ phiếu đang có diễn biến khó khăn. Đồng thời, chờ bộ tín hiệu hỗ trợ rõ nét hơn hoặc thị trường giảm nhanh về vùng hỗ trợ tốt rồi mới mua trở lại.

Chưa vội bắt đáy

Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị , Khối Phân tích VNDIRECT - Ông Đinh Quang Hinh cho rằng, thị trường chứng khoán tuần qua đã bị điều chỉnh đáng kể trước lo ngại về rủi ro tỷ giá gia tăng. Theo đó, trước áp lực DXY mạnh lên, tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng hướng tới mốc 25.000 đồng - mức đỉnh lịch sử.

Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng trên 2%. Điều này cũng gây quan ngoại khi Ngân hàng Nhà nước liên tục rút ròng hơn 170.000 tỷ đồng kể từ ngày 11/3 qua kênh OMO, song vẫn chưa kìm hãm được đà tăng của tỷ giá. Diễn biến này tác động đáng kể tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, đồng thời kích hoạt đà bán ra trong tuần qua.

Chỉ số VN-Index hiện nay đang trong quán tính giảm ngắn hạn, có thể điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.230 điểm (+/-10 điểm). Tuy nhiên, các nhà đầu tư không nên vội bắt đáy trước tình hình sức nóng tỷ giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và thị trường đang biến động ở mức lớn.

Thay vào đó, nhà đầu tư nên kiên nhẫn quan sát sức cầu của thị trường ở vùng hỗ trợ quanh mốc 1.230 điểm và chờ đợi thị trường xác lập vùng cân bằng ngắn hạn trước khi ra quyết định “xuống tiền”. Ngược lại, với nhà đầu tư có tỷ lệ đòn bẩy cao càng cần tuân thủ kỷ luật hơn và canh các nhịp phục hồi để hạ tỷ trọng đòn bẩy nhằm giảm rủi ro cho danh mục đầu tư./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024