“Đây là cơ hội để sắp xếp lại cả quốc gia trong thời kỳ mới để đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, mục tiêu năm 2025, năm 2030, 2045. Các mục tiêu khát vọng đề ra rất lớn. Quy hoạch đưa ra định hướng, tầm nhìn, mô hình tốt đối với không gian hợp lý, các ngành hợp lý, bổ sung cho nhau, cùng nhau đóng góp cho phát triển chung, thì sẽ thực hiện được. Nếu không xác định đây là cơ hội quý thì sẽ mất cơ hội”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định tại Hội thảo xin ý kiến đối với dự thảo Báo cáo định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 22/2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

“Chúng ta đang ở thời điểm hết sức quan trọng. Chúng ta đang làm điều đặc biệt, rất quan trọng của đất nước, trong phạm vi rất lớn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo đó, Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tổng thể quốc gia là: Kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững; Hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn; tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội hài hoà, môi trường có chất lượng tốt, trong lành và an toàn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề rất lớn, lần đầu tiên làm, chưa có tiền lệ, kinh nghiệm quốc tế cũng không nhiều. Vì vậy, không chỉ riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của các bộ ngành, các chuyên gia tư vấn, các nhà khoa học, trường, viện nghiên cứu…

TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo quy định tại Luật Quy hoạch (2017), mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Phát biểu góp ý cho Báo cáo Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá, đây là việc khó, lần đầu tiên làm, cần triển khai theo luật, vừa làm, vừa học, vừa hoàn thiện.

Ông Sinh cho rằng, báo cáo cần xác định được các điểm nghẽn trong công tác quy hoạch. Vướng mắc trong phân vùng hiện nay rất bất cập nhưng chưa sửa được. Hoặc chất lượng quy hoạch thấp, làm xong vài hôm có khi lại sửa. Đặc biệt, tư duy nhiệm kỳ còn tương đối nặng nề.

Về quan điểm phát triển, TS. Cao Viết Sinh chỉ rõ, cần làm rõ hơn về việc 10 năm tới cần ưu tiên đột phá vào những vùng động lực nào và cần nhất là xây dựng quy hoạch thế nào để tự chủ kinh tế.

Ngoài ra, các chuyên gia khác tại Hội thảo cũng góp ý nhiều vấn đề như các khái niệm trong báo cáo; vấn đề phân vùng; vấn đề tư duy mới trong phân bổ không gian quốc gia…

MINH THÀNH