ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ năm, 16h23 21/12/2023

Cơ hội và thách thức trong quản trị quốc gia và quản trị địa phương ở Việt Nam

(KDPT) - Bối cảnh đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những tác động của quá trình toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức trong quản trị quốc gia và quản trị địa phương ở Việt Nam. Tại Việt Nam, chương trình đào tạo về Quản trị địa phương còn khá mới mẻ, vì vậy, đẩy mạnh nhu cầu nguồn nhân lực có chuyên môn về quản trị địa phương là điều cần thiết hiện nay.

Bối cảnh về quản trị địa phương hiện nay tại Việt Nam

Quản trị địa phương luôn là vấn đề được quan tâm nghiên cứu trên thế giới. Đã có nhiều tiêu chí có liên quan được sử dụng để đánh giá. Báo cáo Quản trị phát triển bền vững của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) năm 1997 nêu quan niệm và các tiêu chí để đánh giá thế nào là quản trị tốt, bao gồm: Quản trị quốc gia có sự tham gia của người dân (người dân có tiếng nói trong hoạch định chính sách, có dân chủ đại diện, có tự do ngôn luận và lập hội); có chế độ pháp quyền; có chính quyền minh bạch; chính quyền quan tâm tới lợi ích xã hội của tất cả các bên hữu quan; tạo đồng thuận rộng rãi trong xã hội; đối xử công bằng; người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược.

Ở Việt Nam, quản trị quốc gia hay quản trị địa phương là những tiếp cận còn khá mới mẻ. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng xác định mục tiêu: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn năm 2021-2030 nhấn mạnh “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội”. Nghị quyết Đại hội XIII cũng khẳng định chủ trương “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả”.

Chương trình đào tạo về Quản trị địa phương ở cả bậc cao đẳng, đại học và sau đại học từ lâu đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Đức… Tuy nhiên, tại Việt Nam, chương trình đào tạo về Quản trị địa phương còn khá mới mẻ.

Theo kết quả khảo sát của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, 66,7% các cơ quan, đơn vị tại các địa phương có nhu cầu tuyển dụng nhân sự trình độ sau đại học có kiến thức chuyên sâu, bài bản về Quản trị địa phương; 68,2% cơ quan, đơn vị có nhu cầu cử cán bộ tham gia bồi dưỡng kiến thức, đào tạo ở trình độ Thạc sỹ về Quản trị địa phương. Điều đó cho thấy, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn sâu về Quản trị địa phương hiện nay là rất lớn.

Hội thảo khoa học “Quản trị và phát triển địa phương từ tiếp cận liên ngành và khu vực học”. (Ảnh: Việt Anh)

Nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực chuyên môn này, ngày 21/12 tại Hà Nội, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển tổ chức Hội thảo khoa học “Quản trị và phát triển địa phương từ tiếp cận liên ngành và khu vực học”. Hội thảo diễn ra trong dịp Kỷ niệm 30 năm Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội, hướng tới Kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (19/3/2004 - 19/3/2024). Đây cũng là một trong chuỗi hội thảo chuẩn bị cho Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ 7 dự kiến tổ chức vào năm 2025, do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Phạm Đức Anh - Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Bối cảnh đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những tác động của quá trình toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức trong quản trị quốc gia và quản trị địa phương ở Việt Nam.

Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp và bước đi phù hợp, trước hết là việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm hóa giải thách thức, tận dụng cơ hội để nâng cao hiệu quả quản trị địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Chính quyền địa phương cũng cần thay đổi cả về tư duy và hành động, phải được xây dựng theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực để trở thành chính quyền kiến tạo, quản trị một cách hiệu quả và phục vụ xã hội ngày một tốt hơn”.

TS. Phạm Đức Anh - Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Việt Anh)

Những hướng phát triển quản trị địa phương ở Việt Nam

Thông qua việc tổ chức Hội thảo, Ban tổ chức nhận được tổng cộng gần 50 báo cáo tham luận của các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu và đào tạo trong cả nước. Căn cứ nội dung các báo cáo tham luận, có thể sắp xếp thành 2 chủ đề lớn: Thứ nhất, cơ sở lý luận, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về quản trị và phát triển địa phương. Thứ hai, thực tiễn quản trị và phát triển địa phương ở Việt Nam hiện nay.

TS. Phạm Đức Anh cho hay: “Nội dung của các báo cáo tham luận rất phong phú và đa dạng, luận giải vấn đề từ tiếp cận của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, mang tới những nhận thức mới trên cả phương diện lý luận và thực tiễn… góp phần nâng cao nhận thức khoa học và giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương và đất nước”.

Đại diện Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển cũng cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội đang dần phát triển hướng nghiên cứu và đào tạo về quản trị địa phương từ tiếp cận liên ngành và dựa trên nền tảng khu vực học chính là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.

GS. TSKH. Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Việt Anh)

Theo đó, ngày 29/7/2022, Hội đồng Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành Nghị quyết số 2536/NQ-HĐ nhất trí thông qua chủ trương mở chuyên ngành Thạc sĩ Quản trị địa phương do Viện VNH&KHPT đề xuất. Ngày 16/5/2023, Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành Quyết định số 1707/QĐ-ĐHQGHN về việc bổ sung Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó có ngành Quản trị địa phương của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.

Đồng thời, Đề án mở Chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản trị địa phương của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã được Hội đồng chuyên môn cấp Đại học Quốc gia Hà Nội thẩm định và thông qua, sẽ sớm được phê duyệt ban hành. Đây là chương trình đào tạo đầu tiên về Quản trị địa phương được xây dựng. Trong đó, nội dung đào tạo hình thành dựa trên ba khối kiến thức cơ bản, gồm: Khối kiến thức về địa phương học, khu vực học, Việt Nam học; Khối kiến thức về khoa học quản trị, quản trị công; Khối kiến thức về các công cụ và phương pháp quản trị (thể chế, chính sách, nền tảng công nghệ…).

Hiệu quả quản trị địa phương thể hiện thông qua việc xác định tầm nhìn chiến lược, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, trực tiếp quản lý các công việc của địa phương, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương; tổ chức thực thi pháp luật, triển khai thực hiện các quyết định của Chính phủ ở địa phương, phản ánh tâm tư nguyện vọng, lợi ích của nhân dân và tạo điều kiện để nhân dân có nhiều cơ hội tham gia vào công việc của Nhà nước; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện công bằng và bình đẳng xã hội tại địa phương./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024