ISSN-2815-5823

Cơ hội vàng khi đầu tư vào du lịch Hà Nam

(KDPT) - 5 tháng đầu năm 2025, Hà Nam đã đón gần 6 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt gần 4.500 tỷ đồng. Hai năm liên tiếp 2023 và 2024, Hà Nam được World Travel Awards vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”, “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” và nhận Giải thưởng “Thành tựu đặc biệt”...

Đó là những dữ liệu mời gọi được UBND tỉnh Hà Nam đưa ra trong Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch năm 2025 với chủ đề “Hà Nam – Kết nối và lan tỏa” được tổ chức ngày 30/5, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Vesak, Khu du lịch Tam Chúc (thị xã Kim Bảng, Hà Nam).

Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Tuần Văn hóa, Du lịch Hà Nam 2025, thu hút sự quan tâm đông đảo của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước.

Sức bật mạnh mẽ...

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Chức - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Nam cho biết, Hà Nam nằm ở điểm giao thoa giữa các trung tâm du lịch lớn, là mắt xích quan trọng trong chuỗi hành trình xuyên Việt. Từ Chùa Hương (Hà Nội) đến Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình), từ Đền Trần (Nam Định) đến Phố Hiến (Hưng Yên), Hà Nam nổi lên là điểm đến mới, nằm giữa các cực hút khách. Với quy hoạch bài bản, hạ tầng ngày càng hoàn hiện, Hà Nam sẵn sàng kết nối thành chuỗi điểm đến hấp dẫn.

Ông Nguyễn Văn Chức, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Nam phát biểu khai mạc Hội nghị.
Ông Nguyễn Văn Chức, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Nam phát biểu khai mạc Hội nghị.

Hiện tỉnh có trên 200 cơ sở lưu trú với hơn 4.000 phòng, trong đó có 2 khách sạn 5 sao, một khách sạn cao cấp của Tập đoàn BRG đang hoàn thiện. Khu du lịch Tam Chúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Khu du lịch quốc gia, trở thành điểm đến tâm linh, sinh thái nổi bật, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm.

Hệ sinh thái sản phẩm du lịch cũng ngày càng đa dạng: Du lịch văn hóa - tâm linh nổi bật với: Chùa Tam Chúc, đền Trần Thương, chùa Bà Đanh, Long Đọi Sơn… cùng các lễ hội truyền thống đặc sắc như: Tịch Điền, Phát lương Đức Thánh Trần; du lịch làng nghề nông thôn với cá kho Đại Hoàng, trống Đọi Tam, lụa Nha Xá…

Hà Nam cũng đẩy mạnh phát triển du lịch thể thao, đặc biệt là du lịch golf với 4 sân golf trong quy hoạch, trong đó 2 sân đã đi vào hoạt động. Đó là các sân golf Stone Valley, Legend Valley Country Club hiện đang thu hút đông du khách quốc tế, đặc biệt là khách Hàn Quốc.

Lễ ký kết hợp tác giữa tỉnh Hà Nam và các đối tác là đại diện các doanh nghiệp, chủ đầu tư và Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội.
Lễ ký kết hợp tác giữa tỉnh Hà Nam và các đối tác là đại diện các doanh nghiệp, chủ đầu tư và Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội.

Diện mạo mới cho du lịch Hà Nam còn được định hình bởi Flamingo Golden Hill, Sun World Hà Nam, công viên nước và chương trình nhạc nước tại Sun Urban City, các sản phẩm đô thị giải trí hấp dẫn...

Năm 2024, Hà Nam đón hơn 4,7 triệu lượt khách, tổng doanh thu gần 3.700 tỉ đồng; chỉ 5 tháng đầu năm 2025 đã đạt gần 6 triệu lượt khách, doanh thu gần 4.500 tỉ đồng đã minh chứng cho sức bật mạnh mẽ của du lịch Hàn Nam.

Hiện thực hóa chủ đề "Kết nối và lan toả"

Bám sát chủ đề "Kết nối và lan toả" của hội nghị, bà Phan Linh Chi - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề xuất 4 định hướng trọng tâm cho du lịch Hà Nam. Đó là, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ, gắn với bảo tồn thiên nhiên; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, đất đai, quy hoạch để tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Ông Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu kết luận Hội nghị.
Ông Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, liên kết đào tạo với doanh nghiệp, chú trọng kỹ năng số, ngoại ngữ và giao tiếp quốc tế. Thứ ba là tăng cường liên kết vùng với Hà Nội, Ninh Bình để xây dựng các tour du lịch liên hoàn mang tính chủ đề như “Hành trình tâm linh” hay “Du lịch di sản”. Thứ tư, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ số và truyền thông đa nền tảng, đặc biệt hướng tới thị trường quốc tế và các xu hướng như du lịch MICE, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh.

Nhìn nhận vấn đề trong một không gian mới, việc sáp nhập ba tỉnh Nam Định - Hà Nam - Ninh Bình trong tương lai sẽ tạo nên “đẳng cấp chơi” mới, một không gian phát triển đầy sức cạnh, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, khi đó, Hà Nam sẽ không chỉ là điểm kết nối, mà trở thành lực kéo chiến lược, cùng với các địa phương liền kề tạo nên “vùng di sản linh thiêng” đặc sắc bậc nhất phía Bắc Việt Nam, nơi vừa lưu giữ văn hóa, vừa mở lối cho phát triển xanh và đổi mới sáng tạo.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, sự phát triển của "Ninh Bình mới", với sự cộng hưởng từ Tam Chúc (Hà Nam), Bái Đính (Ninh Bình) và sự kết nối mở rộng đến Hương Sơn (Hà Nội), Ba Vì, Phú Thọ, đang hình thành một mạch liên kết di sản có giá trị đặc biệt, nhất là trong không gian văn hóa – tâm linh Phật giáo. Đây là một trục phát triển rất hiếm có, tạo nền tảng vững chắc cho việc định hình "đô thị di sản", nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn khu vực.

Để kết nối, lan tỏa một cách bền vững, ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình đề xuất xây dựng thương hiệu du lịch chung tầm khu vực, kết nối điểm đến tiêu biểu để hình thành sản phẩm du lịch bốn mùa. Đồng thời, cần quy hoạch không gian du lịch liên kết: Hà Nam với Tam Chúc, Nam Định với trục văn hóa, biển, Ninh Bình với Tràng An làm trung tâm phân phối khách.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình phát biểu tại Hội nghị.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình phát biểu tại Hội nghị.

Tán thành quan điểm này, ông Trương Quốc Huy - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, tỉnh sẽ hoàn thiện các quy hoạch quan trọng, đặc biệt là quy hoạch tổng thể du lịch và Khu du lịch quốc gia Tam Chúc; định hướng liên kết vùng Hà Nam – Nam Định – Ninh Bình, xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư và phát triển sản phẩm mang bản sắc riêng.

Tỉnh Hà Nam cũng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch, nghiên cứu thị trường để xúc tiến hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý và quảng bá. Với sự đồng hành của doanh nghiệp và chính quyền, Hà Nam kỳ vọng trở thành điểm đến lý tưởng và điểm hẹn đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/06/2025