Nhiều chỉ tiêu bị ảnh hưởng

Theo số liệu của Bộ Công Thương công bố trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 9.2021, sản xuất công nghiệp 9 tháng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với cao hơn mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (tăng 1,42%).

Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 7,17%, làm giảm 0,27 điểm phần trăm do sản lượng dầu thô khai thác giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%.

Các chỉ tiêu về XNK hàng hoá của nước ta bị ảnh hưởng nặng nề do Covid -19 (Ảnh minh hoạ)

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 9/2021 ước tính tăng 5% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,4% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên vẫn có tín hiệu khả quan là một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng năm 2021 tăng so cao với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như: phân DAP tăng 56,5%; Thép cán tăng 43,3%; Ô tô tăng 18,6%; Quặng Apatit tăng 15,5%; sắt thép thô tăng 12,4%; xăng dầu các loại tăng 16,1%; khí hóa lỏng tăng 15,7%; Sữa bột tăng 10,3%; Phân NPK tăng 9,2%; điện thoại di động tăng 8,2%. Ngoài ra, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: ti vi giảm 35,9%; khí thiên nhiên giảm 17,6%; động cơ diezen giảm 19,6%; bia các loại giảm 8,7%; dầu thô khai thác giảm 4,8%; thuốc lá báo các loại giảm 3,1% nên kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

Công nghiệp chế biến đóng vai trò quan trọng

Trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020 do sự gia tăng cả về lượng và giá xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản. Đối với nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ,kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu than đá tăng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu (tăng 147,4% về lượng và 126,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020); Xuất khẩu xăng dầu các loại mặc dù chỉ tăng 2,8% về lượng nhưng tăng tới 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 86,27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này ước đạt 207,5 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành Công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng (ảnh minh hoạ)

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD). Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhập siêu tăng cao là do tháng 6 dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh; còn trong các tháng 7, 8, 9 dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, từ nay đến cuối năm Bộ Công thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực để đẩy mạnh xuất khẩu; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.

TRƯỜNG MINH