Theo Điều 6 của Luật Đất đai, một trong những nguyên tắc quan trọng để sử dụng đất đó là sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch và đúng mục đích sử dụng đất. Mọi hành động sử dụng sai mục đích đất là xâm phạm tới lợi ích và nguồn tài nguyên của quốc gia, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, sai lệch kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương.

Trong quá trình tiếp tục triển khai chuyên đề “Nhận diện công tác quản lý đất đai trong hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội”, Kinh doanh và Phát triển điện tử đã nghiên cứu, khảo sát tại một số địa phương, trong đó có minh chứng thực tiễn tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cho thấy thực trạng công tác quản lý tồn tại nhiều bất cấp, nhất là việc sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng và kinh doanh trái phép.

Sau hai tháng triển khai Chỉ thị số 44 của UBND TP Hà Nội, trong đó có nội dung về việc tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp), cho thấy công tác quản lý đất đai ở một số địa bàn ngoại thành Hà Nội vẫn còn buông lỏng, các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn gia tăng, đặc biệt sử dụng vào những mục đích hoạt động kinh doanh, gây ảnh hưởng trật tự đô thị và phát triển kinh tế xã hội.

Tại Điều 208, Luật Đất đai 2013 quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Qua khảo sát thực tế khu đất Xứ đồng Ao làng phường Yên Sở, được chính quyền cấp cho các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp từ năm 2001 (cụ thể như thửa số 28 tờ bản đồ số 18), đến nay qua các lần Nhà nước thu hồi làm đường Tam Trinh và xây dựng trụ sở Công an phường thì diện tích đất còn lại (nằm phía sau dự án trụ sở Công an phường Yên Sở) là vào khoảng 2.300m2 (theo danh sách tổng hợp đất Ao làng của các hộ dân đội sản xuất).

Vị trí khoanh màu đỏ: các hàng quán lấn chiếm trên lô đất 2.300m2 ngõ 989-Tam Trinh (Lô đất sau dự án trụ sở Công an phường Yên Sở đang xây dựng)

Trong khoảng thời gian dài, tại khu vực đất nông nghiệp xứ đồng Ao cửa làng – ngõ 989 Tam Trinh có hoạt động về vi phạm xây dựng, trật tự đô thị, sử dụng làm kinh doanh không đúng mục đích về quản lý đất đai, cụ thể như sau: Một số hộ gia đình, quây bạt, quây tôn, lợp mái tôn, đặt công - ten - nơ, đổ bê tông nền san gạt trạc phế thải, xây dựng làm mặt bằng mở hàng ăn, hàng nước trên diện tích đất nông nghiệp, đất sử dụng chung. Cá biệt còn có hộ đã xây dựng quán bia (quán bia Khánh Trinh), quán rửa xe ô tô bằng vật liệu kiên cố (tường gạch) ngang nhiên chiếm dụng đất để kinh doanh đã nhiều năm.

Khu đất nông nghiêp- tại khu tái định cư X2b sau dự án trụ sở Công an phường Yên Sở.

Trong quá trình thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị, vừa qua phường Yên Sở đã ra thông báo số 283/TB-UBND yêu cầu các hộ gia đình lấn chiếm kinh doanh trái phép trên tháo dỡ và di chuyển toàn bộ vật dụng, đồ đạc ra khỏi diện tích đất trước ngày 30/9/2022, nhưng quá ngày 30/9 các hộ gia đình trên đều không thực hiện. Vì vậy ngày 7/10/2022 UBND phường Yên Sở đã huy động máy xúc và lực lượng chức năng ra khu vực diện tích đất lấn chiếm để thực hiện công tác giải tỏa.

Quán ăn, quán nước xây dựng trái phép trên lô đất 2.300m2 ngõ 989-Tam Trinh.

Tuy nhiên, theo quan sát và phản ánh của người dân thì lực lượng giải tỏa chỉ cho máy xúc đào xới bãi đất san trạc và nền bê tông bên trong khu đất, còn các quán bia, quán nước, hàng ăn lấn chiếm xung quanh đều không ảnh hưởng gì. Qua khảo sát thực tiễn, cho thấy liên tục từ ngày 7/10/2022 đến nay, các hàng quán này vẫn ngang nhiên hoạt động kinh doanh và cũng không có một lực lượng chức năng nào tiếp tục thực hiện nốt công tác giải tỏa khu vực này theo tinh thần thông báo số 283/TB-UBND.

Quán bia, quán rửa xe xây dựng trái phép trên lô đất 2.300m2 ngõ 989-Tam Trinh

Qua phân tích, đánh giá, nghiên cứu thực trạng công tác quản lý đất đai tại phường Yên Sở cho thấy còn buông lỏng, không ngăn chặn và xử lý kịp thời việc lấn chiếm sử dụng đất trái phép trong nhiều năm, trong thực thi công tác giải tỏa còn mang hình thức và mang tính đối phó, không quyết liệt xử lý dứt điểm, gây thất thoát lãng phí tài nguyên đất, mất trật tự đô thị và ảnh hưởng phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Nghị định của Chính phủ Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai số 04/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện dịch vụ về đất đai nêu rõ: Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định này;

c) Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai;

d) Buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định;

đ) Buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất;

e) Buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng, tiền cho thuê, tiền cho thuê lại đất không đúng quy định của pháp luật trong thời gian sử dụng đất còn lại;

g) Buộc hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai;

h) Buộc hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định;

i) Buộc chấm dứt hợp đồng mua, bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện quy định;

k) Buộc sử dụng đất đúng theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất;

l) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính như trước khi vi phạm;