>> Bài liên quan:
Quảng Nam: Bất chấp lệnh dừng, Công ty Hoàng Ân vẫn ngang nhiên khai thác cát

Việc mua bán cát tại bên thủy nội địa Hoàng Ân 1 vẫn diễn ra sau khi đoàn kiểm tra rời khỏi.

Sau khi có thông tin phản ánh đến đường dây nóng của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Nam với nội dung: Công ty TNHH Hoàng Ân (Công ty Hoàng Ân) đã hết hạn giấy phép khai thác cát tại xã Đại Minh (huyện Đại Lộc) nhưng vẫn sử dụng ghe để hút cát trộm trên khu vực sông Vu Gia, ngày 20/11/2020, ông Trần Thanh Hà, Giám đốc sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã có công văn số 2381/STNMT-KS về việc khẩn trương kiểm tra, xác minh, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản cát trái phép trên sông Vu Gia, đoạn chảy qua địa bàn xã Đại Minh và hoạt động tập kết, trung chuyển, kinh doanh cát tại bến bãi thuộc xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc) của Công ty Hoàng Ân; xử lý vi phạm theo thẩm quyền và báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh, xử lý về UBND tỉnh, sở TN&MT trước ngày 05/12/2020.

Hiện trường bơm cát lên bãi tập kết tại bên thủy nội địa Hoàng Ân 1.

Sau khi nhận được công văn chỉ đạo của Sở TN&MT, UBND huyện Đại Lộc đã ban hành Công văn số 4113/UBND-VP ngày 23/11/2020 giao phòng TN&MT huyện chủ trì phối hợp với các ban, ngành liên quan của huyện và địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý (nếu có) hoạt động khai thác cát trái phép nêu trên.

Kết quả kiểm tra của đoàn vào chiều ngày 23/11/2020, tại thời điểm kiểm tra có 02 ghe đang tổ chức hút cát trong phạm vi mỏ của Công ty Cổ phần 6.3 (Công ty 6.3) có biển kiểm soát lần lượt là QNa 0623 và QNa 1031, khối lượng cát trên 02 ghe khoảng 30m3.

Hai tàu hút cát của Công ty Hoàng Ân đang hoạt động tại mỏ cát Công ty 6.3.

Theo trình bày của ông Lê Tường Vỹ, Giám đốc Công ty Hoàng Ân, ông chỉ mua lại khối lượng cát trên của ông Trần Ngọc Xuân, thường trú tại số 04 Huỳnh Ngọc Huệ, phường An Khê (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng), còn việc tổ chức đứng ra khai thác cát là do ông Trần Ngọc Xuân thực hiện.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Xuân lại lý giải, việc tổ chức hút cát tại mỏ của Công ty 6.3 tại thôn Ấp Bắc, xã Đại Minh (huyện Đại Lộc) là căn cứ theo Hợp đồng số 45/2017/HĐKT ngày 25/7/2017 về việc hợp đồng chuyển nhượng quyền Khai thác mỏ cát giữa Công ty 6.3 với cá nhân ông. Việc tập kết cát về bãi chứa tại thôn Đại Phú, xã Đại Lãnh là theo Hợp đồng số 02/2020/HĐKT ngày 01/4/2020 được ký kết giữa Công ty Hoàng Ân với ông Trần Ngọc Xuân.

Thế nhưng, theo Phòng TN&MT huyện Đại Lộc, Hợp đồng số 45/2017/HĐKT được ký kết giữa Công ty 6.3 với ông Trần Ngọc Xuân chỉ là hợp đồng thỏa thuận dân sự giữa các bên, việc chuyển nhượng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Hồ sơ xin chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản phải thực hiện đúng theo quy định tại khoản 4, điều 59 của Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra và ý kiến các bên liên quan nhận thấy, việc công dân phản ánh qua đường dây nóng về việc khai thác, vận chuyển, mua bán cát để về tập kết tại bến thủy nội địa tại thôn Đại Phú, xã Đại Nghĩa do Công ty Hoàng Ân làm chủ là đúng thực tế, đúng với nội dung công dân phản ảnh.

Do đó, phòng TN&MT huyện Đại Lộc đề nghị ông Trần Ngọc Xuân phải dừng ngay mọi hoạt động khai thác cát, vận chuyển cát trong phạm vi mỏ của Công ty 6.3, vì hợp đồng chuyển quyền khai thác số 45/2017/HĐKT giữa ông với Công ty 6.3 không đúng theo quy định của pháp luật.

Về phía Công ty Hoàng Ân, phòng TN&MT cũng đề nghị không được thu mua cát do ông Trần Ngọc Xuân vận chuyển về để bán. Với lý do, bên bán cát chưa được cấp có thẩm quyền cho phép nhận chuyển nhượng quyền khai thác.

Thế nhưng, theo ghi nhận của của PV tại hiện trường vào chiều ngày 04/01/2021, ngoài 03 phương tiện hút cát của Công ty 6.3 thì bên ngoài lòng sông vẫn đang tồn tại 02 ghe đang thực hiện hút cát lên bụng ghe. Theo như lời người bảo vệ mỏ của Công ty 6.3, 02 ghe đó là của Công ty Hoàng Ân đang thực hiện hút cát tại khu vực mỏ. Trái ngược với những gì ông Hồ Thanh Phương – Trưởng Phòng TN&MT đã khẳng định với chúng tôi vào sáng ngày 04/01/2021 là việc hút cát của Công ty Hoàng Ân đã dừng hẳn từ hôm đi kiểm tra (chiều 23/11/2020).

Phương tiện khai thác cát dưới nước của Công ty Hoàng Ân.

Chiều cùng ngày (04/01), tiếp chúng tôi tại bến thủy nội địa Hoàng Ân 1 tại thôn Đại Phú, xã Đại Nghĩa, ông Lê Tường Vỹ thừa nhận, toàn bộ cát tại bãi được khai thác từ mỏ của Công ty 6.3 theo hợp đồng mua bán cát với ông Xuân.

Chỉ tay về phía con tàu chở cát gần cập bến, ông Vỹ nói, tàu đó hút vận chuyển từ mỏ 6.3 về, do bãi tập kết cao hơn so với dòng sông nên ghe phải cập vào bến rồi sau đó mới dùng máy hút đẩy chuyền lên bãi tập kết.

Ông Vỹ còn nói thêm với chúng tôi rằng, thực tế chính ông là người đưa tiền cho ông Trần Ngọc Xuân đứng ra ký kết hợp đồng số 45/2017/HDKT với ông Hùng Giám đốc Công ty 6.3.

Hiện trường khai thác cát tại mỏ cát 6.3.

Khi chúng tôi hỏi, hợp đồng mua bán bị tranh chấp thì kiện ra tòa, rồi đòi tiền lại, sao lại bất chấp khai thác vậy? Ông Vỹ cho hay, do thời hạn khai thác mỏ của Công ty 6.3 chỉ còn có mấy tháng nữa, nếu kiện ra tòa thì sẽ không kịp, đến lúc đó cát đâu còn mà khai thác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Năm, Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết, trên địa bàn xã trước đây có 3 mỏ cát, đến nay đã có 2 mỏ hết hạn, chỉ còn lại 1 mỏ của Công ty 6.3. Công tác quản lý về khoáng sản thực sự phức tạp, xã chỉ theo dõi và báo cáo lên cấp trên, cấp xã không có thẩm quyền xử lý.

“Xã thật sự không quản lý nổi, chưa nói hút cát gây sạt lở đất hoa màu của bà còn làm bà con than vãn. Mong mỏ Công ty 6.3 kết thúc, xã sẽ kiến nghị không gia hạn nữa”- ông Năm cho hay.

Điều đáng nói, trên giấy phép khai thác mỏ có ghi rõ công suất khai thác, vậy trước khi khai thác, chủ mỏ phải đăng ký số lượng phương tiện khai thác tương ứng với công suất được cấp phép. Vậy nhưng Công ty Hoàng Ân đã tăng thêm phương tiện khai thác trong thời gian dài mà chính quyền địa phương lại không có phản ứng gì.

Phải chăng, việc thành lập đoàn đi kiểm tra chỉ là để làm báo cáo cho xong. Đoàn kiểm tra vừa rời đi thì mọi chuyện đâu lại vào đấy, hoạt động hút cát trái phép Công ty Hoàng Ân lại tiếp diễn như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Ngoài ra, việc khai thác cát của ông Xuân hay Công ty Hoàng Ân không được Công ty 6.3 xuất hóa đơn giá trị gia tăng, vậy gần một năm qua, Công ty Hoàng Ân đã khai thác, mua bán trữ lượng cát lớn ra ngoài như thế nào? Dư luận đặt ra câu hỏi bằng cách nào Công ty Hoàng Ân có thể “lách” được các hóa đơn, chứng từ liên quan đến thuế GTGT, thuế Tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.. trong hoạt động kinh doanh, khai thác cát tại bến thủy nội địa Hoàng Ân 1 trong gần một năm qua? Câu hỏi này rất cần được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

VÕ HÀ