Cùng lắng lòng trong Văn chiêu hồn mùa Vu Lan ở Bảo tháp Tây Thiên
Được coi là một trong những lễ lớn nhất của Phật giáo, Lễ Vu Lan báo diễn ra từ ngày 1/7 đến hết ngày rằm - 15/7 âm lịch hằng năm. Dù đường xa, nắng nóng, nhiều đoàn Phật tử và người dân từ nhiều tỉnh thành vẫn hành hương về Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) dự lễ Phả độ gia tiên cử hành theo nghi thức Phật giáo Kim Cương thừa (cầu siêu quán đỉnh Di Đà Jangwa).
Lễ rước bài vị cửu huyền thất tổ vi nhiễu Bảo Tháp. |
Lễ Phả độ gia tiên cầu siêu mùa Vu lan năm nay có những điểm mới và đặc biệt hơn khi Nhà chùa lần đầu tiên đưa vào chương trình phần đại lễ cung Rước bài vị chư hương linh. Mỗi bài vị có in hình lọng báu biểu tượng cát tường phổ độ của chư Phật, mặt sau được đóng dấu triện 3 chủng tử giác ngộ Thân Khẩu Ý, bên trên là chữ chủng tử Shri (tâm chân ngôn Đức Phật A Di Đà).
Bài vị chư hương linh được an vị tại khuôn viên nhà Mandala Phật Quan Âm (kiến lập bằng nhiều loại đá quý). |
Theo đó họ tên, họ tộc của chư hương linh do người dự lễ tự tay viết vào bài vị, rồi thành kính cung rước các bài vị này nhập đoàn vi nhiễu theo đường tròn quanh ngôi Tháp. Trong nghi thức này, chư hương linh được quy y rồi an vị trong lọng báu che chở của chư Phật, cùng thực hành vi nhiễu cúng dàng Bảo tháp thể nhập cảnh giới Tịnh độ giải thoát Mandala
Được biết lễ cung rước bài vị cửu huyền thất tổ nhập Mandala, vi nhiễu Bảo tháp cũng chính là một pháp tu thiện xảo đem lại công đức không thể nghĩ bàn cho chư hương linh. Theo Mật điển, Đại Bảo tháp - biểu tượng Pháp thân Phật - chính là cảnh giới Mandala, nơi vân tập của hải hội chư Phật, là cảnh giới Tịnh độ giải thoát. “Sự thực hành tại thánh địa linh thiêng, cộng hưởng với công đức vi nhiễu Đại Bảo Tháp và tâm chí thành của tất cả Phật tử tham dự, là yếu tố giúp cho chư hương linh được siêu độ giải thoát” - Ni sư Trụ trì Bảo tháp kiến giải.
Đàn lễ Mông Sơn Thí thực đặc biệt lớn với rất nhiều phẩm vật cúng. |
Làm “sống dậy” Văn tế chiêu hồn thập loại chúng sinh
Cùng với đó tại khuôn viên đường nhiễu Bảo tháp, một đàn lễ Mông Sơn Thí thực đặc biệt lớn (chuyên dành cúng thí cho vong hồn) đã được chư Ni công phu kiến lập đồng thời hướng dẫn Phật tử cùng thức xuyên đêm tới sáng bày biện phẩm vật để hoàn thành kịp thời gian hành lễ.
Cúng đèn hoa đăng. |
Khóa lễ cầu siêu phả độ gia tiên càng trở nên linh thiêng kết nối, chạm mạnh vào tâm cảm người dự khi Ni sư Bảo tháp nhất tâm hòa giọng khấn, xướng lên những áng Văn chiêu hồn: “Phật hữu tình từ bi phổ độ/Chớ ngại rằng có có không không/Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng/Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài.”
Văn tế thập loại chúng sinh còn gọi là Văn chiêu hồn một kiệt tác bất hủ của Đại thi hào Nguyễn Du từ thế kỷ 19 vốn đã thành di sản văn hóa tinh thần nhân loại. Văn chiêu hồn hòa quyện cùng tiếng mõ, lời kinh cúng các loại cô hồn theo nghi thức văn hóa Phật giáo với mục đích cho các cô hồn được ăn uống, thoát đói khổ, thanh thoát siêu sinh về Cực lạc.
Phật tử cúng đèn nhiễu Tháp. |
Phật giáo quan niệm chết là một giai đoạn “sống mới” chỉ bằng tâm thức, người đã mất có chỉ số tần sóng thấp, đối với các vong linh mang nhiều tội nặng không siêu thoát lại càng thấp hơn. Họ cần phải nương tựa vào một đàn lễ cầu siêu lớn với sự hợp tâm hợp lực thiền định triệu thỉnh, cầu nguyện của chư Tăng, người thân và đàn lễ, giúp tạo ra tần sóng mạnh tích cực đẩy tần sóng của chư hương linh lên, mở đường rẽ lối cho họ hoà nhập với tần sóng chư Phật để được siêu thoát.
Phật tử tình nguyện viên soạn sửa bài vị cầu trong lễ Phả độ gia tiên. |
“Nghi thức rước bài vị cửu huyền thất tổ nhập Mandala cùng âm giọng khấn tụng Văn chiêu hồn của Sư thầy trong đàn lễ khiến tôi xúc động mạnh. Nghe Thầy giảng tôi hiểu về ý nghĩa buổi lễ, có niềm tin sâu về sự siêu sinh cho cửu huyền thất tổ của mình… ”, bạn Trần Thị Ngọc Yến (Tp HCM) chia sẻ.
Phật tử tụng bài kệ phóng sinh, mang lại sự sống và quy y cho những sinh vật. |
Cũng như Yến cô bạn trẻ lần đầu tiên đến Bảo tháp, chị Mai Thu Hằng, Pháp danh Diệu Tú cùng nhóm Phật tử Đạo tràng Niệm Phật Đường tại Matxcova (nước Nga) vô cùng hoan hỉ khi về thăm quê hương dịp Vu lan lại đủ duyên dự lễ cầu siêu phả độ gia tiên tại Trụ xứ tu tập.
“Trong cuộc đời này, không ai chúng ta không được ân hưởng bốn ân sâu, đó là: Đó là: Ân Cha Mẹ, Ân Sư Trưởng, Ân Thí Chủ, Ân Đất Nước…, tôi ghi sâu lời giảng của Thầy. Chúng tôi đồng tâm nguyện cầu siêu thoát cho hương linh những bậc có công với đất nước, anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn trên khắp đất nước Việt Nam” - chị Hằng nói.