Ô tô nhập khẩu tăng đột biến

Lượng xe nhập khẩu về Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu khôi phục trở lại sau khi nhiều doanh nghiệp vượt cửa Nghị định 116 để đưa xe về nước.

Trước đó, Nghị định 116 có hiệu lực từ 1/1/2018 yêu cầu xe hơi muốn nhập khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định như phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài; doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô là phải có cơ sở vật chất như nhà xưởng sản xuất, dây chuyền công nghệ lắp ráp, dây chuyền hàn, sơn và kiểm tra chất lượng…

Một số hãng xe đánh giá đây là nguyên nhân chính cản đường về Việt Nam của xe nhập khẩu, khiến lượng xe vào thị trường giảm mạnh trong nửa đầu năm.

Sau khi sụt giảm mạnh về số lượng xe nhập khẩu, chỉ với hơn 1.000 xe thông quan (tổng giá trị đạt 26,9 triệu USD) trong tuần đầu tháng 7/2018, thì ngay sau đó, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu đã tăng gấp đôi.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tuần qua (từ ngày 13/7/2018 đến ngày 19/7/2018) số lượng nhập khẩu về Việt Nam đạt 2.040 chiếc tương ứng tổng trị giá đạt 39,9 triệu USD.

Sau khi bất ngờ bị Indonesia “soán ngôi” đầu bảng cung cấp nguồn xe nhập khẩu vào thời điểm trước, đợt hàng này, Thái Lan đã lấy lại sự áp đảo, với tương ứng 1.529 xe (gấp gần 10 lần so với tuần trước đó), chiếm 75% tổng xe thông quan.

Ở vị trí thứ 2 là xe xuất xứ Indonesia là 282 xe, chiếm 14% tổng xe. Trong khi đó, chỉ có khoảng 94 xe (chiếm 5%) và 74 xe (chiếm 4%) đến từ các quốc gia là Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Đáng chú ý, lượng ô tô con nhập về Việt Nam tuần qua nhiều kỷ lục trong năm 2018, với 1.535 ô tô từ 9 chỗ trở xuống cập cảng, chủ yếu tại TP. HCM và Hải Phòng. Trong đó, 1.059 xe từ Thái Lan và 282 chiếc từ Indonesia. Gần một nửa lượng xe còn lại có xuất xứ từ Mỹ (93 chiếc).

Ở phân khúc xe du lịch từ 9 chỗ trở xuống, đã có thêm hơn 280 chiếc được nhập khẩu từ Indonesia, số xe này chủ yếu của Toyota Việt Nam với những dòng xe đáng quan tâm như Wigo, Rush hay Avanza, Fortuner.

Mặc dù lượng xe nhập khẩu thông quan tăng đột biến, khiến người tiêu dùng hi vọng kịch bản để cạnh tranh, xe lắp ráp sẽ giảm giá. Tuy nhiên, ngay đầu quý II, một số hãng xe đã tăng giá sản phẩm.

Động thái này cho thấy sự bất ổn về giá trên thị trường sẽ tiếp diễn trong khoảng từ giờ đến cuối năm.

Tổng sản lượng của thị trường ô tô Việt Nam từ đầu năm đến nay. Nguồn: VAMA

Cơ hội cho thị trường ô tô Việt Nam

Hiện nay, hàng loạt hãng ô tô đã chuyển từ nhập khẩu sang sản xuất, lắp ráp nhiều mẫu xe tại Việt Nam nhằm tận dụng các ưu đãi về thuế quan.

Hai cái tên doanh nghiệp ô tô được nhắc đến nhiều về sự bứt phá trong thời gian qua là Trường Hải (Thaco) và VinFast. Với sự đầu tư bài bản, cả Thaco lẫn VinFast cùng quyết tâm tăng tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng để cạnh tranh với xe các nước trong ASEAN khi thuế xuất nhập khẩu ô tô nội khối về 0%.

2/9/2017, VinGroup đã nhập cuộc chơi với thương hiệu VinFast. Dự án được đặt tại KCN Đình Vũ, Hải Phòng, tổng mức đầu tư đến 3,5 tỷ USD, với tham vọng sau 2 năm sẽ cho ra mắt chiếc xe ô tô VinFast “made in Viet Nam”.

140 ngày sau đó, ngày 18/1/2018, VinGoup công bố đã hoàn tất hợp đồng sản xuất mẫu xe với nhà thiết kế Pininfarina đồng thời mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW nhằm phát triển sản xuất.

“Tất cả là nhằm mang đến cho khách hàng những sản phẩm không chỉ đảm bảo chất lượng, an toàn mà còn có những tiện ích, công nghệ lái hấp dẫn không thua kém các dòng xe đẳng cấp cao trên thế giới”, đại diện VinFast cho biết.

Hai chiếc xe mẫu Sedan và SUV (phát triển dựa trên hai thiết kế được người tiêu dùng Việt bình chọn nhiều nhất hồi tháng 10/2017) sẽ ra mắt công chúng vào tháng 10/2018 tới đây tại triển lãm Paris Motorshow 2018.

Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, Vinfast còn tham vọng sẽ tấn công ra thị trường quốc tế. Đại diện Vinfast cho biết hãng sẽ bắt đầu tiếp nhận các đơn hàng từ đầu năm 2019, tiến tới xuất khẩu xe ra nước ngoài.

Với mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% cho xe con và hướng đến xuất khẩu sang các nước ASEAN được đặt ra, Thaco sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cấp các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô đồng thời với việc liên doanh sản xuất linh kiện, phụ tùng.

Hiện tại, Thaco là một trong 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (theo báo cáo của VNR500 năm 2017), trong khi đó các kế hoạch đầu tư của VinFast được cho sẽ tạo cú hích cho ngành ô tô Việt Nam.

Cuộc chiến nửa cuối 2018 sẽ biến động so với kịch bản của 6 tháng đầu năm. Xe nhập khẩu ồ ạt đổ bộ, nhiều mẫu xe “hot” quay lại và một loạt cái tên mới gia nhập thị trường.

Nguyễn Ngân