ISSN-2815-5823
Thứ năm, 04h27 28/04/2022

Đánh giá thực tiễn và nghiên cứu khoa học cho tiềm năng điện gió ngoài khơi

(KDPT) – Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới đây của Bộ Công Thương trình Chính phủ, ngành điện đặt ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây sẽ là cơ hội cho ngành điện gió ngoài khơi phát triển.

Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất các nước của khu vực.

Tiềm năng của điện gió, điện gió ngoài khơi

Đứng trước nguy cơ các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang khai thác ngày càng cạn kiệt, thâm hụt, Chính phủ Việt Nam đã quyết định sử dụng và thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhiều hơn nữa, trong đó, phải kể đến năng lượng gió. Với nhiều chính sách ưu đãi, nhưng đến nay, năng lượng gió vẫn phát triển một cách khiêm tốn.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năm gió lớn nhất trong bốn nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65 m, tương đương công suất 512 GW. Theo một đánh giá, tiềm năng gió của Việt Nam ở độ cao 65 m đạt gần 500 MW/ km2.

Còn theo nghiên cứu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về “Đánh giá tài nguyên gió cho sản xuất điện (2007)”, đã xác định được các điểm thích hợp cho sản xuất điện gió tương đương, với công suất 1.785 MW. Trong đó, miền trung có tiềm năng gió lớn nhất với 880 MW, tập trung chủ yếu tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định, tiếp đến là miền nam, với hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Hiện nay, trên cả nước có gần 50 dự án về điện gió đăng ký với tổng công suất gần 500 MW. Tuy nhiên, các dự án đã đi vào vận hành còn chưa nhiều, chỉ có bảy dự án đang vận hành với tổng công suất 190 MW. Tiêu biểu có thể kể đến các dự án như: Tuy Phong – Bình Thuận, Phú Lạc, Mũi Dinh, Bạc Liêu, Đầm Nại… Số còn lại đang triển khai khá chậm, nhiều trường hợp còn đang trong quá trình xin giấy phép hoặc rơi vào giai đoạn khó khăn của việc tìm nhà đầu tư.

Còn với điện gió ngoài khơi, Việt Nam có tiềm năng khá lớn đối với nguồn điện gió ngoài khơi. Theo World Bank, điện gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu năng lượng gia tăng nhanh chóng và có thể đóng góp khoảng 12% tổng nhu cầu điện của Việt Nam vào năm 2035. Nhiều chính sách đã được đưa ra để thúc đẩy sự phát triển của nguồn điện gió ngoài khơi, nổi bật là chính sách giá FiT. Theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió tại Việt Nam, giá mua điện áp dụng cho các trang trại điện gió ngoài khơi tại điểm giao nhận là 9.8 Uscent/kWh và áp dụng cho toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021, áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Gần đây, dự thảo mới của Bộ Công Thương sẽ áp dụng mức giá 8.47 Uscent/kWh cho các dự án điện gió ngoài khơi vận hành từ tháng 11/2021 đến hết năm 2022, và mức giá 8.21 Uscent/kWh cho các dự án vận hành từ năm 2023. Sau năm 2023, chính sách giá FiT sẽ được thay thế bằng cơ chế đấu thầu. Sự thay đổi của chính sách giá FiT và sự xuất hiện của cơ chế đấu giá sẽ tác động tới sự khả thi về kinh tế của các dự án điện gió ngoài khơi nếu không có sự phát triển công nghệ giúp giảm chi phí của nguồn điện này.

Còn nhiều khó khăn

Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu tập trung vào việc đánh giá tiềm năng kinh tế của điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Tiềm năng kinh tế của nguồn có thể biến động theo thời gian do sự phát triển của công nghệ và sự thay đổi chính sách.

Dù được nhiều kỳ vọng phát triển, song hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết về việc cho phép khối tư nhân đầu tư lưới truyền tải điện. Các nhà phát triển dự án cho rằng những quy định rõ ràng hơn trong vấn đề này sẽ giúp họ đưa ra quyết định đầu tư toàn bộ hoặc một phần vào xây dựng đường dây/nâng cấp lưới điện với sự hợp tác chặt chẽ với đơn vị vận hành để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo các dự án có thể được thực hiện đúng thời hạn.

Sự chậm trễ trong xây dựng và kết nối lưới điện, tính bất định trong việc bắt buộc cắt giảm công suất phát do cơ sở hạ tầng và quản lý nhu cầu chưa đủ đáp ứng có thể trở thành rủi ro lớn đối với nhà phát triển, khiến họ trì hoãn cam kết cho đến khi có thêm sự chắc chắn trong quá trình thực hiện.

Theo các chuyên gia năng lượng, thông thường, điểm đấu nối của một dự án điện gió ngoài khơi được đặt càng gần với điểm kết nối lưới điện trên bờ càng tốt. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được và chiều dài cáp trên bờ tính từ nơi tiếp xúc đất liền cho đến trạm biến áp trên bờ có thể khá lớn.

Để khắc phục vấn đề này, các nhà phát triển có kinh nghiệm có thể xem xét đầu tư xây dựng, nâng cấp một phần của hệ thống truyền tải điện cao thế. Điều này có thể đảm bảo việc nâng cấp kịp thời và hiệu quả hơn để nâng cao khả năng truyền tải của lưới điện khu vực, củng cố hệ thống, giảm thiểu rủi ro và tránh việc cắt giảm công suất điện…

Theo Cử nhân Nguyễn Phương Thảo, (Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), phát triển các nguồn điện gió ngoài khơi ở Việt Nam chỉ đang trong giai đoạn đầu của việc nghiên cứu và khai thác. Do đó, đánh giá tiềm năng của nguồn là bước quan trọng trong hoạch định chính sách và định hướng đầu tư. Kết quả nghiên cứu cho thấy tiềm năng kinh tế trước năm 2030 thấp nhưng phát triển mạnh vào giai đoạn 2040 – 2045 dựa trên sự phát triển công nghệ, giúp giảm chi phí đầu tư và cải thiện hệ số công suất. Chính sách giá FiT giữ vai trò quan trọng trong phát triển điện gió ngoài khơi. Để đảm bảo việc khai thác nguồn điện gió ngoài khơi phù hợp với cơ cấu nguồn trong quy hoạch điện VIII, giá FiT trong thực tế cần thấp hơn mức giá trong kịch bản trước năm 2030 và cao hơn giá FiT trong những kịch bản của giai đoạn 2035 – 2045.

Để thúc đẩy sự phát triển điện gió ngoài khơi, Chính phủ nên xây dựng một lộ trình dài hạn cho giá FiT áp dụng cho điện gió ngoài khơi, khi xem xét một cách kỹ lưỡng các xu thế thay đổi chi phí và hệ số công suất. Thứ hai, cần xây dựng biểu giá FiT phân biệt dựa theo loại móng và vị trí đặt trang trại điện gió, để thúc đẩy sự phát triển đa dạng các loại hình điện gió ngoài khơi.

Theo các chuyên gia, việc phát triển điện gió ngoài khơi là phù hợp với định hướng phát triển bền vững kinh tế biển theo nội dung Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám BCH TW Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ Ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; nhất là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 đưa ra mục tiêu giảm phát thải ròng Cacbon bằng 0 vào năm 2050…

Tuy nhiên, tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ chưa quy định về hồ sơ, tài liệu; chưa quy định về trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết việc chấp thuận, … dẫn đến còn lúng túng cho cả cơ quan nhà nước khi giải quyết và tổ chức, cá nhân; còn có cách hiểu khác nhau trong quá trình giải quyết đề xuất của một số tổ chức có yếu tố nước ngoài, tổ chức nước ngoài.

Ngoài ra, còn một số vướng mắc như chưa có quy định cụ thể về diện tích khu vực đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Thông tư số 02/2019/TT-BCT: “Diện tích này chỉ được phép sử dụng cho các hoạt động khảo sát, nghiên cứu như xây dựng cột đo gió, khảo sát địa chất, địa hình” do tổ chức, cá nhân đề xuất và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được nêu tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư số 02/2019/TT-BCT.

Mặt khác, thực tế cho thấy, nhiều đề xuất của tổ chức, cá nhân có diện tích khảo sát lên đến hàng nghìn ha và có vị trí xa bờ là khó khăn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động trong trường hợp chấp thuận khi tổ chức, cá nhân thực hiện đo gió, khảo sát địa chất, địa hình ngoài khơi.

Bộ TN&MT đã báo cáo và được cấp có thẩm quyền đồng ý chủ trương sửa đổi Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển và quy định liên quan khác, sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện gió ngoài khơi phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần có các chính sách quốc gia về điện gió ngoài khơi; sớm xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển điện gió ngoài khơi; có quy hoạch không gian biển cho phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam đi kèm với Chiến lược quốc gia về Phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và các năng lượng biển khác.

QUANG MINH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/09/2024