ISSN-2815-5823

Đạo Trù (Tam Đảo, Vĩnh Phúc): Cần làm rõ trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý, đầu tư xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường

(KDPT) – Trang trại lợn được đầu tư xây dựng trái phép, kinh doanh trên đất lâm nghiệp, hàng ngày xả chất thải xuống đập chứa nước làm ô nhiễm môi trường sống của người dân. Thế nhưng chính quyền cấp xã lại thờ ơ trong việc xử lý để trang trại vẫn vô tư xả thải gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Người dân nơi đây đang đặt ra câu hỏi: “Liệu chính quyền có làm ngơ để hoạt động sai phép ngang nhiên diễn ra mà bỏ qua quyền lợi chính đáng về cuộc sống và sức khỏe của người dân hay không?” câu hỏi này ai sẽ là người phải trả lời?

Tòa soạn KD&PT đã có bài phản ánh về trang trại chăn nuôi lợn của ông Thái Minh Tâm xây dựng trái phép và xả thải gây ô nhiễm môi trường tại thôn Phân Lân, xã Đạo Trù, tỉnh Vĩnh Phúc. Tòa soạn liên tục nhận được ý kiến phản hồi bức xúc của người dân địa phương về thái độ “dửng dưng” của một vài lãnh đạo địa phương trong việc xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm này. Hồ Phân Lân có diện tích và lưu lượng trữ nước lớn phục vụ cung cấp nước sản xuất cho 3 thôn gồm: Phân Lân Thượng, Phân Lân Hạ và Tân Tiến. Vậy nên việc đảm bảo an toàn và vệ sinh mặt nước là yếu tố then chốt cho hàng nghìn hộ dân tại 3 thôn. Thế nhưng, tất cả những gì mà người dân nhận được chỉ là những biên bản làm việc và “ghi nhận” của Ủy ban nhân dân suốt thời gian dài.

Lượng bèo dày đặc trên Hồ Phân Lân Thượng có thể gây tắc nghẽn trong quá trình tiêu thoát nước lũ và ảnh hưởng đến công năng tưới tiêu của hồ.

Sự mập mờ trong biên bản làm việc và báo cáo của ủy ban nhân dân xã Đạo Trù

Ngày 22/07/2020 UBND xã Đạo Trù, Xí nghiệp thủy lợi Vĩnh Thành có biên bản làm việc với hộ ông Thái Minh Tâm về việc người dân đề nghị xử lý việc xả thải gây ô nhiễm từ trang trại lợn. Trong nội dung biên bản khẳng định: “phía tây chuồng lợn, đầu trên cạnh đồi bạch đàn đang san lấp… chuồng lợn của gia đình hộ ông Tâm đang có nước rò rỉ chảy xuống hồ….tạo thành vệt, rãnh, có mùi hôi thối, một phần nước chuyển màu đen”. Điều này thể hiện rõ, trang trại đã tồn tại từ thời điểm đó và ô nhiễm đã xảy ra từ tháng 07/2020.

Biên bản kiểm tra thể hiện đã có trang trại lợn của ông Tâm hoạt động và xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên,ngày 13/10/2020 tại biên bản kiểm tra thực địa và ngày 19/10/2020 Báo cáo giải quyết ý kiến kiến nghị của người dân. UBND xã Đạo Trù lại báo cáo: “không có tình trạng san đồi lấn lòng hồ, xây dựng trang trại…” mà chỉ thừa nhận việc: “nước hồ chuyển màu đen,bốc mùi hôi thối.” Vậy trang trại được xây quy mô, kiên cố trước đó kiểm tra xây dựng trên đất gì? và có thể tự nhiên “chồi lên” và “chui xuống” khi cần ở quả đồi trên mặt hồ hay sao? Có phải chi tiết “trang trại xây cạnh mặt hồ” làm biến đổi địa chất của đất và ảnh hưởng nguồn nước “vô tình không được nhắc tới” trong bản báo cáo?

Điều này có phải lại làm tăng lên sự nghi ngờ về tính minh bạch của cơ quan quản lý trực tiếp, đang dần quên đi lợi ích sống của nhân dân xung quanh khu vực ô nhiễm.

Trên chỉ đạo, dưới “làm ngơ”

Ngày 24/12/2020, UBND huyện Tam Đảo ra văn bản số 2496 về việc kiểm tra, rà soát, ngăn chặn, xử lý các tổ chức cá nhân xả thải ra hồ Phân Lân. Giao cho UBND xã Đạo Trù kiểm tra xử lý và lập hồ sơ báo cáo lên UBND khi vượt thẩm quyền và báo cáo về UBND huyện trước tháng 3-2021.

Tuy nhiên, đến tháng 8/2021 UBND xã Đạo Trù mới chỉ dừng lại ở “biên bản kiểm tra” để rồi vẫn chỉ đưa ra được một kết luận: “trang trại xả chất thải chăn nuôi (khối lượng lớn) vào hồ.”

Trang trại lợn rất gần khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân nơi đây

Suốt một quãng thời gian dài, người dân thì đang mòn mỏi mong chờ cơ quan chức năng mà cụ thể là chính quyền địa phương cấp xã vào cuộc để giải quyết việc ô nhiễm mà người dân phải chịu. Vậy mà lãnh đạo cấp xã lại tỏ ra thờ ơ trước thực tại, những việc làm chỉ như “đánh trống bỏ dùi” làm cho người dân mất niềm tin vào người thực thi pháp luật. Và một điều lạ là trong suốt quá trình khai thác thông tin, PV đã đề nghị phía Ủy ban cung cấp giấy tờ cho thấy sự sát sao, nghiêm túc trong việc quản lý như giấy tờ xây dựng trang trang trại, đánh giá tác động môi trường, cam kết môi trường thì hoàn toàn không nhận được bởi vì theo vị Chủ tịch xã thì “trang trại đó không có những cái đó”. Điều đó cho thấy những nghi ngờ của người dân về tính minh bạch, và sự thiếu trách nhiệm buông lỏng quản lý gây ô nhiễm môi trường là có cơ sở.

Cũng phải nói thêm để những vị lãnh đạo chính quyền thấy được tầm quan trọng của hồ Phân Lân đối với người dân địa phương, đó là năm 2013 hồ bị tràn và vỡ đã khiến hàng nghìn hộ dân sống xung quanh và dọc dòng chảy của hồ bị ảnh hưởng, thiệt hại lớn về tài sản nuôi trồng. Tỉnh Vĩnh Phúc đã mất nhiều công sức để xây dựng lại và duy trì nguồn nước đảm bảo an toàn và phát triển kinh tế cho người dân nơi đây. Vậy đừng để “trách nhiệm” của chính quyền cấp xã bị quên lãng mà đi ngược lại với chủ trương và sự lãnh đạo của tỉnh.

Nguyễn Quang – Ngọc Ánh

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024