Đầu tư cổ phiếu nên có chiến lược ra sao để không sợ “nhỡ sóng”?
Hàng loạt cổ phiếu tăng giá sau phiên điều chỉnh
Sau phiên điều chỉnh mạnh diễn ra vào cuối tuần trước (24/5), thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục trở lại trong 2 phiên đầu tuần (27 và 28/5). Theo đó, chỉ số VN-Index đã lấy lại toàn bộ số điểm đã mất trong phiên thứ Sáu tuần trước, cùng với đó là hàng trăm cơ hội tăng giá cổ phiếu.
VN-Index trở lại vùng kháng cự 1.280-1.290 điểm, tuy thay đổi không nhiều về mặt điểm số, nhưng giá trị vốn hóa của sàn HoSE tăng nhẹ 2.839 tỷ đồng, lên ngưỡng 5,22 triệu tỷ đồng. Đây là hệ quả từ việc nhiều cổ phiếu bluechip có diễn biến giá tích cực trong 2 phiên vừa qua.
Thống kê cho thấy, so với mức giá đóng cửa ngày 24/5 trước đó, rổ VN30 đã có 7 mã tăng giá trên 2,5%, trong đó, POW của Power có trạng thái tốt nhất với 9,7%, theo sau đó là BVH với 5,38% và SAB là 5,17%. Với phiên tăng kịch trần ngày 27/5 vừa qua, cổ phiếu POW đã thu hút sự quan tâm của dòng tiền và tiếp tục đi lên gần 3% trong phiên sau đó. Các mã còn lại tăng 2- 4% là GVR, FPT, GAS, MSN.
Tuy nhiên, tỷ lệ tăng của các cổ phiếu bluechip trên vẫn còn khá khiêm tốn nếu so với nhóm vốn hóa vừa và lớn khác trên thị trường trong 2 phiên vừa qua. Trên các diễn đàn, hội nhóm về chứng khoán, nhiều nhà đầu tư, môi giới vui vẻ chia sẻ rằng phiên điều chỉnh cuối tuần trước như “phát quà” cho nhà đầu tư với hàng trăm cơ hội sinh lời.
Thống kê trên sàn HoSE ghi nhận 111 cổ phiếu tăng giá so với mức giá đóng cửa của cuối tuần trước, tương đương khoảng 27% tổng số mã (410). Trên sàn HNX, cố cổ phiếu niêm yết đóng cửa cao hơn phiên 24/5 là 53 mã. Sàn UPCoM cũng có số mã tương tự. Tổng kết, thị trường có hơn 200 cổ phiếu tăng giá so với chốt phiên ngày 24/5.
Trong đó, hàng chục cơ hội tăng giá trên 10%, gấp hơn 2 lần lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng đang được các ngân hàng Big4 niêm yết.
Với biên độ giá rộng hơn, tỷ lệ tăng giá của các mã dẫn đầu sàn HNX và UPCoM cao hơn đáng kể sàn HoSE. Trong đó, mã MCM của Mộc Châu Milk dẫn đầu với tỷ lệ tăng khoảng 28% sau thông tin đã được chấp thuận niêm yết trên sàn HoSE.
Trên sàn HNX, nhiều mã cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tăng giá trên 10% có thể kể đến như HMR, SHE, TFC, PVI. Tuy nhiên, đáng chú ý phải kể đến 3 mã “họ Apec” là APS, API và IDJ với mức tăng lần lượt 20,55%, 20,21% và 19,4%.
Còn trên sàn HoSE, 3 cái tên tích cực là CCL, VIP và PSH cùng đóng cửa với mức tăng kịch biên độ trong 2 phiên đầu tuần. Ngoài ra, TV2, HVN, VDS cũng ghi nhận mức tăng trên 10%.
Ngoài ra, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có mức giá đóng cửa cao hơn 11,16% so với cuối tuần trước sau khi tăng kịch trần vào ngày 28/5. Hiện tại, thị giá của HVN đạt 27.000 đồng/cp, gấp đôi so với thời điểm cuối tháng 3/2024 và cao nhất trong gần 2 năm trở lại đây. Hay như cổ phiếu TV2 cũng thiết lập mức giá mới kể từ khi niêm yết trên HoSE. Nhiều trường hợp khác cũng trong trạng thái tương tự như NTL, CTS, PVT, FPT, LPB.
Nhà đầu tư nên có chiến lược ra sao?
Việc thị trường chứng khoán tăng trên biên độ rộng ở nhiều nhóm ngành cũng như nhiều nhóm cổ phiếu được đánh giá là một tín hiệu tích cực. Những nhà đầu tư giải ngân cuối tuần trước khi thị trường rung lắc đã thu được thành quả khi cổ phiếu đã về tài khoản, có thể hiện thực hóa lợi nhuận.
Tuy nhiên, với diễn biến giá như trên sẽ xuất hiện tâm lý “chim sợ cành cong”, nhiều nhà đầu tư tỏ ra phân vân, không biết nên giải ngân hay đứng ngoài quan sát và mua vào trong nhịp điều chỉnh sau đó.
Khối phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, thị trường chứng khoán vẫn đang duy trì những vị thế ngắn hạn tốt đối với các mã chưa hồi phục nhiều và phù hợp với các vị thế ngắn hạn. Theo đó, các nhà đầu tư ngắn hạn đã giải ngân dựa theo khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hoặc canh thời điểm chốt lãi dần với các cổ phiếu đã đạt mục tiêu, đồng thời hạn chế việc mua đuổi.
Đồng quan điểm, báo cáo phân tích của Chứng khoán Yuanta cũng đưa ra quan điểm, nhà đầu tư ngắn hạn có thể vẫn nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức khoảng 40-45% danh mục và hạn chế mua mới khi cơ hội ngắn hạn vẫn còn thấp cũng như nhiều cổ phiếu đã có mức sinh lời cao.
Dưới góc nhìn lạc quan hơn, Agriseco Research kỳ vọng về khả năng thị trường có thể xuất hiện một nhịp bứt phá. Việc dòng tiền tìm đến nhóm vốn hóa lớn chính là cơ sở để tin rằng VN-Index có thể sớm vượt mốc 1.300 điểm. Công ty chứng khoán này cho rằng, VN-Index sẽ có xu hướng sideway up trong các phiên sắp tới dù áp lực bán có thể dần tăng trong quá trình đi lên của chỉ số. Do đó, các nhà đầu tư được khuyến nghị nên gia tăng tỷ trọng các vị thế giao dịch khi VN-Index lùi về vùng hỗ trợ.
Còn theo chuyên gia đến từ Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, từ nay đến cuối năm, mặc dù thị trường có thể đón nhận một vài nhịp rung lắc, nhưng áp lực bán từ khối ngoại được kỳ vọng sẽ giảm mạnh, dòng tiền cá nhân trong môi trường lãi suất thấp sẽ chiếm chủ đạo, xu hướng chính cho thị trường vẫn là tăng giá, việc quan trọng là nhà đầu tư cần tập trung vào lựa chọn nhóm ngành và cổ phiếu.
Vị chuyên gia nhìn nhận, dòng tiền đã có xu hướng dịch chuyển khỏi nhóm ngân hàng tăng mạnh từ đầu năm, sang một số ngành tăng trưởng về kết quả kinh doanh như công nghệ, bán lẻ, khu công nghiệp... giúp cổ phiếu của các ngành này đang đạt mức cao nhất trong nhiều năm, thậm chí ở vùng cao lịch sử./.
- Một kênh đầu tư sinh lời cao đang được nhà đầu tư quan tâm trở lại
- Rung lắc không quá bi quan, nhà đầu tư tận dụng cơ hội đón "sóng" luân chuyển nhóm ngành
- Có tiền nhàn rỗi không biết đầu tư vào đâu, vợ chồng trẻ vay thêm 1 tỷ đồng mua nhà để ổn định cuộc sống