Đẩy mạnh kết nối nguồn lực trí thức Việt Nam trên toàn thế giới
Hiện nay, với khoảng 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được trẻ hóa và có trình độ cao. Đây là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Nằm trong khuôn khổ hoạt động của Ban điều hành Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2024" (Đề án 844) và triển khai thoả thuận hợp tác giữa Ban điều hành Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ) với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) về hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hoá nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hội thảo "Kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu" đã kêu gọi các chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia vào các hoạt động cố vấn và đổi mới sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hội thảo là cơ hội để tổng kết các thành tựu của chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu (GMVP), một sáng kiến hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao, qua đó, liên kết các mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế cùng Chiến lược dữ liệu quốc gia, thúc đẩy các chính sách hỗ trợ cho nhân tài và chuyên gia trong GMVP từ cơ sở dữ liệu toàn dân.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Đông - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: “Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu được tiến hành trong 3 năm qua trong bối cảnh hết sức khó khăn, vô vàn thử thách, đặc biệt là đại dịch COVID-19 làm ngừng trệ hầu như hoàn toàn đời sống kinh tế - xã hội và hàng loạt biến động chính trị, an ninh trên khắp các khu vực làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất. Việc thực hiện chương trình này tưởng chừng như không thể. Tuy nhiên, chúng ta đã có nỗ lực cao độ, tạo nhiều kết quả quan trọng trong việc triển khai Chương trình. Đó là những tiến bộ đáng kể và đáng mừng trong bối cảnh khó khăn nêu trên. Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao vui mừng và tự hào đã cùng đồng hành với Cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành, địa phương, đông đảo bà con kiều bào và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trong nỗ lực chung này. Những kết quả đạt được cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng và những kết quả này cần được phát huy. Đây cũng chính là một trong những kết quả quan trọng dẫn đến Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Khoa học và công nghệ tháng 4/2024 vừa qua.”
Khẳng định vai trò, vị trí của Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường doanh nghiệp Khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, cần phải biến tất cả những tiềm năng thành cơ hội thực sự, kết nối tất cả các nguồn tri thức, chuyên gia với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo sân chơi, và từ sân chơi dẫn đến những kết quả thực chất, những thỏa thuận hợp tác, những bản hợp đồng đem lại lợi ích chung cho tất cả các bên, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và cộng đồng.
Cũng tại Hội thảo, bà Lê Nguyễn Thiên Nga - Chủ trì Đề án Từ chính sách ra cuộc sống, Nghiên cứu trưởng Chiến lược dữ liệu quốc gia chỉ ra một số tiêu chí doanh nghiệp thuộc nhóm dẫn dắt và sự kết nối hiệu quả mô hình liên kết chuyên gia, cố vấn trên diện rộng với không gian xuyên biên giới. Trong khi đó, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT nhấn mạnh đến câu chuyện “trách nhiệm và sứ mệnh” gắn với các chuyên gia, cố vấn, nhất là với người Việt Nam ở nước ngoài cũng như việc Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương có thể chủ động đưa ra các “bài toán khó, hay” dành cho các nhà khoa học hàng đầu. Đồng quan điểm này, từ điểm cầu Australia, ông David Nguyễn - Đại học Macquarie cho rằng, cần có đột phá hơn nữa về tư duy chính sách cũng như giảm bớt thời gian tiến hành các thủ tục hành chính liên quan thủ tục, giấy tờ hợp tác, triển khai trong thực tiễn…
Trong giai đoạn 2021-2023, chương trình đã kết nối 17 chuyên gia giàu kinh nghiệm tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng 20 startup tiềm năng từ nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, chuyển đổi số, IoT, y tế, giáo dục, và nông nghiệp… Các chuyên gia không chỉ mang đến tư duy và tầm nhìn toàn cầu mà còn hỗ trợ các startup Việt tiếp cận thị trường quốc tế, góp phần đưa những giải pháp sáng tạo trở thành hiện thực./.
- Vĩnh Phúc khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024 - “Vĩnh Phúc - tiên phong sáng tạo, khát vọng đổi mới”
- Thị trường thương mại điện tử mang đến lợi nhuận khổng lồ cho người trẻ muốn khởi nghiệp