ISSN-2815-5823
Thứ ba, 03h03 15/09/2020

Để đồ chơi nguy hiểm không còn đường tiếp cận tới trẻ nhỏ

(KDPT) – Một mùa Trung thu lại sắp về, việc có những cửa hàng nhập nhiều loại đồ chơi về phục vụ nhu cầu của trẻ em là điều dễ thấy. Tuy nhiên, với sự đa dạng của nhiều chủng loại đồ chơi, đặc biệt là các loại đồ chơi nguy hiểm sẽ khiến cho việc quản lý buôn bán các loại đồ chơi này gặp nhiều khó khăn.

Mối nguy thấy rõ

Chỉ cần bỏ ra từ vài chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng, là có thể sở hữu những sản phẩm đồ chơi hình súng, lựu đạn đến các viên đạn nhựa… Những sản phẩm đồ chơi bạo lực, nguy hiểm này thậm chí còn được người bán quảng cáo trên mạng xã hội, người mua liên lạc qua nhiều sim điện thoại rác rồi được đưa hàng tận nơi. Mặt khác, dù không công khai nhưng trên các tuyến phố: Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Lược, khu vực chợ Ðồng Xuân hay sạp hàng cạnh các công viên lớn… tại Hà Nội vẫn có thể tìm thấy những đồ chơi bạo lực.

Ðể đối phó với CQCA và lực lượng quản lý thị trường, chủ hàng luôn chuẩn bị sẵn có và sẵn sàng bán chui nếu khách có nhu cầu. Có một điều dễ nhận thấy là, trẻ em thường bị cám dỗ bởi những đồ chơi bạo lực xuất phát từ những trò chơi trực tuyến, truyện tranh, phim ảnh có quá nhiều cảnh bắn, giết… Bên cạnh đó, sự thiếu vắng các trò chơi bổ ích, lý thú và hấp dẫn càng khiến trẻ em dành sự quan tâm vào những loại đồ chơi mang tính bạo lực.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thanh Mai (nguyên giảng viên trường ĐH Văn hóa) thì đồ chơi bạo lực, nguy hiểm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.

Bất kể một loại đồ chơi nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý. Một món đồ chơi thông minh sẽ giúp trẻ vừa giải trí, vừa phát triển trí tuệ. Nhưng những loại đồ chơi bạo lực tác động tiêu cực đến trẻ sẽ ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều.

Bởi đồ chơi là những thứ mà trẻ tiếp xúc, cảm nhận ngay từ những khoảnh khắc đầu đời và có ảnh hưởng lâu dài về sau. Ðồ chơi phải có tính phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ. Nếu để trẻ nhỏ tiếp xúc với những loại đồ chơi mang tính bạo lực: súng, pháo… sẽ tác động sâu sắc đến tính cách của trẻ: tạo nên tính hung dữ, bạo lực.

Súng đồ chơi bằng nhựa bắn đạn được Cục Hải quan Hà Nội thu giữ vào tháng 4 vừa qua. (Ảnh: N.Đăng)

Sự vào cuộc tích cực từ cơ quan chức năng

Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng luôn tích cực để hạn chế tối đa việc buôn bán đồ chơi nguy hiểm cho trẻ em. Mới đây nhất, vào ngày 10-9, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh qua đó phát hiện, lập biên bản thu giữ gần 2.000 đồ chơi nguy hiểm, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Tiếp đó, sáng 11-9, Cảnh sát kinh tế cùng Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát hiện, lập biên bản thu giữ gần 1.000 đồ chơi nguy hiểm. Các chủ cửa hàng khai nhận, biết pháp luật nghiêm cấm hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán đồ chơi nguy hiểm, kích động bạo lực nhưng mong có lợi nhuận cao nên đã mua số lượng hàng hóa đồ chơi trên đem về Thanh Hóa bán trong dịp Tết Trung thu sắp tới.

Trước đó, vào ngày 7-4, tại địa điểm kiểm tra tập trung số 1 Huỳnh Tấn Phát, Chi cục Hải quan Gia Thụy phối hợp với Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Hà Nội) thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa đối với một lô hàng thuộc 3 tờ khai nhập khẩu, được vận chuyển từ Trung Quốc.

Qua kiểm tra, lực lượng hải quan phát hiện có 1.242 khẩu súng đồ chơi bằng nhựa các loại và 144 đồ chơi siêu anh hùng bằng nhựa sử dụng pin có kèm súng đồ chơi bằng nhựa bắn đạn dạng đũa bằng xốp. Theo Chi cục Hải quan Gia Thụy, DN lợi dụng khai báo cùng nhiều loại hàng hóa thông thường không thuộc danh mục hàng cấm nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan.

Theo luật sư Nguyễn Trọng Việt, Đoàn luật sư TP Hà Nội, tại quy định tại điểm b khoản 6 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình nêu rõ: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: … b) Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm”.

NGUYỄN ĐĂNG

Theo link gốc: https://phapluatxahoi.vn/de-do-choi-nguy-hiem-khong-con-duong-tiep-can-toi-tre-nho-209938.html

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/05/2024