ISSN-2815-5823
Ngọc Thiện
Thứ ba, 10h56 25/06/2024

Để thị trường tự định giá vàng

(KDPT) - PGS.TS. Nguyễn Hồng Nga cho rằng, cần lành mạnh hóa thị trường vàng bằng cách xóa bỏ độc quyền, giao lại chức năng định giá cho thị trường, để thị trường đóng vai trò điều tiết dựa trên tín hiệu giá cả và thông tin đáng tin cậy.
Giá vàng trong nước biến động mạnh trong thời gian qua. (Ảnh minh họa)
Giá vàng trong nước biến động mạnh trong thời gian qua. (Ảnh minh họa)

Thời gian qua, thị trường vàng trong nước đã chịu nhiều biến động mạnh. Theo đó, giá vàng thậm chí nhiều lần thay đổi trong ngày. Ở thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển phương thức khi giao cho 4 ngân hàng thương mại (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) cùng với Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) bán vàng theo giá quy định. 

Sau thời gian bình ổn giá, đã xảy ra tình trạng người dân chen chúc mua trực tiếp tại các chi nhánh của những đơn vị trên. Và ở thời điểm hiện tại, cả 4 ngân hàng quốc doanh lẫn SJC đều đồng loạt chuyển từ bán vàng trực tiếp sang bán online.

Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Hồng Nga - Giảng viên cao cấp Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM).

PV: Thưa PGS, về tổng quan, ông có đánh giá như thế nào về thị trường vàng trong nước trong thời gian qua?

PGS.TS. Nguyễn Hồng Nga: Trong thời gian qua qua, giá vàng tại Việt Nam biến động rất lớn. Điều này được chứng minh bởi số liệu về vàng trong 5 năm gần nhất. Nếu tính trong 5 năm đó, giá vàng ở Việt Nam đã tăng gần 80%, trong khi giá vàng thế giới tăng 64%. Trong 6 tháng gần nhất, giá vàng thế giới tăng 13,07%, trong khi đó tại Việt Nam tăng 23,2%. Nếu tính 1 năm gần nhất, giá vàng thế giới tăng 20,75%, còn giá vàng trong nước tăng gần 15%. Ở 30 ngày qua, giá vàng ở Việt Nam giảm 13,6%, trong khi thế giới chỉ giảm 1,32%.

Qua số liệu đó, ta có thể thấy, giá vàng trong nước tăng nhanh hơn và giảm mạnh hơn nhiều so với thế giới. Giá vàng ở Việt Nam đạt đỉnh điểm vào ngày 10/5/2024 với giá 92,4 triệu đồng/lượng, tức hơn 3.000 USD/ounce. Đỉnh giá vàng thế giới cao nhất vào ngày 20/5 là 2.450 USD/ounce. Điều này có nghĩa, giá cao nhất ở Việt Nam cao hơn đỉnh của thế giới tính theo tuyệt đối là 550 USD/ounce và tương đối là 22,45%.

PV: Theo ông, những yếu tố nào khiến giá vàng có những biến động mạnh như vậy?

PGS.TS. Nguyễn Hồng Nga: Theo cá nhân tôi, giá vàng tại Việt Nam biến động mạnh do một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, tình hình kinh tế tại Việt Nam và thế giới còn nhiều khó khăn trong kinh doanh, do vậy người dân muốn cất tài sản của mình vào bản vị vàng - một hàng hóa chưa bao giới lỗi thời trong hàng ngàn năm qua.

Thứ hai, do tâm lý lo sợ lạm phát xảy ra, nhất là có thông tin từ 1/7/2024, tiền lương của công chức tăng khoảng 30%, cộng với việc Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu.

Thứ ba, xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại mà còn leo thang hơn, dẫn tới năng lực sản xuất hàng hóa tiêu dùng giảm sút và sự mất giá của đồng tiền, nhất là đồng Đô la Mỹ - và điều này là có cơ sở. Thay vì cất giữ tài sản bằng USD, người dân mua vàng để cất giữ tài sản.

Thứ tư, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản vẫn còn rất rủi ro, thậm chí có dấu hiệu bong bóng. Do đó, người dân chỉ còn vàng là nơi lưu trú tài sản đáng tin cậy nhất.

Thứ năm, tâm lý của người Việt vẫn cho rằng: Vàng chưa bao giờ xuống giá trong thời gian dài, kéo theo về dài hạn, cất giữ tài sản bằng vàng vẫn là chuẩn mực. Vàng vẫn là vàng, không thế trở thành giấy vụn như chứng khoán và không đóng băng dài hạn như bất động sản.

Thứ sáu, một số biến động trong thời gian qua gây ra tâm lý hoang mang về niềm tin, kéo theo người dân và doanh nghiệp quay về suy nghĩ kinh điển về vàng và bản vị vàng.

Thứ bảy, người xưa có câu "Đục nước thì béo cò". Do vậy, lợi dụng tình hình, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng đưa ra các tín hiệu thông tin làm nhiễu thị trường và người dân hoang mang không có giải pháp nào tin cậy hơn là mua vàng tích trữ.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Nga - Giảng viên cao cấp Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM). (Ảnh: NVCC)
PGS.TS. Nguyễn Hồng Nga - Giảng viên cao cấp Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM). (Ảnh: NVCC)

PV: Ông có nhận xét gì khi hiện tại, 4 ngân hàng quốc doanh và SJC được quyền phân phối vàng ra thị trường? Liệu điều này thực sự có thể giúp bình ổn thị trường vàng?

PGS.TS. Nguyễn Hồng Nga: Việc 4 ngân hàng quốc doanh và SJC độc quyền phân phối vàng là bất thường ở một nền kinh tế thị trường. Bởi, vàng không phải hàng hóa thiết yếu mà Nhà nước cần can thiệp để bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất. Việc cả 5 đơn vị trên đều thuộc Nhà nước, thì coi như thị trường vàng là độc quyền của Nhà nước với 5 cơ sở sản xuất và kinh doanh, mà độc quyền thường có hại cho thị trường, sẽ đặt mức giá cao hơn giá cạnh tranh. Do vậy theo cá nhân tôi, việc giao cho 5 đơn vị Nhà nước độc quyền phân phối vàng, có thể nói vi phạm luật cạnh tranh chống độc quyền với hàng hóa mang tính đầu cơ như vàng. Điều này có thể giúp bình ổn vàng trong ngắn hạn, nhưng dài hạn thì không. Khi đã độc quyền, nhóm này có thể đẩy giá, làm loạn thị trường vàng. 

Ngoài ra, theo tôi, vàng không phải là hàng hóa Nhà nước cần bình ổn giá như những mặt hàng thiết yếu như xăng, điện, nước, gạo, thực phẩm, dược phẩm.

PV: Có ý kiến cho rằng, bên cạnh việc sửa lại Nghị định 24 nhằm xóa bỏ độc quyền về vàng của Ngân hàng Nhà nước, nên mở ra một sàn “chứng khoán vàng” do Nhà nước quản lý để thay đổi thói quen đầu tư, cũng như “thị trường hóa” giá vàng. Ông có quan điểm như thế nào về ý kiến này?

PGS.TS. Nguyễn Hồng Nga: Tôi cho rằng sàn “chứng khoán vàng” là không cần thiết bởi vàng trên thế giới hiện nay do một nhóm nhỏ trên thế giới thao túng và ở trong nước cũng vậy... Hãy lành mạnh hóa thị trường vàng bằng cách xóa bỏ độc quyền của Ngân hàng Nhà nước về vàng, giao lại chức năng này cho thị trường cạnh tranh, để thị trường đóng vai trò điều tiết dựa trên tín hiệu giá cả và thông tin đáng tin cậy. Nếu các kênh đầu tư khác về vàng lành mạnh và đủ tin cậy để người dân kinh doanh, thì chỉ số ít mới cất giữ tài sản dưới dạng vàng, còn lại mang tiền đi kinh doanh để vừa tạo việc làm, vừa gia tăng được tốc độ tăng trưởng, vừa giảm lạm phát về phía cung tăng… trong khi giá vàng tăng không tác động tới tăng trưởng kinh tế, thậm chí còn làm giảm tăng trưởng bởi đầu tư tư nhân giảm sút.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/10/2024