ISSN-2815-5823

Điểm lại những thương vụ “thoái vốn” đình đám của Tập đoàn Vingroup

(KDPT) - Vingroup đã từng thoái vốn và đóng cửa nhiều mảng kinh doanh để tập trung nguồn lực khi theo đuổi mô hình tập đoàn đa ngành.

Vào ngày 17/3, HĐQT Vingroup (mã chứng khoán: VIC) đã tiến hành ký kết thỏa thuận bán phần vốn góp lên đến 100% vốn điều lệ trong công ty SDI - đây là đơn vị đang sở hữu trên 99% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Kinh doanh Thương mại Sado, cổ đông lớn của  Vincom Retail. Sau khi giao dịch này hoàn tất thì Công ty SDI, Công ty Sado và Công ty Vincom Retail đã không còn là công ty con của Vingroup.

Ghi nhận, Công ty Cổ phần Kinh doanh Thương mại Sado đang là cổ đông lớn nhất của công ty này khi sở hữu 943,2 triệu cổ phiếu VRE, con số này tương đương 40,5% vốn điều lệ cùng với 41,51% quyền biểu quyết của công ty này.

Nói về thương vụ trên, Tổng giám đốc Vingroup - ông Nguyễn Việt Quang cho biết, đây chính là thời điểm cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển mạnh mẽ tập đoàn này cũng như các thương hiệu trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao. Và để thực hiện bằng được sứ mệnh này, công ty sẽ dồn toàn lực và nhất là nguồn lực tài chính để tạo đà phát triển đột phá ở trong giai đoạn bước ngoặt tiếp theo.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã từng thoái vốn và đóng cửa nhiều mảng kinh doanh để tập trung nguồn lực khi theo đuổi mô hình tập đoàn đa ngành. (Nguồn ảnh: An ninh tiền tệ)
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã từng thoái vốn và đóng cửa nhiều mảng kinh doanh để tập trung nguồn lực khi theo đuổi mô hình tập đoàn đa ngành. (Nguồn ảnh: An ninh tiền tệ)

Đây không phải là thương vụ thoái vốn đình đám đầu tiên của Tập đoàn Vingroup trong nhiều năm trở lại đây. Đáng chú ý, trong bối cảnh VinFast vẫn đang là một mảng kinh doanh đốt tiền và cần nhiều vốn chưa mang về lợi nhuận còn con gà đẻ trứng vàng mang tên bất động sản vẫn đang gặp khó khăn bởi thị trường chung ảm đạm.

Vào thời điểm cuối năm 2018, Vingroup đã tuyên bố muốn trở thành một tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính. Chính vì thế, việc thoái vốn khỏi các công ty con không thuộc định hướng trên hay như đóng các mảng kinh doanh kém hiệu quả đã gần như là một điều bắt buộc mà tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng phải làm để có thể huy động vốn.

Nhìn lại những thương vụ thoái vốn đình đám của Tập đoàn Vingroup

Ghi nhận, thương vụ thoái vốn đình đám đầu tiên của Vingroup chính là việc tập đoàn bán toàn bộ cổ phần của Chứng khoán Vincom (VincomSC). Chi tiết, vào giai đoạn 2007-2008, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở thời điểm rực rỡ nhất, VN-Index đã tăng liên tục với ngưỡng 1000 điểm, Vingroup cũng đặt tham vọng gia nhập thị trường với Tập đoàn Tài chính Vincom (VFG) với khởi đầu chính là công ty chứng khoán VincomSC được thành lập từ năm 2007. 

Mặc dù vậy, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra vào năm 2008 đã khiến cho Vingroup đã phải tuyên bố hủy kế hoạch tham gia vào mảng chính. Và kết quả là tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã phải dừng kế hoạch thành lập tập đoàn tài chính. Đến năm 2011 thì Vingroup đã bán toàn bộ vốn VincomSC.

Một trung tâm thương mại của Vincom Retail. (Ảnh: Internet)
Một trung tâm thương mại của Vincom Retail. (Ảnh: Internet)

Đến thời điểm hiện tại, công ty này vẫn hoạt động ở trên thị trường chứng khoán Việt Nam với cái tên Chứng khoán VIX. 

Tính từ thời điểm năm 2009 đến hiện tại, Vingroup đã mở ra và đóng lại không biết bao nhiêu dự án, cụ thể VinDS (đây là hệ thống cửa hàng quần áo, giày dép trong trung tâm thương mại Vincom), Vinlink, VinExpress (đây là lĩnh vực logistics), Emigo (đây là công ty thời trang VinFashion), Vinpearl Air (lĩnh vực hàng không)...

Và thương vụ đáng chú ý tiếp theo mà Vingroup thực hiện việc thoái vốn khỏi mảng bán lẻ - thương mại điện tử. Vào cuối năm 2019, thị trường đã chấn động với thông tin Tập đoàn Vingroup rút chân khỏi ngành bán lẻ sau một thời gian tập trung đầu tư phát triển.

Chi tiết, Vingroup cũng thông báo quyết định hoán đổi cổ phần công ty VinCommerce - đây chính là đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị VinMart cùng cửa hàng tiện lợi VinMart+ cho tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) đồng thời cũng chính thức chia tay mảng bán lẻ. Bên cạnh đó, Vingroup cũng bán luôn VinEco cho Masan Group trong thương vụ này. Vào thời điểm chia tay, VinCommerce đã có nhiều năm lỗ liên tiếp, hoạt động chật vật trong việc giành miếng bánh thị phần.

Bên cạnh việc bán VinCommerce hay VinEco cho Masan Group thì công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã quyết định đóng cửa chuỗi cửa hàng điện máy, công nghệ VinPro cùng với sàn thương mại điện tử Adayroi.

Vinmart. (Nguồn ảnh: Internet)
Vinmart. (Nguồn ảnh: Internet)

Mặc dù vậy, không phải thương vụ nào của Vingroup cũng được nhiều người ủng hộ. Trong đó, việc Vingroup dừng sản xuất điện thoại cũng như Tivi Vsmart đã khiến cho người tiêu dùng có những phản ứng trái chiều.

Vào thời điểm mới ra mắt, VSmart đã được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Từ con số 3 mà chỉ đến hết năm 2020, điện thoại VSmart đã đứng thứ 3 thị phần trong nước với 12,7%. Đến đầu năm 2021, ba mẫu điện thoại do VinSmart sản xuất mang thương hiệu AT&T đã chính thức được mở bán ở Mỹ.

Vậy nhưng, đến tháng 5/2021, VinGroup đã thông báo dừng sản xuất điện thoại, tivi mang thương hiệu VSmart. CEO Vingroup - ông Nguyễn Việt Quang cho biết, việc sản xuất điện thoại hoặc tivi thông minh đã không còn mang đến khả năng đột phá và tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng. Cùng với đó là việc mua lại nhà máy LG bất thành cũng chính là tác nhân khiến cho Vingroup quyết định rút khỏi mảng này. 

Tháng 5/2021, Vingroup đã thông báo dừng sản xuất điện thoại, tivi mang thương hiệu VSmart. (Nguồn ảnh: Nhịp sống thị trường)
Tháng 5/2021, Vingroup đã thông báo dừng sản xuất điện thoại, tivi mang thương hiệu VSmart. (Nguồn ảnh: Nhịp sống thị trường)

Mặc dù vậy, hiện công ty VinSmart vẫn chưa đóng cửa. Công ty này được chuyển hướng sang phát triển những tính năng thông minh ở trên phương tiện giao thông và nhà ở. Mục tiêu của tập đoàn chính là phát triển các tính năng thông minh, giải trí, dịch vụ cho ô tô VinFast. 

Có một thương vụ đáng chú ý gần đây chính là việc Vingroup thoái vốn khỏi One Mount Group. Vào hồi giữa năm 2022, công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Công ty Cổ phần One Mount Group - đây là công ty được thành lập bởi các tập đoàn lớn nhất Việt Nam bao gồm "Masan Group, Techcombank, Vingroup".

Và công ty này có ngành nghề kinh doanh chính đó là đại lý, môi giới, đấu giá hàng hóa. Ngoài ra, One Mount Group còn kinh doanh vận tải, hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải và kinh doanh bất động sản, tư vấn quản lý, quảng cáo... Những thương hiệu nổi tiếng ở dưới trướng One Mount Group gồm có Vin ID, VinShop, One Housing.

Những thương hiệu nổi tiếng ở dưới trướng One Mount Group gồm có Vin ID, VinShop, One Housing. (Nguồn ảnh: Kinh tế đô thị)
Những thương hiệu nổi tiếng ở dưới trướng One Mount Group gồm có Vin ID, VinShop, One Housing. (Nguồn ảnh: Kinh tế đô thị)

Trong đó thì VinID có tham vọng sẽ trở thành siêu ứng dụng trợ lý cá nhân, tích hợp nhiều như việc thanh toán, quản lý nhà ở và mua sắm. One Housing chính là nền tảng phục vụ cho nhu cầu mua bán, cho thuê cùng với các dịch vụ khác có liên quan đến lĩnh vực bất động sản. 

Còn VinShop chính là nền tảng phục vụ cho những cửa hàng tạp hóa trên tất cả các khâu từ mua hàng, vận chuyển và quản lý cửa hàng, thanh toán cho đến hỗ trợ tài chính, nhà cung cấp với khả năng sẽ trở thành kênh phân phối cho các sản phẩm tài chính, dịch vụ khác. 

Mặc dù đã thoái vốn khỏi nhiều mảng kinh doanh, nhưng tại thời điểm ngày 31/12/2023 Vingroup vẫn sở hữu lượng công ty con khổng lồ với tổng cộng là 110 doanh nghiệp. Trong đó thì Tập đoàn này vẫn sở hữu những thương hiệu lớn như Vinhomes (lĩnh vực bất động sản), VinPearl (lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng), VinFast (lĩnh vực công nghiệp), Vinmec (lĩnh vực bệnh viện), Vinschool (lĩnh vực giáo dục), VinBrain (lĩnh vực trí tuệ nhân tạo)...

Có thể thấy, việc mạnh tay đầu tư vào công nghiệp mặc dù tốn nhiều tiền tuy nhiên cũng đã bắt đầu mang đến thành quả cho Vingroup. Chi tiết, tập đoàn này ghi nhận được doanh thu thuần quý IV đạt mức 27.428 tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm 34%.

Cơ cấu nguồn thu quý 4/2023 của Vingroup. (Nguồn ảnh: Nhịp sống thị trường)
Cơ cấu nguồn thu quý 4/2023 của Vingroup. (Nguồn ảnh: Nhịp sống thị trường)

Và trong cơ cấu doanh thu thuần, doanh thu từ hoạt động sản xuất mang về chủ yếu với 41% doanh thu cho Vingroup trong quý này với 11.266 tỷ đồng, so với cùng kỳ gấp 2,8 lần. Trong khi đó thì doanh thu chuyển nhượng bất động sản lại giảm mạnh so với cùng kỳ còn 4.808 tỷ đồng. Doanh thu cho thuê bất động sản cũng mang về doanh thu lớn thứ 3 ghi nhận 2.396 tỷ đồng.

Đây cũng chính là quý đầu tiên từ khi VinFast đi vào vận hành thương mại, doanh thu hoạt động sản xuất của Vingroup mới vượt qua doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản cũng như trở thành nguồn thu chủ lực của tập đoàn Vingroup./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024