Theo danh sách vừa được công bố, tổng số tiền nợ thuế của những người nộp thuế này là hơn 6,3 nghìn tỷ đồng; trong đó, 1.496 người nộp thuế có số thuế nợ khả năng thu là hơn 5,7 nghìn tỷ đồng; còn lại 530 người nộp thuế có số nợ thuế khó thu với số tiền 638,4 tỷ đồng.

Trong danh sách 530 người nộp thuế khó đòi có mặt của một số doanh nghiệp bất động sản. Đơn cử như: Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà và Xây dựng Tây Hồ – Trung tâm Tư vấn thiết kế Tây Hồ nợ 979 triệu đồng; Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà và Xây dựng Tây Hồ – Xí nghiệp Xây dựng số 6 nợ 130 triệu đồng; Xí nghiệp xây dựng 621 Thăng Long – Chi nhánh Công ty cổ phần Xây dựng số 6 Thăng Long nợ 125 triệu đồng.

Nguồn: Cục thuế Hà Nội.

Ngoài ra còn có Tổng công ty Licogi – CTCP: Chi nhánh Licogi số 1 nợ 33 tỷ đồng; Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Đại Thanh nợ 145 tỷ đồng; Công ty cổ phần đầu tư và Xây dựng Sông Đà nợ 38 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Thái Sơn nợ 177 triệu đồng.

Đồng thời, trong danh sách người nộp thuế nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất có những cái tên như: Cty Cổ phần Quốc tế CT Việt Nam, Cty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà, Cty TNHH Đá quý Thế giới…

Cũng theo Cục Thuế Hà Nội, công tác quản lý nợ trong những năm qua đã được Cục Thuế TP Hà Nội triển khai rất quyết liệt theo đúng quy định, quy trình trên cơ sở phân loại đối tượng nộp thuế để áp dụng các biện pháp đôn đốc, quản lý nợ phù hợp.

Bên cạnh việc đôn đốc và kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định, Cục Thuế Hà Nội cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nộp dần nợ thuế. Tổ chức các buổi làm việc, đối thoại với các đơn vị nợ thuế để đôn đốc thu nợ cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếp nhận những thông tin phản hồi từ người nộp thuế. Qua đó, kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế có thể khơi thông hoạt động sản xuất kinh doanh, có cơ hội hoàn thành nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước bằng các biện pháp gia hạn, nộp dần tiền nợ thuế.

Đối với các khoản thu còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, Cục Thuế TP Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương, các Sở ban ngành của TP hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.Với các doanh nghiệp, người nộp thuế gặp khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch bệnh, Cục Thuế đã triển khai kịp thời các chính sách giãn, giảm, gia hạn nộp thuế, khoanh nợ, xóa nợ theo quy định đối với người nộp thuế.

Triển khai thực hiện Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019, Cục Thuế TP Hà Nội luôn triển khai đầy đủ và kịp thời các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế theo quy định. Một trong những điểm mới của Luật quản lý thuế NNT cần lưu ý đó là trường hợp quyết định cưỡng chế đối với một số biện pháp chưa hết hiệu lực nhưng không có hiệu quả mà cơ quan thuế có đủ thông tin, điều kiện thì được phép thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo.

Đối với các trường hợp nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước hoặc hết thời hạn chấp hành các quyết định hành chính về quản lý thuế mà người nộp thuế hoặc người bảo lãnh không tự nguyện chấp hành, Cục thuế TP Hà Nội sẽ tiến hành công khai nợ thuế khi đảm bảo CQT đã thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ, doanh nghiệp không có phát sinh vướng mắc hoặc khiếu kiện, khiếu nại.

UYỂN NHI