Diễn biến thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ lễ dài ngày
Thận trọng sau kỳ nghỉ dài ngày
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, thị trường hiện nay khá nhạy cảm với thông tin trong giai đoạn này, dẫn tới việc VN-Index tăng giảm đột ngột. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường giảm sâu trong bối cảnh khối ngoại vẫn bán ròng hàng trăm tỷ đồng.
Sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, giao dịch trên thị trường chứng khoán dự báo còn trầm lắng, các nhà đầu tư có thể tiếp tục thoát khỏi thị trường nhằm hạn chế tối đa rủi ro từ tình hình địa chính trị quốc tế đang rất phức tạp hiện nay.
Tháng 4, điểm nhấn chính trong diễn biến của VN-Index là sụt giảm mạnh từ mức 1.270 điểm xuống vùng 1.180 điểm trong bối cảnh hàng loạt rủi ro vĩ mô như tỷ giá tăng mạnh, bất ổn chính trị,... Giá trị giao dịch trung bình trên thị trường là 21 nghìn tỷ đồng/phiên.
Nhìn chung, cổ phiếu của hầu hết các nhóm ngành đều chịu áp lực điều chỉnh theo diễn biến thị trường chung. Trong đó, nhóm bất động sản, dịch vụ tài chính và xây dựng giảm mạnh nhất từ 9-10% trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, có 3 ngành vẫn đang giữ sắc xanh là du lịch, công nghệ thông tin và bán lẻ.
Đáng chú ý, ngành du lịch tăng 11,3%, được dẫn dắt bởi cổ phiếu HVN (Vietnam Airlines). Nhóm công nghệ thông tin tăng 7,88%, cổ phiếu FPT là động lực chính với câu chuyện doanh nghiệp này công bố hợp tác chiến lược với “ông lớn” công nghệ NVIDIA về thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Nhóm bán lẻ tăng 6,77%, hai mã dẫn dắt là FRT và MWG khi các doanh nghiệp này đều có câu chuyện riêng và kết quả kinh doanh quý I/2024 tích cực, thể hiện được tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Theo nhận định của chuyên gia phân tích từ Chứng khoán Nhất Việt (VFS), diễn biến của VN-Index vừa qua đã làm chấm dứt xu hướng tăng ngắn hạn bắt đầu từ tháng 11/2023. Song, điểm tích cực là quy luật tăng trung và dài hạn từ cuối năm 2022 chưa bị vi phạm. Nhìn vào diễn biến thanh khoản, có thể thấy kịch bản VN-Index chưa kết thúc nhịp điều chỉnh, mới chỉ phục hồi về mặt kỹ thuật.
Thanh khoản tập trung vào các phiên chỉ số VN-Index giảm điểm, còn những phiên tăng điểm thì thanh khoản thấp, thể hiện áp lực bán vẫn lớn cùng dòng tiền rất thận trọng với chiều tăng giá, nhất là trước kỳ nghỉ lễ 5 ngày vừa qua.
Cơ cấu danh mục, hạ tỷ trọng về mức an toàn
Chuyên gia VFS khuyến nghị, trong bối cảnh diễn biến điều chỉnh chưa được xác nhận kết thúc, các nhà đầu tư giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp cần theo dõi thêm diễn biến giá ở ngưỡng 1.200-1.230 điểm để “test” đáy của thị trường. Sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, thị trường chứng khoán có thể đi theo hai kịch bản.
Một là chỉ số VN-Index tiếp tục chịu áp lực giảm điểm về ngưỡng 1.100-1.130 điểm. Với kịch bản này, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp, chờ VN-Index cân bằng trở lại.
Hai là chỉ số này sẽ phục hồi lại với sự hỗ trợ của dòng tiền, vượt lên cặp đường trung bình động SMA 10 và 20 phiên. Các tín hiệu cho thấy áp lực điều chỉnh kết thúc, từ đó nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu trở lại, lưu ý tới nhóm các cổ phiếu khỏe hơn thị trường trong thời gian qua.
Hệ thống KRX chưa đi vào vận hành như kỳ vọng sau kỳ nghỉ lễ 5 ngày, một lần nữa khiến thị trường thất vọng. Theo Ủy ban Chứng khoán, chưa có đủ cơ sở để chấp thuận đề nghị của HoSE về việc KRX chính thức đi vào hoạt động từ ngày 2/5. HoSE cũng ra công văn đề nghị các công ty chứng khoán tạm dừng việc chuyển đổi sang hệ thống KRX.
Theo dự báo của nhóm chuyên gia phân tích Chứng khoán SHS, thị trường sẽ có những nhịp rung lắc trên đường tiếp tục phục hồi, hướng đến vùng 1.225 điểm. Với nhịp phục hồi sắp tới, các nhà đầu tư đang giữ tỷ trọng lớn có thể tranh thủ cơ cấu lại danh mục, hạ tỷ trọng về mức an toàn. Với nhóm nhà đầu tư trung và dài hạn, có thể tiếp tục thực hiện giải ngân dần trong các nhịp giảm điểm, mục tiêu hướng đến các mã cổ phiếu đầu ngành, triển vọng được dự báo tích cực trong năm 2024.
Về ngắn hạn, VN-Index đã lấy lại được vùng hỗ trợ 1.200 điểm, như vậy chỉ số này đã diễn biến theo kịch bản tích cực là hoàn thành mô hình “w” nhỏ và tiếp tục có sự phục hồi trong phiên cuối tuần như SHS đã nhận định.
Dự báo trong tuần sau kỳ nghỉ lễ, thị trường sẽ có nhịp phục hồi ngắn hạn với ngưỡng kháng cự quanh mốc 1.225 điểm, xa hơn là 1.250 điểm - cạnh trên của vùng tích lũy trung hạn.
Nhìn về trung hạn, khi Vn-Index để mất vùng 1.250 điểm đã khiến chỉ số này đánh mất động lực hình thành xu hướng tăng (uptrend) và dự báo dao động trong vùng giá 1.150 điểm-1.250 điểm để tích lũy trở lại. Quá trình này có thể kéo dài sau diễn biến giảm điểm vừa qua.
Số liệu kinh tế và lạm phát tại Mỹ tuần qua có những tín hiệu trái chiều, chính sách lãi suất của FED trong thời gian tới rất khó dự báo, nhiều khả năng lãi suất chưa được giảm trong thời gian kỳ vọng. Điều này có thể tiếp tục tạo áp lực đối với tỷ giá USD/VND vốn đang rất căng thẳng trong thời gian gần đây.
Với những tin tức như vậy, SHS cho rằng, việc thị trường tích lũy là điều tất yếu, về trung hạn sẽ không rơi vào chu kỳ giảm điểm (downtrend) mới./.
- Chứng khoán Việt Nam tăng trưởng nhờ nhiều "bàn đạp”
- Chiến lược nào hiệu quả với nhà đầu tư chứng khoán trong năm 2024?