Cổ phiếu “bank - chứng - thép” được nhà đầu tư quan tâm
Ngành thép có những tia sáng mới
Những báo cáo kinh doanh trong mùa đại hội cổ đông 2024 được công bố cho thấy bức tranh ngành thép năm qua sáng sủa hơn và nhà đầu tư có cơ sở kỳ vọng vào sự phục hồi tốt trong năm nay.
Doanh thu và lợi nhuận nhóm ngành thép giảm mạnh trong năm 2023 do tình hình bất lợi từ một số yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước, nhất là tình hình không mấy khả quan của thị trường bất động sản. Dù vậy, đáy của lợi nhuận ngành thép đã được xác lập và dự kiến dần phục hồi trong năm 2024, bên cạnh đà tăng trưởng của xuất khẩu cùng đơn hàng nội địa đang cải thiện.
Ông Phạm Minh Hiếu - Chuyên gia tại VPBankS Research nhận định: "Ngành thép đã từng bước vượt qua bóng tối và đang tìm kiếm những tia sáng đầu tiên”.
Trên thực tế, trong quý đầu năm 2024, xuất khẩu giữ vai trò quan trọng trong kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thép. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ chốt như thép cuộn cán nóng (HRC) và tôn mạ có sự tăng trưởng mạnh nhất.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NKG của Công ty cổ phần Thép Nam Kim và cổ phiếu HSG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận lợi tức từ đà tăng trưởng xuất khẩu và tỷ giá mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo nhận định từ Thép Nam Kim, năm 2024, ngành thép sẽ phục hồi, nhưng với mức độ khiêm tốn, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì mức lãi suất cao. Song, mục tiêu của công ty là đạt doanh thu 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng trong năm 2024, lần lượt tăng 12,7% và 137% so với năm ngoái.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG), bên cạnh yếu tố xuất khẩu và tỷ giá thì còn cho thấy triển vọng dài hạn từ câu chuyện riêng là dự án Nhà máy Dung Quất 2. Tổng vốn đầu tư của dự án này là 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn HRC chất lượng cao/năm. Khi nhà máy hoàn thành vào năm 2025 theo dự kiến, tổng năng lực sản xuất HRC của Hòa Phát sẽ đạt 8,6 triệu tấn/năm.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2024 của Hòa Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Đình Long dự báo, thị trường thép năm nay sẽ tốt hơn năm 2023, sang năm 2025 sẽ còn tốt hơn nữa.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024, lợi nhuận của Hòa Phát là 2.869 tỷ đồng, hoàn thành 28,7% kế hoạch năm. Trong kết quả này, sản xuất gang thép và sản phẩm thép đóng góp khoảng 90%.
Hòa Phát đặt mục tiêu kinh doanh năm 2024 là doanh thu 140.000 tỷ đồng, 10.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 16% và hơn 46% so với năm ngoái.
Năm 2024, triển vọng ngành thép có thể đến từ cả xuất khẩu khi nhu cầu thép ở thị trường Châu Âu, Ấn Độ, ASEAN, Mỹ đều tăng cao và bán hàng trong nước nhờ đầu tư công được đẩy mạnh, thị trường địa ốc đang "ấm” dần lên.
Nhu cầu thép toàn cầu gia tăng cũng giúp các nhà xuất khẩu thép lớn như Trung Quốc trở lại, gia tăng áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, thời gian qua thép giá rẻ Trung Quốc đã tràn sang thị trường Việt khiến Hòa Phát lo lắng.
“Nhập khẩu ồ ạt không sớm thì muộn cũng sẽ đè bẹp sản xuất trong nước” - Ông Long bày tỏ.
Tuy nhiên, nhìn chung các cổ phiếu thép vẫn thu hút dòng tiền. Theo thống kê của Simplize, trong vòng 1 năm qua, giá cổ phiếu HPG tăng 46,4%, HSG tăng 37,7%, NKG tăng 77%, TLH tăng 29,2%.
Cổ bank đóng vai trò dẫn dắt
Trong mùa đại hội cổ đông 2024, cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng rất thu hút nhà đầu tư. Các ngân hàng đưa ra những phương án chia cổ tức và kế hoạch kinh doanh khả quan, dù mặt bằng tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp.
Công ty Chứng khoán Yuanta đánh giá tích cực cổ bank dựa trên các kỳ vọng: Thu nhập lãi ròng cải thiện nhờ khả năng tăng trưởng tín dụng cao hơn cùng chi phí vốn thấp hơn; Định giá ngành hấp dẫn, dự báo P/B năm 2024 trung vị là 1,1 lần, ROE là 1,8 lần, ROE bình quân của 7 ngân hàng trong danh mục khuyến nghị của Yuanta là 20% (các mã ACB, BID, HDB, MBB, STB, VCB, VPB).
CEO Passion Investment - Ông Lã Giang Trung cho rằng, 2 yếu tố giúp giá cổ phiếu đi lên là nền lãi suất thấp và các doanh nghiệp có câu chuyện để cải thiện kết quả kinh doanh.
Riêng ngành ngân hàng, luận điểm đầu tư là NIM được kỳ vọng tăng trưởng ở hầu hết các ngân hàng lớn, thu nhập ngoài lãi hồi phục, chất lượng tài sản cải thiện đáng kể nhờ kinh tế tăng trưởng và nền lãi suất thấp.
Hai hệ số P/E và P/B của ngành này vẫn chưa chạm mức trung bình kể từ năm 2013, cổ phiếu hiện tại vẫn đang giao dịch ở mức hấp dẫn.
Ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn và có mức đóng góp lớn vào cơ cấu lợi nhuận của thị trường chứng khoán. Vì vậy, nhóm này có tác động chi phối hàng đầu tới diễn biến thị trường.
Còn nhiều động lực cho cổ phiếu chứng khoán
Kể từ đầu năm 2024, cổ phiếu chứng khoán ghi nhận nhiều động lực tăng trưởng và triển vọng tích cực của câu chuyện nâng cấp thị trường từ cận biên lên mới nổi và phát hành tăng vốn của các công ty chứng khoán.
Trong báo cáo ngành chứng khoán của VIS Rating, kết quả kinh doanh năm 2024 của ngành này sẽ được cải thiện, nhất là khi lợi nhuận từ cho vay margin và hoạt động đầu tư của các công ty chứng khoán đang rất thuận lợi để tăng trưởng.
Đồng thời, việc hệ thống giao dịch mới KRX chuyển bị được vận hành và triển vọng nâng hạng thị trường sẽ là 2 động lực lớn cho cổ phiếu chứng khoán. Song, định giá cổ phiếu chứng khoán hiện tại không còn rẻ, nhà đầu tư cần canh nhịp điều chỉnh xuống của thị trường để mua vào mã phù hợp.
Theo thống kê của Simplize, mức tăng giá trung bình của cổ phiếu chứng khoán trong năm qua là 12%, một số mã có mức tăng rất cao như SSI tăng hơn 79%, VND tăng 44,4%, DSC tăng 35,4%, VCI tăng 66,9%, HCM tăng 68,3%, SHS tăng 101,9%, CTS tăng 142,5%, FTS tăng 160%, VIX tăng 183,9%./.
- Cổ đông lo giá cổ phiếu giảm khi nhiều ngân hàng chia cổ tức
- Trợ lực nào cho cổ phiếu bất động sản tăng giá?