ISSN-2815-5823
Khánh Hà
Thứ năm, 15h23 29/02/2024

Doanh nghiệp bất động sản được “trợ lực”

(KDPT) - Cùng với nỗ lực tháo gỡ của Chính phủ, các bộ ngành, áp lực dòng tiền đã giảm đi phần nào với doanh nghiệp bất động sản. Việc phát hành thành công cổ phiếu ra công chúng cũng là động lực quan trọng để doanh nghiệp địa ốc lấy được đà phục hồi trở lại.

Tăng "lực" tài chính

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) cho biết đã chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện với hơn 101 triệu cổ phiếu, giá chào bán 12.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị vốn huy động được hơn 1.220 tỷ đồng. Sau đợt chào bán, vốn điều lệ của Đất Xanh đã tăng từ hơn 6.207 tỷ đồng lên 7.224 tỷ đồng. Số vốn huy động này sẽ được công ty có thêm nguồn lực để triển khai các dự án trong thời gian tới.

Việc phát hành thành công cổ phiếu ra công chúng cũng là động lực quan trọng để doanh nghiệp địa ốc lấy được đà phục hồi trở lại. (Ảnh: Dân trí)

Một doanh nghiệp khác là Novaland tháng 1/2024 cũng công bố phương án phát hành thêm 1,37 tỷ cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu cũng như người lao động. Với cổ phiếu riêng lẻ, Novaland sẽ chào bán tối đa 200 triệu cổ phiếu cho không quá 5 nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Novaland sẽ phát hành tối đa 1,17 tỷ cổ phiếu không bị hạn chế giao dịch với cổ đông hiện hữu. Được biết, số tiền thu được sẽ được Novaland dự kiến sử dụng góp thêm vốn vào công ty con với mục đích tái cơ cấu nợ, thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn, đồng thời thanh toán lương cho cán bộ công nhân viên. Nếu thực hiện thành công, Novaland dự kiến thu về khoảng 500 triệu USD.

Hay Trường Thành (TEG) cũng công bố việc chào bán thành công 48 triệu cổ phiếu, với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu. Phát hành thành công, doanh nghiệp sẽ thu về 480 tỷ đồng. Hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực năng lượng và bất động sản, các dự án hiện nay của TEG đang triển khai đều đang khá khát vốn. Hiện vốn điều lệ đăng ký của công ty là hơn 1.208 tỷ đồng.

Trong khi, nhiều doanh nghiệp đang tập trung phát hành trái phiếu để tăng vốn thì nhiều doanh nghiệp khác đang tập trung tái cấu trúc, mở rộng quỹ đất.

Liên danh CTCP Vinhomes - CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) đã đăng ký thực hiện Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. (Ảnh: Znews)

Đơn cử, liên danh CTCP Vinhomes - CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) đã đăng ký thực hiện Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An với diện tích khoảng 1.090 ha, chi phí thực hiện sơ bộ là 80.000 tỷ đồng.

Hoàng Huy cũng đã đăng ký dự án đầu tư xây dựng chỉnh trang đô thị tại quận Lê Chân (Hải Phòng) với diện tích sử dụng đất hơn 16.179 m2, chi phí thực hiện dự kiến gần 3.180 tỷ đồng.

Taseco Land cũng đã đăng ký thực hiện dự án Khu 2, thuộc Khu đô thị tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng và xã Đồng Sơn, TP. Bắc Giang. Dự án có tổng diện tích gần 50 ha, tổng vốn đầu tư gần 3.800 tỷ đồng.

Tập đoàn Ecopark cũng đang tích cực mở rộng quỹ đất với dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức. Dự án này có tổng diện tích hơn 220 ha, tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỷ đồng.

Vẫn chưa hết áp lực

Báo cáo mới đây của FiinRatings chỉ ra, phần lớn các nhà phát triển đang đối mặt với áp lực huy động vốn để triển khai dự án tại các khu đất đã tích lũy từ trước khi bùng phát đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng phải đối mặt với rủi ro liên quan đến cơ cấu nguồn vốn cũng như tình trạng thanh khoản nếu không có các phương án tái trả nợ các khoản nợ cũ.

Năm 2024, các rủi ro về lãi suất, suy thoái kinh tế, áp lực về thanh khoản, khả năng tiếp cận nguồn vốn và khả năng chi trả của người dân sẽ là những rủi ro với các nhà phát triển bất động sản dân cư. (Ảnh: TTXVN)

Theo FiinRatings, năm 2024, các rủi ro về lãi suất, suy thoái kinh tế, áp lực về thanh khoản, khả năng tiếp cận nguồn vốn và khả năng chi trả của người dân sẽ là những rủi ro với các nhà phát triển bất động sản dân cư.

Bên cạnh đó, FiinRatings cho rằng, sẽ có sự phân hóa về khả năng duy trì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sau những khó khăn chung của thị trường. Các doanh nghiệp có dự án với sản phẩm đa dạng, quỹ đất sạch, có khả năng triển khai và thực thi dự án sẽ có cơ hội tiếp cận đa dạng kênh huy động và có sức chống chịu tốt hơn.

Còn SSI trong báo cáo chiến lược năm 2024 có chỉ rõ, để vượt khó, doanh nghiệp địa ốc thường huy động vốn mới hoặc tái tài trợ để đầu tư vào dự án mới. Các phương thức được doanh nghiệp dùng đó là vay ngân hàng, phát hành trái phiếu và/hoặc phát hành cổ phần.

SSI cho biết, năm 2023, thị trường trái phiếu cũng bị chững lại do các nhà đầu tư lo ngại về các vấn đề phát sinh đối với trái phiếu. Do trước đó, một số tổ chức phát hành đã sử dụng tiền thu được từ trái phiếu không đúng mục đích.

Do vậy, các chủ đầu tư đã chủ động hạn chế sử dụng trái phiếu phát hành, thay vào đó dùng vốn vay ngân hàng hoặc bán tài sản để tái cấp vốn cho các dự án.

Năm 2023, thị trường chứng khoán đã tăng 12%, lãi suất cho vay giảm… những điểm tích cực này được làm tiền đề để năm 2024, các chủ đầu tư có thể tiếp tục phát hành cổ phần hoặc vay ngân hàng trong nước. “Nguồn vốn vay ngân hàng và vốn chủ sở hữu sẽ là nguồn vốn chính để các doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ và đầu tư vào các dự án mới trong năm 2024”, SSI đánh giá.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, thời kỳ khó khăn vừa qua, tài chính là bài toán lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản. Áp lực từ các khoản nợ đáo hạn nhất là nợ trái phiếu khiến nhiều chủ đầu tư đã phải bán tháo dự án, tái cấu trúc, chấp nhận làm lại từ đầu. Chính vì vậy, ông Châu đánh giá, việc phát hành thêm cổ phiếu sẽ giúp cho doanh nghiệp tăng thêm số vốn tự có của mình đồng thời tránh sự ràng buộc bởi nghĩa vụ phải trả lợi tức cố định. Nếu công ty phát hành cổ phiếu có doanh thu và lợi nhuận chưa đạt như mong muốn thì bản thân doanh nghiệp trong trường hợp bị mất khả năng chi trả nợ cũng giảm bớt được nguy cơ phá sản.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, phương thức này cũng có nhược điểm nhất định, đó là khi phát hành cổ phiếu, cơ cấu nội bộ của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng nếu lượng cổ phiếu được mua lớn bởi một cổ đông/nhóm cổ đông nhất định.

Bên cạnh đó, không ngoại trừ trường hợp cổ phiếu có thể còn được mua bởi các công ty đối thủ với mục đích mua để chi phối hoạt động công ty, dẫn đến làm ảnh hưởng đến quyền lực của các cổ đông trước đó. Ngoài ra, chi phí để phát hành cổ phiếu cũng cao hơn so với chi phí để phát hành các loại trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi.

PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế

Đánh giá về sức khỏe hiện tại của các doanh nghiệp bất động sản, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp bất động sản hiện nay có nhu cầu vốn rất lớn, nếu thiếu vốn, doanh nghiệp không thể vận hành.

Tuy nhiên, khi có vốn rồi, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, doanh nghiệp cần tìm cách nâng cao khả năng hấp thụ. Bởi nâng cao khả năng hấp thụ vốn nghĩa là doanh nghiệp nâng cao năng lực sử dụng vốn hiệu quả từ đó mới có thể tự sáng tạo giá trị cũng như thúc đẩy tăng trưởng.../.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024